.

Đưa hàng Việt về miền núi, nông thôn: Những tín hiệu tích cực

Thứ Tư, 12/07/2017, 09:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần thay đổi nhận thức toàn hệ thống chính trị và toàn dân về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động. Đặc biệt, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi thực sự đã trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo nên nhiều hiệu ứng tích cực.

Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi là hoạt động nằm trong chương trình thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Để tổ chức thành công các phiên chợ, các cán bộ của Trung tâm Khuyến công-Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đã tìm hiểu, nghiên cứu tập quán sinh hoạt, nhu cầu mua sắm thiết yếu và thu nhập của nhân dân tại từng địa phương.

Gian hàng của Siêu thị Co.op Mart tại phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi huyện Minh Hóa với các mặt hàng chất lượng, giá cả phải chăng.
Gian hàng của Siêu thị Co.op Mart tại phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi huyện Minh Hóa với các mặt hàng chất lượng, giá cả phải chăng.

Từ đó, Trung tâm tiến hành mời gọi các doanh nghiệp có uy tín, có năng lực sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại, chuẩn bị hàng hóa phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người dân. Để thu hút các doanh nghiệp tham gia phiên chợ, Trung tâm cũng hỗ trợ 100% chi phí đăng ký, lắp đặt gian hàng cho các doanh nghiệp đối với phiên chợ hàng Việt về miền núi và 70% đối với phiên chợ hàng Việt về nông thôn. Đồng thời, Trung tâm cũng cố gắng lựa chọn tổ chức các phiên chợ vào 3 ngày cuối tuần để bà con có thời gian đến tham quan, mua sắm.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trong năm 2017, Trung tâm Khuyến công-Xúc tiến thương mại đã phối hợp với UBND, UBMTTQ các huyện Minh Hóa, Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy tổ chức thành công 3 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và 1 phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi. Mỗi phiên chợ có 20 gian hàng của 10 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh. Các mặt hàng được bày bán tại các phiên chợ bao gồm: nông sản, lương thực, thực phẩm, đồ uống, hàng gia dụng, quần áo thời trang, giày dép, mỹ phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, mộc dân dụng, điện tử, công nghệ thông tin, máy móc thiết bị....

Các sản phẩm đều sản xuất tại Việt Nam, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được phép lưu thông hợp pháp trên thị trường, bảo đảm về chất lượng. Với không khí mua bán tấp nập, vui vẻ, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi đã giúp bà con có cơ hội tiếp xúc, nhận biết các hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp do Việt Nam sản xuất.

Có thể thấy, các phiên chợ đã tác động lớn đến tâm lý người tiêu dùng, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh.

Tham gia phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại thôn Lộc Long (xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh), chị Lê Thị Hiền cho biết: “Tôi thấy các mặt hàng tại phiên chợ rất chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đặc biệt nhiều mặt hàng do chính chủ doanh nghiệp đứng bán nên tôi rất yên tâm, tin tưởng mua về dùng”.

Các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tổ chức khảo sát, nắm bắt thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sẽ từng bước cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường nông thôn.

Ông Nguyễn Quốc Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Sản xuất nấm sạch và Kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch) chia sẻ: “Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi là một hoạt động ý nghĩa, thiết thực, giúp chúng tôi có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng để hiểu thêm tâm tư, phản hồi của họ khi sử dụng sản phẩm của HTX. Từ đó, chúng tôi sẽ có các phương án cải tiến về mẫu mã bao bì, phát triển các sản phẩm nấm sạch phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân...”.

Ông Lê Mậu Khánh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công-Xúc tiến thương mại cho biết: “Việc tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi là một trong những hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Mặc dù thời gian tổ chức ngắn, quy mô nhỏ nhưng các phiên chợ đã thu hút đông đảo bà con tham quan, mua sắm, giúp người dân tiếp cận nhiều hơn với các sản phẩm mang thương hiệu Việt, góp phần loại bỏ hàng giả, hàng kém chất lượng. Các phiên chợ cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng kênh phân phối và tiếp cận người tiêu dùng tại thị trường các huyện nông thôn, miền núi”.

Sản phẩm nón Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch) được nhiều người yêu thích chọn lựa.
Sản phẩm nón Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch) được nhiều người yêu thích chọn lựa.

Qua triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùnghàng Việt Nam”, chất lượng, mẫu mã, kiểu dáng hàng Việt ngày càng đa dạng, phong phú. Nhận thức và thói quen của người tiêu dùng về hàng Việt trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi. Trên thị trường các huyện, thị xã, thành phố, hàng Việt ngày càng được ưa chuộng, nhất là người tiêu dùng ở vùng nông thôn.

Kết quả điều tra cho thấy sức tiêu thụ hàng Việt ở các chợ nông thôn trở nên sôi động hơn, tâm lý tiêu dùng hàng nội đã trở thành thói quen của người dân. Tỷ lệ hàng Việt Nam trong tiêu dùng của người dân ngày càng cao, chiếm trên 80% và trở thành kênh hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu trong tiêu dùng mua bán sinh hoạt hàng ngày. Cùng với đó, sự đa dạng, đẹp, tiện lợi về mẫu mã, bao bì hàng hóa do doanh nghiệp sản xuất đã thu hút người tiêu dùng đến với hàng Việt.

Có thể thấy, cuộc vận động đã tạo được bước chuyển biến tích cực và có sự lan tỏa đến mọi người dân, các doanh nghiệp, thương nhân và toàn xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Sở Công thương đã trực tiếp chỉ đạo, tổ chức mời gọi các doanh nghiệp tham gia hội chợ Xuân Đinh Dậu Quảng Bình năm 2017 với 150 doanh nghiệp và 300 gian hàng tham gia; hội chợ Thương mại - Du lịch Quảng Bình năm 2017 với 100 doanh nghiệp và 200 gian hàng tham gia.

Bên cạnh đó, Sở cũng tiếp nhận theo dõi, xác nhận việc tổ chức 6 hội chợ tại các huyện, thị xã trên địa bàn với trung bình 80 doanh nghiệp/ hội chợ, có khoảng 100-150 doanh nghiệp tham gia.

Lê Mai