.

Phòng, chống dịch cúm gia cầm: Tuyệt đối không chủ quan

Thứ Năm, 09/03/2017, 08:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông liên tục cảnh báo nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H7N9 xâm nhiễm vào nước ta và Quảng Bình không nằm trong ngoại lệ. Tuy nhiên, hầu hết người chăn nuôi cũng như người buôn bán gia cầm vẫn còn thờ ơ với sự cảnh báo này và chưa tự giác thực hiện các biện pháp phòng, ngừa dịch cúm gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Qua báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đến thời điểm đầu tháng 3-2017, tổng đàn gia cầm trong tỉnh ước khoảng 1,8 triệu con. Trong đó, địa phương có số lượng gia cầm lớn nhất là huyện Lệ Thủy với khoảng 450.000 con, tiếp đến là huyện Bố Trạch 300.000 con, huyện Quảng Ninh và huyện Tuyên Hóa mỗi huyện có 250.000 con, thành phố Đồng Hới và thị xã Ba Đồn mỗi đơn vị 150.000 con, huyện Quảng Trạch có 200.000 con, huyện Minh Hóa 100.000 con.

Cần tăng cường kiểm soát hoạt động vận chuyển gia cầm xâm nhập vào địa bàn tỉnh.
Cần tăng cường kiểm soát hoạt động vận chuyển gia cầm xâm nhập vào địa bàn tỉnh.

Trong tháng 2-2017, Chi cục đã cung ứng hóa chất phân bổ cho các huyện, thành phố, thị xã để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Trong đó, đã cung ứng hóa chất Bencocid 20.000 lít, HanIodine 10% 9.000 lít để thực hiện tiêu độc khử trùng theo kế hoạch thực hiện tháng tiêu độc khử trùng đợt I năm 2017. Chi cục đã cung ứng vắc xin tiêm phòng cho các địa phương thực hiện tiêm phòng đợt I năm 2017 theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và PTNT, như: vắc xin tụ huyết trùng trâu bò với 100.000 liều, vắc xin dịch tả lợn 150.000 liều, vắc xin cúm gia cầm 500.000 liều; vắc xin chó dại 30.000 liều.

Chi cục cũng đã chỉ đạo Trạm chăn nuôi và thú y các huyện thực hiện tốt công tác kiểm dịch, giám sát giết mổ, kiểm sát chăn nuôi thú y,  phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt tại các trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm, các điểm tập kết gia cầm; chỉ đạo 2 chốt kiểm soát dịch bệnh Bắc, Nam thuộc Trạm chăn nuôi và thú y Quảng Trạch, Lệ Thủy kiểm tra, kiểm soát xe vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập vào địa bàn tỉnh; tăng cường công tác kiểm dịch con giống tái đàn nuôi đầu năm 2017, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch động vật theo quy định;

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, khi nhận được cảnh báo về nguy cơ dịch cúm gia cầm, trong tháng 2 vừa qua, Chi cục chỉ đạo Trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thành phố, thị xã kiểm tra giám sát thực tế các ổ dịch cúm gia cầm cũ, vùng có nguy cơ cao, ở huyện Lệ Thủy gồm các xã Sơn Thủy, Hoa Thủy, An thủy, Lộc Thủy; huyện Quảng Ninh gồm các xã Tân ninh, An Ninh, Vạn Ninh, Hiền Ninh; huyện  Bố Trạch gồm các xã Đồng Trạch, Hoàn Trạch, Trung Trạch...; huyện Quảng Trạch gồm các xã Quảng Hưng, Quảng Xuân, Quảng Châu nhằm phát hiện kịp thời để có biện pháp bao vây, khống chế, ngăn chặn dập tắt dịch khi đang ở diện hẹp. Chi cục đã triển khai chỉ đạo thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, chợ bán gia cầm, điểm thu gom, cơ sở ấp nở, cơ sở giết mổ gia cầm...

Tuy nhiên, mới đây, vào những ngày đầu tháng 3, chúng tôi đã đến nắm bắt tình hình phòng, chống dịch cúm gia cầm ở một số vùng trong tỉnh. Cảm nhận ban đầu là từ hộ chăn nuôi đến người kinh doanh buôn bán gia cầm còn lơ là, chủ quan đối với bệnh cúm gia cầm. Hỏi chuyện một số hộ chăn nuôi gia cầm về dịch bệnh cúm A/H7N9, hầu hết không ai biết đó là bệnh nguy hiểm. Tại xã An Thủy có 8 hộ chăn nuôi vịt quy mô trên 1.000 con-2.000 con/hộ, nhưng mới tiêm phòng được 1/3 tổng đàn. Thôn Xuân Giang, thị trấn Kiến Giang có 2 hộ nuôi vịt đàn số lượng 2.500 con cũng mới tiêm được 300 con và họ cũng không phun thuốc khử trùng theo như sự hướng dẫn của cán bộ thú y...

Đối với việc kinh doanh buôn bán gia cầm tại các chợ trên địa bàn huyện Lệ Thủy, huyện Quảng Ninh và huyện Bố Trạch cũng thiếu biện pháp phòng ngừa dịch cúm. Hầu hết các điểm bán gia cầm đều không được tiêu độc khử trùng hay phun thuốc diệt khuẩn sau mỗi ngày.  Gia cầm bày bán tràn lan tại các khu đất trong chợ,  không có khu vực nuôi nhốt riêng.

 Gia cầm bày bán tràn lan ở các chợ.
Gia cầm bày bán tràn lan ở các chợ.

Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Tân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, vi rút cúm gia cầm (A/H5N1 và A/H5N6) lưu hành rộng, cộng với thời tiết chuyển mùa, mưa rét kéo dài làm giảm sức đề kháng của gia cầm, tạo thuận lợi cho mầm  bệnh tồn tại, phát sinh. Đặc biệt là tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đợt II năm 2016 đạt thấp so với kế hoạch và đã hết thời gian bảo hộ miễn dịch đối với gia cầm nên nguy cơ phát sinh dịch cúm gia cầm và lây lan lần này là rất lớn.

Hiện nay đang là thời điểm tái đàn để nuôi vụ mới, do đó, tình trạng nhập giống gia súc, gia cầm từ các tỉnh khác rất phức tạp, nếu không được kiểm soát chặt chẽ thì nguy cơ dịch bệnh lây lan sẽ rất cao. Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân tỷ lệ tiêm phòng dịch đạt thấp là do người dân đang tự bỏ tiền túi ra để mua vắc xin và đơn giá ngày công tiêm phòng vác xin gia súc, gia cầm quá bèo bọt. Hiện tại đơn giá tiêm phòng một con gia cầm 50 đồng, một ngày nếu tiêm cật lực 8 tiếng đồng hồ được 500 con thì cũng mới có 25 ngàn đồng!

Thêm vào đó là, chính quyền một số địa phương không quan tâm hỗ trợ kinh phí cho cán bộ thú y trực tiếp tham gia tiêm phòng nên khi triển khai không huy động được lực lượng thú y viên mà “khoán trắng” cho trưởng ban thú y xã, vì vậy tiến độ tiêm phòng rất chậm. Theo bà Nguyễn Thị Tân, để triển khai phòng chống dịch và tiêm phòng đạt tỷ lệ quy định, ngành thú y toàn tỉnh cần được hỗ trợ  một khoản kinh phí để mua vắc xin và trả công cho người tiêm.

H.Q