.

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lệ Thủy: Đồng hành cùng người dân

Thứ Năm, 02/03/2017, 10:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Với mục tiêu hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội, trong thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Lệ Thủy đã triển khai các chương trình vay vốn ưu đãi, giúp nhiều hộ dân có điều kiện để vươn lên phát triển kinh tế, góp phần vào công cuộc giảm nghèo ở địa phương.

Thời gian qua, bám sát các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, NHCSXH huyện Lệ Thủy đã chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể triển khai tốt việc cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Chỉ tính riêng trong năm 2016, đơn vị đã giải ngân hơn 130 tỷ đồng với 4.855 lượt khách hàng được vay vốn, nâng tổng số dư nợ lên hơn 415 tỷ đồng, tăng 25,5 tỷ đồng so với năm 2015.

Trong đó, tập trung vào các chương trình cho vay tín dụng của Chính phủ, như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay xây dựng hệ thống nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ SXKD tại vùng khó khăn, hộ nghèo xây nhà vượt lũ... Chất lượng tín dụng cũng được nâng lên rõ rệt. Đến cuối năm 2016, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh từ các chương trình là 892 triệu đồng, chiếm 0,21%/tổng dư nợ, giảm 4,6% so với năm 2015.

Gia đình bà Trần Thị Hương ở thôn Hương Thủy, Trường Thủy, Lệ Thủy là một trong những hộ sớm được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH huyện. Từ nguồn vốn này, gia đình bà đã đầu tư phát triển mô hình kinh tế tổng hợp trồng trọt kết hợp với chăn nuôi, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Vốn vay ưu đãi từ NHCSXH huyện đã giúp nhiều hộ nghèo huyện Lệ Thủy phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Vốn vay ưu đãi từ NHCSXH huyện đã giúp nhiều hộ nghèo huyện Lệ Thủy phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Bà Trần Thị Hương cho biết: “Tôi vay vốn của NHCSXH được mấy năm rồi. Ban đầu, tôi chỉ đầu tư với trang trại nhỏ gọn thôi, nhưng sau này, do nhu cầu của thị trường cùng với đầu ra khá ổn định, gia đình tôi quyết tâm mở rộng sản xuất. Với sự hỗ trợ của NHCSXH huyện, gia đình tôi phát triển tốt hoạt động sản xuất. Đặc biệt, với chính sách mức vay và mức lãi hiện tại, tôi thấy rất hợp lý và thuận lợi cho người dân”.

Để người nghèo trên địa bàn huyện dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn vay, NHCSXH huyện Lệ Thủy đã thành lập những điểm giao dịch tại các xã để hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện có điều kiện nâng cao thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống.

Riêng xã miền núi Trường Thủy có 280 lượt hộ nghèo vay vốn với dư nợ hơn 8 tỷ đồng. Ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy, huyện lệ Thủy cho biết, nguồn vốn của NHCSXH đã thúc đẩy nhiều mô hình kinh tế trên địa bàn xã nhà ngày càng phát triển. Đặc biệt là các mô hình chăn nuôi gà thả vườn, nuôi lợn, trồng tiêu, trồng cao su và các loại mô hình chăn nuôi theo hướng gia trại. Xã Trường Thủy, từ một xã đặc biệt khó khăn, trong những năm qua đã cố gắng vươn lên làm giàu. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã trên 30 triệu đồng/người/năm.

Với ưu điểm là nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài nên đây là cơ hội giúp người nghèo tiếp cận với vốn vay nhanh chóng, thuận tiện để phát triển kinh tế gia đình. Tính đến nay, trên địa bàn huyện Lệ Thủy có gần 3.900 lượt hộ nghèo đang thực hiện vay vốn của NHCSXH huyện với tổng dư nợ cho vay đạt gần 108 tỷ đồng. Để người dân sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả, cán bộ NHCSXH huyện đã phối hợp với các tổ vay vốn, thực hiện các hoạt động nghiệp vụ và tuyên truyền những chính sách cho vay.

Bên cạnh đó, cán bộ ngân hàng còn tích cực phối hợp tốt với các hội, đoàn thể, Ban giảm nghèo tại địa phương để nắm tình hình, đề ra kế hoạch nhằm giải ngân kịp thời cho các hộ cần vay vốn, đồng thời, thường xuyên hỗ trợ cho các tổ tiết kiệm và vay vốn, hội, đoàn thể trong công tác quản lý tổ, thu lãi, thu tiết kiệm và xử lý nợ, không để phát sinh nợ quá hạn. Do vậy, hầu hết người dân đều rất yên tâm khi sử dụng nguồn vốn vay của NHCSXH huyện.

Chị  Lệ Thị Tỵ, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, cho hay: “Nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH mà đến nay gia đình tôi đã phát triển trang trại chăn nuôi với từ 30-40 con lợn. Cùng với chăn nuôi và mô hình trồng trọt, gia đình tôi thu nhập được trên 100 triệu đồng/năm”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Đại Ngôn, Giám đốc NHCSXH huyện Lệ Thủy, chia sẻ: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng củng cố và đồng bộ các giải pháp, chuẩn bị tốt các khâu cần thiết để giải ngân nhanh đến các đối tượng thụ hưởng, nhằm đưa hoạt động tín dụng ngày càng có chiều sâu và phát huy tốt hiệu quả. Ngân hàng tập trung củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại xã cũng như hoạt động của tổ chức mạng lưới, trong đó, quan tâm đến tổ TK&VV, vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong hoạt động ủy thác, vai trò của chính quyền cơ sở trong việc chỉ đạo các chương trình tín dụng ở địa phương.

Ngân hàng nghiêm túc quy trình nghiệp vụ và nâng cao về mặt quản lý, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ công nhân viên; tăng cường hơn  nữa công tác kiểm tra, giám sát về cơ sở để kịp thời phát hiện những sai sót, đồng thời đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước cũng như hoạt động tuyên truyền nhằm giúp người dân được biết và hiểu rõ hơn chính sách của NHCSXH”.

Hiền Phương