.

Quảng Trạch: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững

Thứ Tư, 22/02/2017, 14:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Trạch xác định việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, vì vậy, trong những năm qua, huyện đã vận động nhân dân đẩy mạnh chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo động lực, đưa nền kinh tế của huyện phát triển.

Xã Quảng Hưng là một trong những địa phương đi đầu trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở huyện Quảng Trạch. Trong những năm qua, xã chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm tăng năng suất và giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống cho người dân.

Ông Đàm Văn Tứ, Chủ tịch UBND xã Quảng Hưng cho biết, xác định việc thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sẽ tạo động lực để phát triển kinh tế tại địa phương, xã đã và đang tập trung đẩy mạnh chỉ đạo, khuyến khích bà con nông dân tiến hành chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hiện nay, toàn xã có trên 10 ha đất trồng rau màu, tập trung chủ yếu ở địa bàn các thôn Hưng Lộc, Tú Loan 1, Tú Loan 2 và Tú Loan 3. Bình quân một hộ dân trồng khoảng 500m2 rau màu các loại, tùy vào mùa nào thức nấy. Vụ đông là vụ chính sản xuất, bà con nông dân trồng đủ các loại rau, như: mồng tơi, hành, ngò, cải, mướp ...., cung cấp mặt hàng rau màu phong phú, đa dạng cho thị trường tiêu thụ trên địa bàn huyện và một số vùng lân cận vào dịp Tết Nguyên đán.

Việc chuyển đổi một số diện tích trồng lúa sang trồng rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân xã Quảng Hưng, Quảng Trạch
Việc chuyển đổi một số diện tích trồng lúa sang trồng rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân xã Quảng Hưng, Quảng Trạch

Mặc dù hai cơn lũ vào trung tuần tháng 10 và đầu tháng 11-2016 đã làm cho người dân nơi đây thiệt hại nhiều, tuy nhiên, sau lũ, bà con vừa khắc phục thiệt hại, vừa khẩn trương làm đất, ổn định sản xuất. Để có được những ruộng rau màu phát triển xanh tốt, bắt đầu từ tháng 12, bà con nông dân xuống giống gieo trồng. Thời điểm này, những ruộng rau đã cho thu hoạch.

Ngoài ra, ở các vùng thấp trũng, đầm lầy, xã Quảng Hưng đã khuyến khích bà con chuyển đổi sang chăn nuôi vịt kết hợp thả cá, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhờ đó, đời sống của người dân có bước cải thiện đáng kể. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 22,8 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo nhờ đó cũng giảm xuống còn 7,79%.

Cũng như xã Quảng Hưng, trong những năm qua, các địa phương trong huyện, như: Quảng Thạch, Quảng Châu, Quảng Tùng, Quảng Liên... đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, như: rau, hành lá, nén, ngô, hoa cúc... Điển hình như xã Quảng Tùng với mô hình trồng rau, hoa cúc phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết và rằm tháng Giêng, cho thu nhập bình quân từ 100 đến 200 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích người dân trên địa bàn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, huyện Quảng Trạch đã tạo mọi điều kiện cho bà con nhân dân vay vốn, đầu tư xây dựng các mô hình có giá trị kinh tế cao, như: bò lai Sind, gà, vịt, bồ câu Pháp, đà điểu, lợn rừng sinh sản. Đến nay, toàn huyện Quảng Trạch có 27 trang trại, trong đó có 6 trang trại chăn nuôi, 3 trang trại nuôi trồng thủy sản, 18 trang trại sản xuất tổng hợp.

Trong năm 2016, huyện Quảng Trạch đã triển khai thực hiện được 94 ha sản xuất mô hình cánh đồng mẫu lớn; 35 ha sản xuất giống lúa tại chỗ; 148,5 ha sản xuất lúa tập trung; chuyển đổi 115 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác. Đây cũng là năm sản xuất nông nghiệp được mùa, năng suất lúa, sản lượng lương thực đạt trên 39 nghìn tấn, tăng 7,9% so với kế hoạch.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã góp phần tạo việc làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập, đưa bình quân thu nhập đầu người của huyện đạt 26,8 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2016. Kinh tế phát triển đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện xuống còn 12,08%. Nhờ đó, nhân dân các địa phương trong huyện đã tích cực tham gia chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới như: đóng góp tiền, ngày công, hiến đất, hiến cây và các công trình với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn, làm cho bộ mặt làng quê ở các địa phương ngày càng khởi sắc, rõ nét và khang trang hơn.

Để tiếp tục đưa kinh tế huyện Quảng Trạch phát triển, trong năm 2017, bên cạnh chú trọng các loại hình kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, huyện Quảng Trạch cần tiếp tục khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với tái cơ cấu sản xuất, hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

X.Phú