.

Ngành Giao thông vận tải: Nỗ lực vượt khó

Thứ Ba, 13/12/2016, 10:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Mới đây, chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác Sở Giao thông vận tải (GTVT) kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả lũ lụt trên địa bàn. Qua câu chuyện với Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Quốc Cường được biết, hiện tại có nhiều tuyến đường trên địa bàn vẫn đang trong tình trạng xuống cấp chưa thể tu sửa lại nguyên trạng, nguyên nhân là chưa tìm được nguồn kinh phí.

 

Nhiều cầu treo bị hư hỏng xuống cấp, chưa có vốn đầu tư.
Nhiều cầu treo bị hư hỏng xuống cấp, chưa có vốn đầu tư.

Đoàn công tác ngược đường 12A, là tuyến đường huyết mạch nối Đông –Tây Trường Sơn qua Cửa khẩu Cha Lo, được xem là bị thiệt hại nặng nề nhất. Giám đốc Công ty cổ phần sửa chữa đường bộ và xây dựng tổng hợp II, Nguyễn Ánh Sao, là đơn vị được giao quản lý tuyến đường 12A báo cáo sơ bộ rằng, trên tuyến đường này đã xảy ra sụt trượt mái ta luy dương 48 điểm, sạt lở mái ta luy âm nền đường 10 vị trí với khối lượng đất đá ước khoảng 1.450m3...

Không riêng gì Quốc lộ 12A mà lũ lụt đã gây thiệt hại rất lớn đối với kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hoá và Minh Hoá...Ngay sau khi nước lũ vừa rút, Sở GTVT đã chỉ đạo Công ty cổ phần sửa chữa đường bộ và xây dựng tổng hợp II tiến hành biện pháp xử lý.

Công ty đã huy động toàn bộ lực lượng, thiết bị, xe máy tập trung xử lý các điểm sạt lở làm ách tắc giao thông trên Quốc lộ 12A, Quốc lộ 15 và các tuyến đường xung yếu khác. Chỉ sau hơn một ngày kể từ khi nước bắt đầu rút, tất cả 13 điểm bị tắc trên Quốc lộ 12A và 8 điểm bị tắc trên Quốc lộ 15 đều được khắc phục tạm thời, cơ bản đã thông được tuyến, phục vụ kịp thời cho các xe ô tô đi cứu trợ.

Để bảo đảm giao thông cho tuyến Quốc lộ 12A huyết mạch này, công ty đã huy động 2 máy ủi, 2 máy xúc, nhiều xe ô tô và hơn 40 công nhân liên tục làm việc 3 ca để thông tuyến. Trên tuyến đường này có một điểm sạt lở lớn là đoạn qua cầu Cha Lo 4, sau chưa đầy 14 giờ, công ty đã mở thông tuyến, tạo điều kiện cho phương tiện giao thông đi lại trong lũ.

Sau khi tuyến Quốc lộ 12A đã được thông xe, công ty tiếp tục cho sửa chữa, gia cố thêm các đoạn đường có nguy cơ bị hư hỏng bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 12A. Nhờ khắc phục kịp thời các điểm sạt lở nên gần 250 xe ô tô vận tải hàng hóa mắc kẹt tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Cha Lo được giải phóng trong 2 ngày. Đối với các tuyến khác, Công ty đã huy động tối đa lực lượng, tăng cường xe máy phương tiện bám trụ 24/24h trên các đoạn đường xung yếu để khắc phục hậu quả, bảo đảm giao thông thông suốt.

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, thời gian qua toàn ngành đã dốc hết nguồn lực để khắc phục kết cấu hạ tầng giao thông do lũ lụt làm hư hại. Tuy nhiên, hiện tại nhiều tuyến đường, cây cầu chỉ khắc phục tạm thời cho người dân đi lại, còn về lâu dài, cần nguồn kinh phí khá lớn mới giải quyết được.

Theo chân đoàn công tác, chúng tôi đã được thị sát tuyến đường Quảng Sơn - Cao Quảng. Mặc dù lũ lụt đã đi qua hơn một tháng nhưng hậu quả mà nó gây ra vẫn còn hiện hữu hết sức nghiêm trọng. Mặt đường, nền đường nhiều đoạn bị xói lở ước khoảng 1km, ta luy âm ăn sâu vào mặt đường rất nguy hiểm cho xe cộ qua lại.

Theo như lời của Phó Giám đốc Sở GTVT, ông Lê Quốc Cường, thì tuyến đường này hết sức quan trọng đối với 10.000 dân Cao Quảng, Quảng Sơn nên ngành GTVT đã dồn hết lực lượng để khắc phục. Biện pháp hữu hiệu được áp dụng là xếp rọ đá, chèn ta luy âm và dùng sỏi đá cuội hàn gắn mặt đường tạm thời thông xe. Bằng biện pháp xử lý tình huống này, chỉ sau 2 ngày, tuyến đường đã cơ bản được thông xe, nhiều xe chở hàng cứu trợ về được xã Cao Quảng.

Về cơ sở hạ tầng, lũ lụt đã khiến cho giao thông trên các tuyến Quốc lộ 12A, 12C, Quốc lộ 15, tỉnh lộ 559 qua địa bàn bị chia cắt; đoạn đường Hồ Chí Minh ở xã Hương Hoá bị ngập; nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, xã bị ngập, xói lở và hư hỏng nặng; hàng ngàn m3 đất đá bị cuốn trôi; đường sắt khu gian Lạc Sơn-Lệ Sơn (xã Châu Hoá) và Km434 đoạn qua xã Lê Hoá bị sạt lở, giao thông đường sắt bị ngưng trệ... Với cả núi công việc như vậy, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn chính quyền các địa phương cùng với các đơn vị trong ngành GTVT đã kịp thời khắc phục, bảo đảm xe cộ đi lại thông suốt.

Một vấn đề nan giải sau lũ là, hiện có một số cây cầu treo trên địa bàn đã hết hạn sử dụng và bị hư hỏng nặng do lũ lụt gây ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của nhân dân. Trong số đó có cầu treo  Nơ Loong, xã Dân Hóa. Cây cầu treo này do tổ chức ICO tài trợ xây dựng, phục vụ người và xe máy đi lại gần 20 năm nay. Trận lũ vừa rồi đã cuốn trôi cầu, hiện tại ngành GTVT khắc phục tạm thời bằng cách bố trí người dân đi lại qua ngầm tràn.

Khắc phục sạt lở đường Quảng Sơn-Cao Quảng.
Khắc phục sạt lở đường Quảng Sơn-Cao Quảng.

Đây là cây cầu huyết mạch nối 3 bản của xã Dân Hóa (trong đó có bản Lòm) với Quốc lộ 12A. Sở đã báo cáo và xin Bộ GTVT kinh phí để đầu tư xây dựng lại cây cầu treo này bằng bê tông chắc chắn. Trong khi chờ ý kiến chính thức từ Bộ GTVT, trước mắt, Sở đã chỉ đạo khắc phục ngầm tạm để xe cộ và người đi lại (đối với thời tiết không mưa). Nếu trời mưa Sở khuyến cáo tuyệt đối không đi lại qua nhầm tràn này, vì nước chảy xiết rất nguy hiểm. Được biết, hiện tại trên địa bàn tỉnh còn có 22 cầu treo đã đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư của Bộ GTVT, nhưng do thiếu vốn nên đên nay chưa thể triển khai được.

Tinh thần chỉ đạo của Sở GTVT là công trình giao thông cấp nào quản lý thì cấp đó chủ động biện pháp khắc phục. Với tinh thần đó, vừa qua  các địa phương cơ bản đã khắc phục được các công trình giao thông trên địa bàn do mình quản lý, theo phương châm làm mặt cầu tạm, xếp đá tu bổ ngầm tràn, đắp lại mặt đường cấp phối... để đi tạm.

Có thể nói, nhờ sự chủ động phương án phòng chống lũ lụt nên các đơn vị quản lý đường bộ đã tập trung lực lượng, thiết bị, xe máy san ủi mặt đường, cắm cọc tiêu biển báo hiệu, nên toàn bộ các tuyến đường đều nhanh chóng được thông xe và bảo đảm an toàn giao thông.

Vấn đề khó khăn nổi lên trong việc khắc phục hậu quả bão lụt của ngành GTVT hiện nay là, khối lượng khá lớn, ước khoảng 110 tỷ đồng, trong đó khắc phục tạm thời để thông tuyến cần đến 37 tỷ đồng. Hiện tại, các đơn vị đã thực hiện xong khối lượng 8 tỷ đồng, nhưng chưa được cấp đồng nào, toàn bộ vật tư, thiết bị, nhân công đều phải vay ngân hàng và vay từ các nguồn khác.

Tr.T