.

Bố Trạch: Đòn bẩy từ hoạt động khuyến công

Thứ Tư, 08/02/2017, 10:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2016, mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, hoạt động CN-TTCN trên địa bàn huyện Bố Trạch vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định với tổng giá trị sản xuất ước thực hiện 728 tỷ đồng (đạt 105,6% KH và tăng 8,3% so cùng kỳ). Để đạt được kết quả đó, huyện Bố Trạch đã chú trọng thực hiện hiệu quả các hoạt động khuyến công với nhiều hình thức được triển khai linh hoạt.

Nhằm khuyến khích phát triển CN - TTCN, UBND huyện Bố Trạch đã hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của từng địa phương, trên cơ sở khảo sát thực tế, đánh giá thực trạng hoạt động của các cơ sở sản xuất CN - TTCN tại các xã, thị trấn.

Từ thực tế hoạt động của các cơ sở, đối chiếu với chính sách của huyện, phòng Kinh tế - Hạ tầng đã hướng dẫn các xã, thị trấn chỉ đạo các cơ sở xây dựng dự án phù hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với năng lực thực hiện của cơ sở để xét vay vốn khuyến công. Chỉ tính riêng trong năm 2016, huyện đã xét duyệt hỗ trợ vốn khuyến công năm 2016 cho 8 cơ sở, 3 làng nghề với tổng số tiền 145 triệu đồng.

 Hiệu quả của hoạt động khuyến công góp phần củng cố và phát triển các làng nghề.
Hiệu quả của hoạt động khuyến công góp phần củng cố và phát triển các làng nghề.

Từ nguồn vốn khuyến công, các cơ sở sản xuất đã đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ, thu hút và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đồng thời, góp phần tăng giá trị sản xuất CN - TTCN của địa phương.

Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả các hoạt động khuyến công, UBND huyện đã phối hợp với Sở Công thương, chỉ đạo phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện, UBND các xã, thị trấn và Trung tâm dạy nghề trên địa bàn chọn các xã có nghề truyền thống, hỗ trợ kinh phí để khôi phục nghề cũ, phát triển nghề mới và nhân rộng ra các xã lân cận. Đồng thời, huyện phân vùng phát triển ngành nghề phù hợp với từng địa phương theo hướng đa dạng ngành nghề để người lao động được học nghề theo nhu cầu và tìm được việc làm sau khi học.

Ông Trần Văn Thanh, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Bố Trạch chia sẻ: thực tế những năm qua đã cho thấy hiệu quả của chương trình khuyến công trên địa bàn huyện khi các cơ sở sản xuất CN-TTCN tăng đáng kể về số lượng và chất lượng, thu hút được nhiều lao động ở nông thôn với ngành nghề đa dạng. Đặc biệt, các cơ sở đã góp phần củng cố và phát triển các nghề truyền thống, như: nón lá, chế biến thủy hải sản, mộc, nề... Nguồn vốn khuyến công tuy chưa lớn nhưng đã đem lại hiệu quả cao, nguồn động viên, động lực thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế, trong đó có cả kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động khuyến công, trong thời gian tới huyện Bố Trạch chủ trương phát triển nhanh các ngành có khả năng phát huy lợi thế cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường trong tỉnh, tiến tới vươn ra thị trường ngoại tỉnh và xuất khẩu.

Trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp với các vùng nguyên liệu và hình thành các khu công nghiệp tập trung, mở rộng liên doanh liên kết để thu hút vốn, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hiện đại hóa sản xuất,tạo thị trường ổn định, huyện chủ trương phát triển loại hình doanh nghiệp, công nghiệp tư nhân nhằm tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp trên địa bàn.

Bên cạnh đó, huyện chú trọng khôi phục phát triển các nghề truyền thống ở nông thôn đã có; thực hiện hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực trên cơ sở tận dụng mọi nguồn lực của mỗi địa phương về tiềm năng lao động, vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ...; khuyến khích các đề án ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và tăng cường công tác chuyển giao công nghệ mới nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Huyện kịp thời hỗ trợ các cơ sở sản xuất, cơ sở công nghiệp nông thôn về đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý, xây dựng mô hình trình diễn, xây dựng thương hiệu sản phẩm; chú trọng tìm kiếm, mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm, khôi phục nghề truyền thống, du nhập, nhân cấy nghề mới...

Với các hoạt động cụ thể, thiết thực, hoạt động khuyến công trên địa bàn huyện Bố Trạch đã và đang từng bước khẳng định vai trò, tầm quan trọng trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn trên địa bàn.

Th.H