.

Chủ động phòng, chống dịch cúm gia súc, gia cầm

Thứ Tư, 01/03/2017, 07:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, dịch cúm gia cầm đang xuất hiện ở một số tỉnh, như: dịch cúm A/H5N1 ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Nam Định; cúm A/H5N6 ở Quảng Ngãi; lở mồm long móng ở Hà Tĩnh. Mặc dù Quảng Bình chưa phát hiện trường hợp mắc dịch bệnh nào trên đàn gia súc, gia cầm, tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch bệnh đã được các địa phương và người chăn nuôi chủ động thực hiện nghiêm túc.

Nguy cơ tiềm ẩn

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc (FAO), trong tháng 1, tại Trung Quốc đã xảy ra nhiều ổ dịch cúm gia cầm động lực cao, như: cúm gia cầm A/H5N2, A/H5N8, A/H7N9 và A/H5N6, đã ghi nhận 109 trường hợp bị nhiễm vi rút gia cầm A/H7N9 và theo kết quả giám định do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trung Quốc công bố, đã có 26 mẫu gia cầm và môi trường dương tính với vi rút gia cầm A/H7N9, có 33 mẫu huyết thanh gia cầm dương tính với vi rút cúm gia cầm H7.

Các địa phương tích cực tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm.
Các địa phương tích cực tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm.

Như vậy, nguy cơ vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm động lực cao khác chưa có ở Việt Nam, có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước, trong đó có tỉnh Quảng Bình, thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc là rất cao.

Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Tân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện nay đang là thời điểm tái đàn để nuôi vụ mới, do đó, tình trạng nhập giống gia súc, gia cầm từ các tỉnh khác sẽ rất lớn, nếu không được kiểm soát chặt chẽ thì nguy cơ dịch bệnh lây lan sẽ rất cao.

Bên cạnh đó, thời tiết bất lợi đang là điều kiện cho mầm bệnh phát sinh từ ổ dịch cũ. Thời tiết cũng đã ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi, trong khi gia súc đến thời điểm hết miễn dịch sau tiêm phòng đợt 2 năm 2016. Đặc biệt do giá bán giảm mạnh (nhất là đối với lợn) nên còn lượng lớn gia súc, gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi chưa xuất bán được. Một thực tế nữa là kết quả tiêm phòng vắc xin định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm ở một số địa phương còn thấp... Do đó, nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở tỉnh ta là rất cao.

Chủ động phòng dịch

Bà Nguyễn Thị Tân cho biết, trước sự "nhạy cảm" của đàn gia súc, gia cầm đối với các loại dịch bệnh, các địa phương cùng ngành chuyên môn đã khẩn trương tổ chức tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại các hộ, cơ sở chăn nuôi và các vùng nguy cơ cao, đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại và môi trường chăn nuôi định kỳ bằng vôi bột hoặc hóa chất khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin đợt 1 năm 2017.

Cơ quan chức năng tổ chức triển khai các hoạt động lấy mẫu giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6, nhất là những nơi có ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao; lấy mẫu xét nghiệm vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm khác đối với gia cầm, sản phẩm gia cầm vận chuyển không rõ nguồn gốc, chợ buôn bán gia cầm sống và các cơ sở giết mổ gia cầm trên địa bàn. Nếu phát hiện có phát sinh mầm bệnh sẽ xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng.

Tập trung phun tiêu độc, khử trùng ở các vùng có nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm lây lan.
Tập trung phun tiêu độc, khử trùng ở các vùng có nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm lây lan.

Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra liên ngành cũng được thành lập định kỳ, đột xuất kiểm tra để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời; đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm trong quản lý, thực thi nhiệm vụ chuyên môn.

Các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm trốn tránh kiểm soát của cơ quan thú y, đặc biệt là các trường hợp vứt xác gia súc, gia cầm bừa bãi và buôn bán, vận chuyển giết mổ gia súc, gia cầm mắc bệnh đều phải bị xử lý nghiêm theo Nghị định 119 về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thú y. Sở Y tế có sự phối hợp chặt chẽ để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống bệnh lây truyền giữa động vật và người; thiết lập đường dây nóng để trao đổi, chia sẻ thông tin khi có dịch cúm A/H7N9 trên người trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Thanh Bảy, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Ba Đồn cho biết, được sự chỉ đạo của cấp trên, Trạm đã tham mưu cho thị xã kế hoạch tiêm phòng vắc xin đợt 1 cho đàn gia súc, gia cầm từ 1-3-2017 đến 1-4-2017, có phương án phòng chống dịch bệnh như: giao cán bộ thú y cơ sở nắm bắt tình hình xuất, nhập gia súc, gia cầm ở các xã, phường để có biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh; tập trung phun tiêu độc, khử trùng ở các vùng có nguy cơ lây dịch cao như Quốc lộ 1, Quốc lộ 12A...

Lê Mai