.

Cải cách thủ tục hành chính trong chiến lược hình thành Kho bạc điện tử

Chủ Nhật, 27/08/2017, 15:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Quảng Bình đã thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được đặc biệt chú trọng và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Dự án “Hiện đại hóa thu ngân sách nhà nước (NSNN) đã góp phần kết nối, trao đổi thông tin điện tử nhanh chóng, thường xuyên giữa cơ quan Tài chính - cơ quan Thuế/Hải quan – KBNN. Công tác phối hợp thu NSNN với các ngân hàng thương mại tạo nhiều thuận lợi cho người nộp thuế.

Bên cạnh đó, việc áp dụng hình thức giao dịch theo cơ chế một cửa, một giao dịch viên tại trụ sở KBNN giúp giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện cho cá nhân, tổ chức, từ đó giảm bớt các khâu trung gian giữa cán bộ kiểm soát chi và đơn vị sử dụng ngân sách, rút ngắn thời gian thanh toán, bảo đảm tính công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục và nâng cao trách nhiệm của các đơn vị sử dụng NSNN.

Các lĩnh vực nghiệp vụ đã và đang được tin học hóa, hiện đại hóa toàn diện, trong đó có một số dự án mang tính cải cách lớn, như: dự án hiện đại hóa thu NSNN, hệ thống thanh toán tập trung, hệ thống quản lý tài chính và kế toán nội bộ hạch toán tập trung tại KBNN tỉnh, dự án Tabmis, các chương trình ứng dụng tin học trong công tác kế toán...

KBNN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thực hiện mục tiêu hình thành Kho bạc điện tử của Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020. Trong năm 2017, kế hoạch cải cách TTHC thực hiện tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm gồm: mở rộng phối hợp thu NSNN với các ngân hàng thương mại trên địa bàn, triển khai đề án thống nhất đầu mối kiểm soát chi các khoản chi NSNN qua KBNN và dịch vụ công trực tuyến.

Trong lĩnh vực thu NSNN, KBNN tỉnh tiếp tục thực hiện phối hợp thu với các ngân hàng thương mại trên địa bàn, nâng điểm thực hiện phối hợp thu lên đến 58 điểm trong toàn tỉnh với 4 ngân hàng thương mại (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng TMCP Ngoại thương, Ngân hàng TMCP Công thương, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển). Trong thời gian tới, KBNN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai phối hợp thu thông qua các hình thức thu nộp NSNN hiện đại cùng với việc phát triển một cách đồng bộ các dịch vụ liên quan khác.

Cán bộ, công chức tập huấn nghiệp vụ thống nhất đầu mối kiểm soát chi.
Cán bộ, công chức tập huấn nghiệp vụ thống nhất đầu mối kiểm soát chi.

Trong lĩnh vực chi NSNN, KBNN tỉnh đã áp dụng hình thức giao dịch theo cơ chế một cửa, giảm bớt khâu trung gian giữa cán bộ kiểm soát chi và đơn vị sử dụng ngân sách, rút ngắn thời gian thanh toán, bảo đảm tính công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục. Đối với các khoản chi thường xuyên, việc cải cách thủ tục đã giảm được số lượng thủ tục của 70% tổng số các khoản mua sắm nhỏ lẻ, nhưng vẫn kiểm soát chặt chẽ 100% các khoản chi có giá trị lớn.

Trong công tác quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN, KBNN tỉnh thực hiện rút ngắn thời gian kiểm soát hồ sơ theo Chính phủ quy định từ 7 ngày làm việc xuống tối đa 3 ngày làm việc, qua đó đáp ứng nhanh hơn, kịp thời hơn yêu cầu thanh toán của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án. KBNN tỉnh tiếp tục tập trung cải cách TTHC trong quý IV năm 2017, thực hiện đề án “Thống nhất đầu mối kiểm soát chi các khoản NSNN qua KBNN” và dịch vụ công trực tuyến theo kế hoạch và lộ trình triển khai của KBNN đề ra.

Theo đó, các khoản chi NSNN qua hệ thống KBNN tập trung vào một đầu mối, chuyển nhiệm vụ kiểm soát chi thường xuyên từ phòng/bộ phận Kế toán sang cho phòng/bộ phận Kiểm soát chi, thực hiện kiểm soát nhiều khâu. Để chuẩn bị thực hiện đề án, đầu tháng 8-2017, KBNN tỉnh đã tổ chức hội nghị tập huấn chéo nghiệp vụ Kiểm soát chi đầu tư và Kiểm soát chi thường xuyên NSNN cho công chức kế toán và công chức kiểm soát chi đầu tư; chuẩn bị công tác nhân sự, bộ máy, cơ sở vật chất và tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan thực hiện đúng quy định.

Việc thực hiện đề án sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong giao dịch chi NSNN qua KBNN; đáp ứng yêu cầu thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong hệ thống KBNN theo hướng “một cửa giao dịch viên” trong kiểm soát chi NSNN; thuận lợi trong việc ứng dụng CNTT, mở tài khoản, giao nhận hồ sơ, thanh toán qua mạng; góp phần đẩy mạnh cải cách TTHC, đơn giản hóa hồ sơ, chứng từ kiểm soát chi; tiến tới rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, chứng từ chi NSNN tại các đơn vị KBNN.

Song song với việc triển khai đề án  “Thống nhất đầu mối kiểm soát chi các khoản NSNN qua KBNN”, KBNN tỉnh sẽ triển khai dịch vụ công trực tuyến với các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư gồm 3 dịch vụ: khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với KBNN; giao diện thông tin yêu cầu thanh toán qua mạng và chương trình kê khai yêu cầu thanh toán; đăng ký mở và sử dụng tài khoản tại KBNN.

Triển khai dịch vụ công trực tuyến mang lại rất nhiều lợi ích cho các đơn vị sử dụng ngân sách, như: tạo thuận lợi trong khâu giao nhận chứng từ, hạn chế việc đi lại nhiều lần; dịch vụ công cung cấp đầy đủ các thông tin về thời gian, trạng thái các giao dịch của đơn vị với KBNN góp phần tăng tính công khai, minh bạch trong việc kiểm soát hồ sơ thanh toán, các đơn vị chủ động biết được tình trạng và kết quả xử lý hồ sơ thanh toán; việc áp dụng chữ ký số bảo đảm tính pháp lý, an toàn và bảo mật thông tin của đơn vị, tránh giả mạo chữ ký khi giao dịch bằng giấy; cho phép đơn vị thực hiện gửi hồ sơ 24/24h trong ngày và 7/7 ngày trong tuần.

Hệ thống KBNN thực hiện dịch vụ công điện tử góp phần hiện đại hóa công tác kiểm soát chi theo đúng định hướng của ngành, giúp lãnh đạo đơn vị có thể kiểm tra, kiểm soát ngay được tình trạng hồ sơ, chứng từ, tăng trách nhiệm của công chức trong việc tiếp nhận, kiểm tra và trả kết quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cải cách hành chính nói chung và cải cách TTHC nói riêng, KBNN tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong quá trình triển khai đề án thống nhất đầu mối kiểm soát chi và dịch vụ công trực tuyến.

Vì vậy, thời gian tới KBNN tỉnh sẽ tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, lãnh đạo đơn vị đối với công tác này; làm tốt công tác chính trị tư tưởng và công tác đào tạo, tập huấn quy trình nghiệp vụ, sử dụng các chương trình ứng dụng cho cán bộ công chức; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có giao dịch với KBNN Quảng Bình trong quá trình triển khai.

Bên cạnh đó, để triển khai thành công các nhiệm vụ, cần có sự chia sẻ, phối hợp từ các sở, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là các đơn vị sử dụng NSNN, chủ đầu tư, ban quản lý dự án.

Phạm Hồng Tam-Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh