.

Ngày mới ở Trúc Ly

Thứ Ba, 11/07/2017, 08:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Ai có dịp về thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh mới thấy rõ cảnh sắc một làng quê đang đổi thay từng ngày, nhà cửa cao tầng mọc lên, các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh buôn bán sầm uất. Chính nơi đây, ngày trước, người dân sống chủ yếu trên những chiếc đò lênh đênh trên dòng Nhật Lệ, Kiến Giang, nay đây, mai đó, rủi may theo nghề chài lưới.

Sau năm 1954, bao gia đình “vô gia cư” trên dòng Nhật Lệ, Kiến Giang đã lần lượt lên bờ, làm nhà định cư ở vùng đất này. Có nhà ở, dẫu là tạm bợ nhưng người dân thôn Trúc Ly cũng có chốn để nương thân. Ngày ngày, người dân ngụp lặn ngoài sông, ngoài hói Trúc Ly mò hến, bắt cua, kiếm tiền nuôi gia đình và con cái đến trường học hành. Dần dần, cuộc sống của họ ổn định, có làng, có xóm, có vui chơi, sinh hoạt cộng đồng, dân số phát triển.

Hiện tại, thôn Trúc Ly có 4 xóm với 756 hộ, 3.157 khẩu. Người đông, ruộng ít, nhiều người đã “bôn ba” tìm kế sinh nhai; những người bám trụ tại thôn đã được chi bộ Đảng lãnh đạo, Mặt trận, Ban điều hành thôn phối hợp chặt chẽ với HTX dịch vụ nông nghiệp Trúc Ly tìm hướng phát triển.

Ruộng Trúc Ly đã ít, nhiều diện tích lại bị chua phèn, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích lúa cho năng suất thấp, bấp bênh, diện tích đất lầy thụt bỏ hoang sang nuôi trồng thủy sản. Những vụ tôm đầu, chỉ có mấy hộ nuôi ở vùng Hạ Chùa, vùng gần Bến phà Quán Hàu- Võ Xá cũ nuôi với diện tích chỉ trên 6 ha nhưng cho thu nhập cao gấp 5 lần trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích.

Một góc thôn Trúc Ly.
Một góc thôn Trúc Ly.

Từ đó, nhiều hộ gia đình khác học theo, chuyển đổi đất lúa ở vùng Hạ Chùa sang nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Đến nay, diện tích nuôi tôm ở Trúc Ly lên đến 53,9 ha; sản lượng trên 260 tấn. Ông Phạm Thanh Dạn, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban Mặt trận thôn Trúc Ly cho biết: "Đã 10 năm nay, việc nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng đã phổ biến ở trong thôn.

Hàng năm, các hộ nuôi tôm đều được UBND xã phối hợp Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh tập huấn kỹ thuật để nắm bắt quy trình từ làm sạch hồ, phơi đất trong lòng hồ đến kỹ thuật thả tôm giống, chăm sóc tôm..., nên các vụ tôm đều phát triển tốt. Nghề nuôi tôm đã trở thành nghề lao động chính của nhiều gia đình, bình quân mỗi vụ, mỗi hộ ở đây lãi từ 70 triệu đến 80 triệu đồng, cao nhất lên đến hàng trăm triệu đồng".

Ngoài nuôi tôm, nhiều hộ dân khác đã chuyển đổi các diện tích đất ở vùng đầm trước làng sang nuôi cá nước ngọt. Đặc điểm vùng đầm đất thấp, đến mùa mưa lụt thường bị ngập sâu nên muốn nuôi cá phải bảo đảm mỗi khi nước lũ về cá trong hồ không bị trôi. Các gia đình đều đầu tư máy móc nạo vét hồ, đắp bờ bao thật cao, có những hộ gia đình còn dùng lưới bao quanh trên đê che chắn, không để nước lũ ngập, cá bị trôi. Hội viên CCB Đỗ Tư Lanh, 62 tuổi, có kinh nghiệm nhiều năm nuôi cá trắm cỏ, mè, rô phi trên diện tích 3 ha, bình quân mỗi năm thu lãi trên dưới 200 triệu đồng.

Nhiều năm qua, người dân thôn Trúc Ly cũng đã đẩy mạnh phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tạo việc làm cho hơn 360 lao động. Đặc biệt, trên địa bàn thôn có 8 cơ sở chế tác trầm hương. Các cơ sở này thu mua trầm hương do người dân các xã trong huyện, trong tỉnh và từ Hà Tĩnh tự trồng, đem về chế tác thành nhiều sản phảm mỹ nghệ rồi đưa đi bán.

Ông Trần Văn Thảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hiếu Thảo cho biết: "Trầm hương chính là cây Ró, trồng từ 15 năm trở lên mới khai thác được, khi mua về, các thợ chế tác tạo dầu, tạo thành nhiều hình dáng khác nhau rất đẹp. Hàng mỹ nghệ trầm hương mang tính tâm linh lại đẹp nên giá cao, có cái lên đến 250 triệu đồng. Sản phẩm làm ra được bán tại nhà và tại các gian hàng thủ công mỹ nghệ ở các hội chợ trong nước và xuất khẩu chủ yếu đi các nước hồi giáo Tây Á". Công ty trả lương bình quân 4,5 triệu đồng/tháng cho các thợ, người có tay nghề cao nhất được trả 15 triệu đồng/ tháng, trừ mọi chi phí, hàng năm, ông Thảo lãi ròng trên 300 triệu đồng.

Nhờ chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, thương mại, dịch vụ mà đời sống của người dân Trúc Ly mấy năm qua luôn ổn định và phát triển, thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/năm. Cuộc sống có của dư của để, nhiều nhà mới kiên cố được xây dựng, nhiều nhà cao tầng mọc lên, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa rộng, thoáng; các thiết chế văn hóa được nâng cấp, xây mới. Nét nổi bật ở đây là phong trào văn hóa, văn nghệ rất sôi nổi và đều khắp ở 4 xóm.

Hàng ngày, sau giờ lao động, các sân bóng chuyền đều đông người tập luyện, giao lưu. Vào các dịp Tết, ngày lễ lớn trong năm, làng Trúc Ly sôi nổi với các chương trình văn nghệ, bóng chuyền và các trò chơi dân gian tạo nên không khí vui tươi, lành mạnh, đoàn kết thấm đậm tình làng nghĩa xóm. Từ năm 2014 đến nay, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa ở thôn Trúc Ly luôn đạt từ 80% đến 85%, là một khu dân cư tiên tiến của xã Võ Ninh.

Ông Nguyễn Minh, Chủ tịch UBND xã Võ Ninh khẳng định: "Cùng với xã Võ Ninh, thôn Trúc Ly đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, đời sống của người dân được các thôn, làng xóm vui vẻ, bình yên, không xảy ra các tệ nạn xã hội. Người dân luôn đồng thuận, tự nguyện xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, xây dựng nông thôn mới theo hướng vững bền.

Thái Toản