.

Tuyên Hoá: Đẩy mạnh phát triển sản xuất CN-TTCN

Chủ Nhật, 09/07/2017, 14:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, huyện Tuyên Hoá đã chú trọng đẩy mạnh quy hoạch và phát triển các cụm CN - TTCN, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng... Nhờ đó, lĩnh vực CN - TTCN trên địa bàn luôn phát triển ổn định và có mức tăng trưởng khá, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của huyện...

Thời gian qua, huyện Tuyên Hoá đã có nhiều dự án, ngành nghề mới ra đời và sử dụng nguyên liệu tại chỗ, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động, tăng thu nhập.

Từ đầu năm 2016 đến tháng 6-2017, UBND huyện Tuyên Hoá đã tiến hành quy hoạch chi tiết để triển khai xây dựng cụm TTCN Lưu Thuận (thị trấn Đồng Lê) với diện tích gần 32 ha. Bước đầu, huyện đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm TTCN Lưu Thuận với tổng mức đầu tư là 4,2 tỷ đồng, nhằm kêu gọi và thu hút doanh nghiệp vào sản xuất tại đây. Ngoài ra, Tuyên Hoá còn triển khai quy hoạch cụm TTCN Tiến Hoá với diện tích 17 ha; quy hoạch cơ sở sản xuất dăm giấy của Công ty TNHH Đức Toàn với diện tích 2,6 ha.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, UBND huyện Tuyên Hoá đã phân bổ nguồn vốn 200 triệu đồng từ ngân sách huyện nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển CN-TTCN và giao Phòng Kinh tế hạ tầng huyện chủ động phối hợp cùng các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện. Với sự quan tâm đầu tư lĩnh vực CN-TTCN, đến nay, Tuyên Hoá đã có khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.200 lao động...

Các lao động tại cơ sở sản xuất mây tre đan ở Tuyên Hóa được định hướng chuyển sang sản xuất các mặt hàng có giá trị kinh tế cao.
Các lao động tại cơ sở sản xuất mây tre đan ở Tuyên Hóa được định hướng chuyển sang sản xuất các mặt hàng có giá trị kinh tế cao.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn ước đạt 127,86 tỷ đồng, tăng 5,63% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện liên tục có sự tăng trưởng nhanh, đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng CN-TTCN, xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp. Phần lớn ngành CN-TTCN có mức tăng trưởng cao là các ngành thuộc lĩnh vực có ưu thế của huyện, như: khai thác vật liệu xây dựng, vận tải, công nghiệp chế biến từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ...

Dù đã đạt nhiều tiến bộ, nhưng lĩnh vực CN-TTCN của Tuyên Hóa vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: quy mô của các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất TTCN còn nhỏ lẻ, chủ yếu là hoạt động tự phát, quy mô hộ gia đình; năng lực tổ chức kinh doanh và tính linh hoạt, khả năng sáng tạo trong quá trình hoạt động sản xuất của các cơ sở, doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế; khả năng tài chính yếu, thiếu vốn dẫn dến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh không đủ điều kiện để đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị máy móc, nâng cấp nhà xưởng, áp dụng các kỹ thuật, khoa học mới, tiên tiến.

Bên cạnh đó, nguyên liệu đầu vào còn bấp bênh, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TTCN và thương mại dịch vụ (TMDV) chưa chủ động thiết lập được nguồn nguyên liệu ổn định, mà chủ yếu sản xuất đến đâu thu mua đến đó. Thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, khả năng tiếp thị sản phẩm TTCN còn yếu, kiểu dáng chưa phong phú, chất lượng sản phẩm không ổn định.

Ngoài ra, việc đăng ký thương hiệu, công tác cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì, kiểu dáng còn rất hạn chế; công nghệ, thiết bị sản xuất đang lạc hậu, chưa áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các sản phẩm làm ra khả năng cạnh tranh trên thị trường thấp; một số cấp ủy và chính quyền địa phương chưa xác định được hướng đi phù hợp với những lợi thế đang có...

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, ông Cao Xuân Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá cho biết, thời gian tới, Tuyên Hoá sẽ định hướng quy hoạch phát triển CN - TTCN một cách hợp lý, hiệu quả, từ đó giải quyết được nhiều việc làm, thu hút lao động nhàn rỗi trong nông nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Trước mắt, huyện sẽ ưu tiên phát triển các ngành nghề chế biến lâm sản, nông sản và sản xuất các mặt hàng phục vụ tiêu dùng thiết yếu của nhân dân và xuất khẩu.

Đặc biệt, quan điểm của huyện trong vấn đề phát triển CN - TTCN và dịch vụ thương mại là cần phải gắn liền với việc phát triển các trung tâm kinh tế, các vùng nguyên liệu, bảo vệ môi trường sinh thái, kết hợp lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế khác của huyện...

Hiện nay, Tuyên Hoá đã đưa ra định hướng phát triển một số ngành nghề chủ yếu. Đối với ngành sản xuất vật liệu xây dựng, Tuyên Hoá chú trọng công tác quy hoạch, khoanh vùng để đưa vào khai thác một cách hợp lý, có tổ chức, nhằm tiết kiệm và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên; duy trì, khôi phục và mở rộng các cơ sở sản xuất ở các xã Văn Hóa, Tiến Hóa, Châu Hóa, Phong Hóa, Thạch Hóa, Đức Hoá, Thuận Hóa (đây là khu vực vành đai các nhà máy xi măng ở địa bàn), từng bước nâng cao trình độ tay nghề cho lao động và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về mọi mặt.

Đối với ngành chế biến nông lâm sản, UBND huyện yêu cầu các đơn vị, cơ sở, cá nhân phải chuyển dần việc sản xuất các sản phẩm thô, đơn giản ở dạng nguyên liệu, cho giá trị kinh tế thấp sang các mặt hàng có giá trị kinh tế cao hơn, như: các nghề mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ, mây tre đan; chú trọng phát triển ngành chế biến nông lâm sản tại các địa bàn Mai Hoá, thị trấn Đồng Lê và các xã Đức Hoá, Kim Hóa, Thanh Hoá và Hương Hóa; tăng cường mở rộng một số cơ sở chế biến sản phẩm truyền thống, như: bún bánh, xay xát, đồng thời xây dựng một số cơ sở sản xuất mới.

Bên cạnh đó, Tuyên Hóa khuyến khích các đơn vị, cơ sở, cá nhân mở rộng các ngành nghề sản xuất giày dép, may mặc, thêu ren, các dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ vận tải trên địa bàn huyện, trong đó đặc biệt chú trọng ở thị trấn Đồng Lê...

V.M