.

Thủ tướng: Phấn đấu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu tôm trước năm 2025

Thứ Hai, 06/02/2017, 16:19 [GMT+7]

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về sản xuất tôm và dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú. Tôm cũng là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhóm hàng thủy sản của Việt Nam, chiếm đến gần 50% tổng kim ngạch, thời điểm cao nhất là năm 2014 xuất khẩu tôm đạt đến gần 4 tỷ USD.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng của các công ty trưng bày bên lề hội nghị. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng của các công ty trưng bày bên lề hội nghị.

(Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo bước đột phá cho ngành nuôi tôm Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh thị trường thế giới, sáng 6-2, một hội nghị “Diên Hồng” về lĩnh vực này đã được tổ chức tại tỉnh Cà Mau - thủ phủ của tôm sú, địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo gần 30 tỉnh và hơn 50 doanh nghiệp nuôi tôm đã tham dự, đối thoại thẳng thắn tại hội nghị.

Nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu

Tôm nước lợ đang được nuôi tại 30 tỉnh, thành phố và trở thành sản phẩm hàng hóa lớn ở nước ta gồm hai loài: tôm sú (loài bản địa) và tôm thẻ chân trắng. Cả nước đã hình thành vùng sản xuất tôm giống tập trung tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nam bộ như Cà Mau, Bạc Liêu.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, con tôm là sản phẩm có giá trị, được ngành nông nghiệp lựa chọn là một trong các đối tượng chủ lực mang tính đột phá trong tái cơ cấu ngành thủy sản và nông nghiệp nói chung.

Cũng theo ông Cường, sản phẩm tôm và thủy sản nói chung vẫn đang là mặt hàng thực phẩm được ưa chuộng với thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn 7 tỷ người. Hiện chưa có ngưỡng giới hạn đối với sản phẩm tôm, giá tôm hầu như chưa bị rớt giá hoặc bị khủng hoảng về giá.

Đặc biệt, điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu, xâm nhập mặn và kịch bản nước biển dâng sẽ dẫn đến nhiều vùng đất bị nhiễm mặn, phù hợp để mở rộng diện tích nuôi tôm hoặc nhiều diện tích cần chuyển đổi sang nuôi tôm để thích ứng, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng quan điểm này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành tôm Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để phát triển. Điều này không chỉ do nhu cầu tôm thế giới cao mà quan trọng hơn, trong điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu thì phát triển ngành tôm là giải pháp phù hợp nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đặt vấn đề cần biến thách thức thành cơ hội trong điều kiện sống chung với biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát lại thể chế liên quan để bổ sung, hỗ trợ phát triển ngành tôm; phối hợp với các địa phương tập trung quy hoạch ngành tôm trên cơ sở đánh giá thị trường toàn cầu gắn với quy hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Đổi mới tư duy về nuôi tôm

Kể lại những bài học mang tính thay đổi về tư duy từ chuyến khảo sát nuôi tôm tại Ecuador, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn thủy sản Minh Phú - người được mệnh danh là “ông vua tôm" của thế giới - cho rằng trên thực tế hoàn toàn không phải nuôi tôm mật độ cao mới cho năng suất cao mà theo kinh nghiệm của doanh nghiệp này, nếu nuôi tôm ở mật độ thấp, vừa với sức tải môi trường mới là phương pháp hiệu quả. Bởi hình thức này vừa không phải xử lý môi trường lại có thể thu hoạch nhanh. Cách tiếp cận mới này có thể cho năng suất cao, đồng thời lại rất tiết kiệm diện tích nuôi trồng.

“Nếu có sự hỗ trợ của Chính phủ, địa phương, Minh Phú có thể phấn đấu đạt mốc xuất khẩu tôm 2 tỷ USD vào năm 2021, sớm 5 năm so với mục tiêu 2026,” ông Quang mạnh mẽ tuyên bố.

“Cởi trói” cho ngành tôm

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đưa ra, lãnh đạo Tập đoàn Minh Phú đề xuất mở rộng diện tích nuôi tôm rừng đước theo hướng tập hợp và chuẩn hóa quy trình nuôi tôm của từng hộ dân. Việc làm này sẽ giúp cho vấn đề truy xuất nguồn gốc và theo tiêu chuẩn quốc tế trở nên dễ dàng hơn và điều đáng nói là theo mô hình này, người dân không cần phải góp đất mà chỉ cần ký hợp đồng với cam kết nuôi tôm theo quy trình của doanh nghiệp yêu cầu.

Cũng với mục tiêu đạt 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tôm, nhiều doanh nghiệp nuôi tôm cho rằng điều này đòi hỏi nhiều điều kiện nhưng quan trọng nhất là về chủ trương, chính sách và sự hỗ trợ của Nhà nước.

Các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ có biện pháp giảm giá điện cho sản xuất tôm bởi chi phí này chiếm tới 15-20% giá thành. Bên cạnh đó là giảm lãi vay để khuyến khích các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng, thuận lợi hơn với nguồn vốn, mở rộng sản xuất. Để đưa Việt Nam thực sự trở thành công xưởng ngành tôm thế giới, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ phải sát cánh với doanh nghiệp trong xây dựng và bảo vệ những thương hiệu mạnh trong nước, tăng cường lợi thế xuất khẩu.

Khẳng định “tôm tiểu ngạch sẽ giết chết tôm chính ngạch” hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ phải kiểm soát tốt hơn nữa các đường đi tiểu ngạch của mặt hàng tôm, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh để các doanh nghiệp nuôi tôm chân chính có chỗ đứng vững chắc và yên tâm đầu tư sản xuất.

Phải có quyết tâm chính trị để phát triển ngành nuôi tôm

Lắng nghe các ý kiến tham luận của doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương, phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam có đủ điều kiện và lợi thế phát triển ngành tôm, chúng ta phải có một quyết tâm chính trị, giải pháp đồng bộ để đưa ngành tôm phát triển lớn mạnh, hiệu quả cao, đem lại đời sống cao hơn cho nông dân.

Mục tiêu trước năm 2025, phải đạt kim ngạch xuất khẩu ngành tôm 10 tỷ USD, có thương hiệu tôm Việt Nam nổi tiếng thế giới, gắn nuôi tôm với phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường. Ngành tôm Việt Nam phấn đấu đạt khoảng 10% GDP quốc gia, Thủ tướng mong muốn và đặt ra chỉ tiêu như vậy.

Khẳng định mục tiêu và khát vọng này xuất phát từ những bài học thực tế và cung cầu thị trường, Thủ tướng chỉ rõ về tầm nhìn, quan điểm và chiến lược phát triển ngành tôm Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ Việt Nam mà trước hết là Đồng bằng sông Cửu Long - thủ phủ ngành công nghiệp và nuôi trồng, chế biến tôm chất lượng cao trên toàn thế giới.

“Từ đây, chúng ta sẽ chứng kiến những thương hiệu toàn cầu về tôm, đưa Việt Nam đi tắt trên con đường xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao ứng dụng những công nghệ tiên tiến của thế giới liên quan đến sản phẩm tôm. Việt Nam phấn đấu sẽ trở thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới,” Thủ tướng hy vọng.

Cho rằng chìa khóa cho phát triển ngành tôm chính là công nghệ sinh học, tự động hóa, điện toán đám mây... nêu bật những định hướng phát triển của ngành nghề quan trọng này, Thủ tướng đề nghị cần khảo sát quy hoạch một số vùng nuôi tôm phù hợp, không để tình trạng tự phát, manh mún. Công tác quy hoạch phải đi liền với bảo tồn các điều kiện tự nhiên nhằm bảo vệ sinh thái cho tôm và các loài sinh vật có giá trị kinh tế khác.

Nhắc lại vấn đề kỹ thuật mang tính cốt lõi "Nuôi tôm chính là nuôi nước,” Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nguồn nước bằng cách ứng dụng khoa học công nghệ để phòng tránh dịch bệnh cho tôm. Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại đảm bảo vốn phục vụ ngành nuôi tôm với lãi suất phù hợp, nhất là nuôi tôm công nghệ cao.

Đề cập đến thực trạng chỉ có 30% các hộ nuôi tôm thành công, Thủ tướng chỉ đạo các cấp, bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết, nghiên cứu, làm rõ để rút kinh nghiệm, nâng cao tỷ lệ thành công cho các hộ nuôi tôm.

Thủ tướng cũng yêu cầu kiểm soát tốt tình trạng độc quyền nhóm trong việc cung cấp thức ăn và con giống cho ngành tôm, tránh phụ thuộc vào nước ngoài, khuyến khích mạnh mẽ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều hơn nữa vào quy trình này.

"Chính phủ và các cấp, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải nhanh chóng tìm được câu trả lời thức ăn cho con tôm ở đâu để cung cấp đầy đủ cho nhu cầu sản xuất,” Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng mong muốn các nhà chuyên môn tham vấn chặt chẽ cho bà con để định hướng phát triển sản phẩm theo từng vùng, miền, loại tôm, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nhấn mạnh đến điều kiện quan trọng để phát triển ngành nuôi tôm, đảm bảo sinh kế cho bà con là phải xây dựng thương hiệu tôm trên cơ sở đặc thù, lợi thế từng địa phương, Thủ tướng đề nghị các cơ quan, tổ chức liên quan cần tăng cường cung cấp thông tin cung cầu, giá cả thị trường để người dân có kế hoạch sản xuất hợp lý, tránh chạy theo thông tin truyền miệng, sản xuất tràn lan, gây mất giá thị trường.

Cùng với đó là tăng cường liên kết phát triển có hệ thống ngành tôm để giảm chi phí trung gian, tổ chức các mô hình sản xuất theo tư duy hệ thống, tập trung về địa lý và phạm vi hoạt động của các nhà cung cứng, nhà phân phối nhằm giảm giá thành...; tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường dẫn đến rủi ro khi thị trường đó biến động.

Về các vụ kiện phá giá, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẵn sàng sát cánh với doanh nghiệp, tham vấn các luật sư, cơ quan pháp lý hàng đầu để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp nuôi tôm Việt Nam chân chính.

Đặc biệt Thủ tướng nêu rõ Chính phủ tuyên chiến với hành vi tiêm chích tạp chất vào con tôm mà một số gian thương đã thực hiện vừa qua, làm ảnh hưởng đến uy tín ngành nuôi tôm cả nước và có thể xử lý hình sự hành vi nguy hại này để bảo vệ sinh kế cho người nuôi tôm. Chính phủ nghiêm khắc xử lý tất cả các khâu vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến môi trường sản xuất tôm ở Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ.

Cũng tại hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ Chương trình hành động phát triển ngành tôm Việt Nam để sớm xem xét, phê duyệt.

Tâm sự với các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm cả nước, Thủ tướng nhấn mạnh: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải cùng nhau đi,” do đó càng có nhiều nhà sản xuất tôm thì càng phải đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển.

Theo Quang Vũ-Quách Kim Há (TTXVN/Vietnam+)