.

Sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung: Xu hướng tất yếu trong phát triển công nghệ sạch

Thứ Sáu, 09/12/2016, 09:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung đến năm 2020, thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã từng bước triển khai thực hiện lộ trình này và đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình hiện nay vẫn còn hạn chế, rất cần sự vào cuộc và triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành liên quan.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung của Thủ tướng Chính phủ và Bộ xây dựng, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Chỉ thị số 10CT-CT ngày 11-6-2012 về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh; đồng thời ban hành kế hoạch phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại các địa phương.

Theo đó, trước mắt duy trì các lò gạch tuynel hiện có và khuyến khích phát triển các nhà máy sản xuất vật liệu xây không nung. Đến năm 2015 chấm dứt các cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò thủ công và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch như: than, dầu khí...

Tỉnh cũng quy định các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước tại các đô thị loại 3 phải sử dụng 100% vật liệu không nung kể từ năm 2014, các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung từ năm 2014 đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung.

Tuy nhiên, tùy thuộc khả năng đáp ứng, chất lượng của vật liệu không nung ở từng địa bàn cụ thể, tỷ lệ các công trình sử dụng nguồn vốn Nhà nước sử dụng vật liệu xây không nung trên địa bàn từ 30 đến 80%. Riêng những dự án phê duyệt từ tháng 6-2016 tại các đô thị như: TP. Đồng Hới, thị trấn Hoàn Lão, thị xã Ba Đồn, thị trấn Đồng Lê bắt buộc sử dụng 100%, các khu vực còn lại sử dụng 50%. 

Tiên phong trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung là Công ty cổ phần sản xuất Vật liệu và Xây dựng Cosevco 1.

Theo đó, tháng 4-2014, công ty đã đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất tấm lợp và gạch không nung Cosevco với công suất 80 triệu viên/năm tại xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch. Với tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng, Nhà máy được thiết kế với hệ thống thiết bị, dây chuyền sản xuất đồng bộ và tiên tiến gồm: 1 dây chuyền sản xuất gạch các loại và 1 dây chuyền sản xuất gạch lát sân nền, vỉa hè cao cấp. Với dây chuyền công nghệ hiện đại, Nhà máy sản xuất tấm lợp và gạch không nung Cosevco có thể sản xuất đa dạng hóa sản phẩm, với nhiều mẫu mã khác nhau, phù hợp với các công trình xây dựng hiện nay.

Việc sử dụng gạch không nung cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế
Việc sử dụng gạch không nung cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế.

Đặc biệt, với nhiều ưu điểm vượt trội: không bị phân hóa, chống thấm tốt, chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt, ít hao tốn vữa xây dựng, tiết kiệm nhân công xây dựng và đặc biệt thân thiện với môi trường, các sản phẩm chủ yếu của nhà máy (gạch 2 lỗ, 3 lỗ, 4 lỗ, gạch đặc và các loại gạch lát sân, vườn, vỉa hè) đã được lựa chọn đưa vào xây dựng các công trình trong và ngoài tỉnh.

Năm 2015, công ty TNHH xây dựng Trường Thành (huyện Bố Trạch) đã triển khai xây dựng nhà máy gạch không nung với tổng đầu tư gần 21 tỷ đồng. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Trường Thành cho biết: Là doanh nghiệp chuyên xây dựng các công trình dân dụng nên chúng tôi thấy rõ sự cần thiết phải đầu tư nhà máy sản xuất vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh.

Được UBND huyện Bố Trạch tạo điều kiện về mặt bằng tại xã Lý Trạch, đơn vị đã nghiên cứu, khảo sát tình hình thị trường, công nghệ và tiến hành đầu tư hệ thống máy móc trang thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường xây dựng hiện nay. Đi vào hoạt động vào đầu năm 2016, sản phẩm gạch không nung của công ty đã có đầu ra ổn định trên thị trường xây dựng tỉnh.

Tháng 10-2016, tại cụm công nghiệp Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới, Công ty CP khoáng sản Thuận Sơn đã đưa Nhà máy sản xuất gạch không nung vào hoạt động với hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, có công suất 15 triệu sản phẩm/năm. Sản phẩm gạch không nung do nhà máy sản xuất sớm được thị trường chấp nhận bởi chất lượng, hình thức mẫu mã đẹp.

Các chủng loại sản phẩm mà nhà máy đang sản xuất gồm: gạch đặc để xây móng và tường chịu lực, các loại gạch có độ rỗng trên 40% để xây tường ngăn. Đặc biệt, sản phẩm gạch 2 lỗ và gạch 6 lỗ do nhà máy sản xuất có nhiều ưu điểm vượt trội như: cường độ chịu, cách nhiệt và chống thấm cao, thuận lợi cho việc thi công, tiết kiệm giá thành cho công trình.

Khác với sản xuất gạch truyền thống đó là gạch nung phải sử dụng nguyên liệu đất sét và dùng nhiên liệu như than, củi để đốt, thải ra khói, gây ô nhiễm môi trường, gạch không nung sử dụng xi măng, cát, mạt đá và chất phụ gia, được sản xuất trên dây chuyền nén thủy lực, gạch sẽ tự đóng rắn và đạt các chỉ số về cơ học như: cường độ nén, uốn, độ hút nước...

Việc ra đời các nhà máy sản xuất vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh là phù hợp với xu hướng hiện nay, mang lại hiệu quả tích cực về các mặt kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và hạn chế được các tác động bất lợi trên. Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh có thêm 7 cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung đi vào sản xuất ổn định, với tổng công suất trên 60 triệu sản phẩm/năm.

Lợi thế của vật liệu xây không nung và chủ trương tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung là vậy, nhưng thực tế việc sử dụng gạch không nung vào các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh ta còn rất hạn chế. Nguyên nhân là do số lượng các nhà máy sản xuất gạch không nung đạt chuẩn ít, chưa đáp ứng đủ công suất cũng như nhu cầu xây dựng trên địa bàn. Nguyên nhân thứ 2 là phần lớn người dân vẫn chưa quen với việc sử dụng loại vật liệu mới là gạch không nung để xây dựng các công trình dân dụng, đặc biệt là nhà ở.

Nhằm phấn đấu đến năm 2020, sản xuất vật liệu không nung trên địa bàn tỉnh đạt từ 150 triệu đến 200 triệu sản phẩm/1 năm, chiếm từ 50% đến 70% tổng công suất vật liệu xây dựng toàn tỉnh, Sở Xây dựng đã và đang chỉ đạo các phòng chuyên môn thực hiện nghiêm các quy định của Luật Xây dựng, Nghị định 46, Nghị định 59 của Chính phủ về công tác sử dụng vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu xây không nung trong công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật.

Về phía các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra chất lượng vật liệu xây dựng sử dụng trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh nhằm tuyên truyền, phổ biến cho các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, đơn vị thi công và người dân về các chủ trương chính sách liên quan đến sử dụng vật liệu xây dựng không nung.

Chủ trưởng của tỉnh là tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư các nhà máy sản xuất vật liệu xây không nung đạt chuẩn với quy mô hợp lý, áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao chất lượng công trình xây dựng.

Theo đó, các chủ đầu tư cần tính toán kỹ lưỡng khi mua trang thiết bị, khuôn đúc mẫu mã nhằm phù hợp với nhu cầu xây dựng trên địa bàn và vùng phụ cận, tránh sự cố đáng tiếc từ một số doanh nghiệp do nhập trang thiết bị sản xuất từ các nước Châu Âu, công nghệ tốt nhưng kích thước mẫu mã sản phẩm lớn, không phù hợp với nhu cầu xây dựng tại Việt Nam nên các nhà thầu ngại đưa các sản phẩm này vào xây dựng công trình.

Trước khó khăn này, doanh nghiệp phải đầu tư lại hệ thống dây chuyền thiết bị, máy móc để sản xuất những sản phẩm phù hợp với thị trường xây dựng hiện nay. Và tất nhiên, mỗi lần chuyển đổi về công nghệ sẽ làm doanh nghiệp tổn hao rất lớn về mặt tài chính.

Hiền Chi