.

Công điện của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống rét và dịch bệnh gia súc, gia cầm

Thứ Hai, 05/12/2016, 09:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 1-12, UBND tỉnh ban hành Công điện số 29/CĐ-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống rét và dịch bệnh gia súc, gia cầm. Nội dung như sau:

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta có hai đợt lụt lớn xảy ra đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân, gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân.    

Sau đợt lụt, các cấp, các ngành đã chủ động tập trung thu gom xác động vật chết để chôn lấp, xử lý không để gây ô nhiễm môi trường và phát tán dịch bệnh, nên trên địa bàn không có dịch bệnh trên người và trên động vật. Tuy nhiên, ở một số tỉnh giáp với tỉnh ta như Hà Tĩnh, Nghệ An đã xảy ra dịch tai xanh nên nguy cơ lây lan và xảy ra dịch là khá lớn. Mặt khác, trong thời gian tới, các hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm sẽ tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán 2016, kết hợp với điều kiện thời tiết chuyển lạnh, thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán nhanh làm cho dịch bệnh khó kiểm soát hơn, do vậy nguy cơ dịch bệnh động vật tiếp tục phát sinh và lây lan rộng là rất cao.

Để chủ động phòng, chống, khống chế các ổ dịch bệnh, xử lý ngay các sự cố ô nhiễm môi trường, phát sinh mầm bệnh nhằm giảm thiểu nguy cơ phát sinh dịch bệnh, thực hiện Công điện số 9638/CĐ-BNN-TY ngày 14-11-2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; Chỉ thị số 9407/CT-BNN-CN ngày 8-11-2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phòng chống đói, rét cho gia súc trong vụ Đông - Xuân 2016 - 2017Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:

- Tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 8482/BNN-TY ngày 6-10-2016 và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng đợt 02 năm 2016; tổ chức tuyên truyền để người chăn nuôi áp dụng các biện pháp ký thuật trong phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan thú y.

- Chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực thực hiện công tác tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ cho đàn vật nuôi trong đợt 2 năm 2016, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho đan vật nuôi theo quy định.

- Chỉ đạo các phòng, ban liên quan, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; các trạm thú y tăng cường giám sát phát hiện sớm ổ dịch ở các địa bàn có nguy cơ, thực hiện báo cáo ổ dịch kịp thời theo quy định để xử lý hiệu quả dịch bệnh khi mới phát sinh; thực hiện nghiêm việc lấy mẫu gửi xét nghiệm để xác định chính xác tác nhân gây bệnh, làm cơ sở cho việc sử dụng vắc xin phòng, chống dịch; đồng thời lập cam kết với các hộ dân có động vật bị mắc bệnh truyền nhiễm thực hiện nuôi cách ly tại chỗ và không được chăn thả, giết mổ, mua bán số động vật đang mắc bệnh.

- Chỉ đạo các đơn vị liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho gia súc đến từng thôn, bản và hộ/trang trại chăn nuôi; đặc biệt là những vùng đã bị ngập do lũ lụt, vùng núi, vùng có nguy cơ cao gia súc bị đói, rét; đồng thời tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến các biện pháp kỹ thuật và kinh nghiệm về phòng chống đói, rét cho vật nuôi trên các phương tiện thông tin đại chúng đến các cộng đồng dân cư, người chăn nuôi biết để áp dụng. Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, đặc biệt những đợt rét đậm, rét hại để thông tin kịp thời cho người chăn nuôi biết, chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc có hiệu quả.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã quản lý chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn, đặc biệt là những gia súc mắc bệnh và đàn gia súc đã khỏi triệu chứng lâm sàng; đồng thời tăng cường công tác kiểm soát, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật bất hợp pháp qua biên giới, đặc biệt là dịch cuối năm. Thực hiện nghiêm việc kiểm dịch vận chuyển động vật, kiểm soát giết mổ trong nước.

- Phối hợp với Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình và các đài truyền thanh cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để hạn chế phát tán, lây lan dịch bệnh cho đàn vật nuôi, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.

- Phối hợp với các sở, ngành, địa phương thành lập các Đoàn đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng; công tác phòng, chống dịch bệnh và đói rét tại một số địa bàn trọng điểm; thường xuyên báo cáo tình hình về UBND tỉnh để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

- Hướng dẫn phòng, chống đói rét và dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm trong tình hình hiện nay.

- Chỉ đạo hệ thống Thú y phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường giám sát, phát hiện các ổ dịch bệnh trên động vật để xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phòng chống bệnh động vật năm 2016; tham mưu xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật năm 2017, với các phương án cụ thể về nguồn lực, kinh phí, vắc xin, hóa chất dự phòng, tiêm vắc xin định kỳ, xử lý khi có ổ dịch bệnh động vật phát sinh .

3. Sở Y tế theo dõi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây từ động vật sang người để có biện pháp phòng, chống kịp thời. 

Yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã, nghiêm túc thực hiện nội dung Công điện này. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngoài các nội dung đươc giao, theo dõi, kiểm tra tổng hợp tình hình báo cáo UBND tỉnh.