.

Bố Trạch: Giảm nghèo bền vững

Thứ Bảy, 25/02/2017, 15:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, huyện Bố Trạch đặc biệt chú trọng thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn. Nhờ đó, các chính sách về giảm nghèo đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 trên địa bàn huyện giảm còn 9,85% (theo chuẩn mới).

Để những chính sách giảm nghèo đến được với mỗi người dân, đặc biệt là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, huyện Bố Trạch tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và việc làm của nhân dân trong thực hiện công tác giảm nghèo.

Trên cơ sở bám sát các chủ trương của Nhà nước và của tỉnh, huyện Bố Trạch thực hiện đồng bộ, toàn diện và có hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo như: chính sách phát triển sản xuất, đất sản xuất, chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chính sách về bảo hiểm y tế, giáo dục - đào tạo, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin...

Cụ thể hóa các giải pháp, nhiệm vụ, huyện đã chủ động lồng ghép các chương trình dự án nhằm tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Hàng năm, để nắm vững thông tin các hộ nghèo, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thực hiện nghiêm túc việc điều tra, rà soát nhằm bảo đảm tính chính xác, công khai, công bằng. Từ đó, các chương trình, chính sách, hoạt động giảm nghèo đã được triển khai kịp thời, đúng đối tượng.

Từ chính sách hỗ trợ sản xuất để giảm nghèo, diện mạo xã miền núi Tân Trạch (Bố Trạch) đang đổi thay từng ngày.
Từ chính sách hỗ trợ sản xuất để giảm nghèo, diện mạo xã miền núi Tân Trạch (Bố Trạch) đang đổi thay từng ngày.

Thực hiện chính sách ưu đãi hộ nghèo về tín dụng, trong năm 2016, toàn huyện có 224 hộ thoát nghèo, cận nghèo được thẩm định đủ điều kiện để vay vốn ưu đãi theo Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; 116 hộ vay giải quyết việc làm và trên 1.400 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn sản xuất, xây dựng nhà ở... Chính sách tín dụng đã có tác động quan trọng tới công tác giảm nghèo khi đa số hộ được vay đã sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tăng thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo. Nhiều hộ vay vốn đã thoát nghèo, có điều kiện mua sắm thêm các phương tiện, công cụ sản xuất, phát triển kinh doanh, từng bước thoát được đói nghèo và vươn lên làm giàu.

Bên cạnh đó, chương trình xoá mái nhà tạm cho hộ nghèo được thực hiện nghiêm túc, giúp một số hộ nghèo ổn định chỗ ở, yên tâm làm ăn, tập trung đầu tư cho sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập ổn định để vươn lên xoá đói, giảm nghèo.

Song song với công tác thông tin, hỗ trợ tín dụng, huyện Bố Trạch ưu tiên giải quyết việc làm cho người dân nông thôn. Huyện đã tiến hành rà soát, thống kê đối tượng bị ảnh hưởng do mất việc làm trực tiếp, gián tiếp bởi sự cố môi trường biển để thực hiện công tác đền bù; ưu tiên chuyển đổi nghề cho ngư dân ở các xã vùng biển sau sự cố môi trường biển, đồng thời tuyên truyền, vận động người lao động đi làm việc ở nước ngoài chấp hành đầy đủ quy định về chế độ, kỷ luật nhằm giảm thiểu số lượng lao động bất hợp pháp tại các nước.

Trong năm, huyện Bố Trạch đã giải quyết việc làm cho 3.966 lao động, trong đó, xuất khẩu lao động là 1.150 người. Cùng với đó, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai có hiệu quả. Các địa phương cũng chủ động linh hoạt trong việc lựa chọn ngành nghề trên cơ sở bám sát điều kiện, thế mạnh của mỗi địa phương, như: nghề nuôi ong mật, trồng nấm ở thị trấn Nông trường Việt Trung; nghề nuôi cá nước ngọt ở Sơn Trạch, Hưng Trạch; nghề chăn nuôi lợn ở các xã Đại Trạch, Nam Trạch... Nhiều lao động sau khi được đào tạo đã áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt vào sản xuất, chuyển đổi và mở rộng mô hình sản xuất tại nhà, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình.

Đặc biệt, đối với với vùng dân tộc thiểu số tại 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch, huyện đã thực hiện hỗ trợ cây và con giống để phát triển sản xuất; hỗ trợ vốn vay chuyển đổi nghề, đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn...

Có thể nói, các chính sách, chương trình được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp thiết thực đã giúp các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn từng bước thay đổi diện mạo; tạo động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế; giúp người nghèo từng bước chủ động vươn lên thoát nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương trên địa bàn; củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; giữ vững quốc phòng an ninh. Nhờ đó, tính đến cuối năm 2016, toàn huyện có 4.686 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 9,85%), 4.195 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 8,82%).

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, phấn đấu đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,85%, thời gian tới, huyện Bố Trạch cần tăng cường và đổi mới hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo; đổi mới phương thức tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu xoá đói giảm nghèo của các đơn vị, địa phương trên địa bản.

Cùng với đó, cần ưu tiên nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, giúp người nghèo tiếp cận các dịch vụ sản xuất; hỗ trợ về giáo dục, y tế..., từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thanh Hải