.

Phát triển vùng rau xanh an toàn

Thứ Sáu, 09/12/2016, 11:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Là một tỉnh nông nghiệp có đất đai dồi dào, nhưng hàng năm tỉnh ta phải nhập một lượng khá lớn rau xanh từ các địa phương khác, đây là điều đáng trăn trở. Qua khảo sát của Viện nghiên cứu rau quả Việt Nam mới đây cho thấy, để ổn định nguồn rau xanh cung cấp cho người dân trong tỉnh, mỗi năm tỉnh ta cần trồng thêm 500 đến 600 ha rau quả xanh nữa và nhất là phải có vùng sản xuất rau an toàn tập trung.

Theo điều tra của Viện nghiên cứu rau quả Việt Nam, diện tích trồng rau ở tỉnh ta những năm gần đây có biến động không lớn, từ 5.500 đến 6.000 ha. Năng suất rau khoảng 95 đến 100 tạ/ha. Rau được sản xuất trên địa bàn bao gồm các nhóm: rau ăn lá, rau ăn củ, rau ăn quả và rau gia vị; trong đó diện tích trồng các loại rau ăn lá chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 55-60%. Hầu hết các huyện, thành phố đều trồng rau, song chủ yếu tập trung ở các vùng cát ven QL1 ở Bố Trạch, thị xã Ba Đồn, Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới.

Một mô hình trồng cà chua sạch ở Sơn Trạch.
Một mô hình trồng cà chua sạch ở Sơn Trạch.

 Rau ăn lá chiếm diện tích cơ cấu lớn, tập trung chủ yếu tại huyện Bố Trạch trên 1.000 ha, thị xã Ba Đồn 650 ha, thành phố Đồng Hới 250ha... Trong nhóm rau này, rau cải chiếm diện tích lớn (1.500 ha/3.500 ha rau ăn lá trong toàn tỉnh), riêng Bố Trạch là 500 ha/1.000 ha.

Đối tượng rau ăn quả bao gồm cà chua, dưa chuột... được phát triển với diện tích khá, nhưng do thời gian sinh trưởng dài nên gặp nhiều bất lợi bởi ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, thiên tai. Nhóm rau gia vị trong thời gian qua đã phát triển khá nhanh, tập trung chủ yếu ở huyện Bố Trạch 170ha, thị xã Ba Đồn 100ha, thành phố Đồng Hới 120ha, huyện Quảng Trạch 120 ha và Lệ Thủy 150 ha. Đây là các loại rau có thời gian sinh trưởng ngắn, hiệu quả kinh tế cao nên được người nông dân mở rộng diện tích qua các năm.

Việc trồng rau trong tỉnh lâu nay chủ yếu mang tính tự cấp, tự túc và mùa vụ, lượng rau quả cung cấp ra thị trường luôn thất thường. Có những thời điểm rau xanh tràn ngập các chợ, nhưng cũng nhiều lúc để tìm được mớ rau không phải là chuyện dễ!

Điều đáng quan tâm là rau quả trồng trên địa bàn được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm chiếm tỷ lệ thấp, chưa đến 10%. Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến tiêu thụ rau quả an toàn trên địa bàn. Theo đó, tỉnh đã quy hoạch sản xuất rau an toàn từ 30-35ha đối với các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, thị xã Ba Đồn, Quảng Trạch, Đồng Hới và từ 10 đến 15 ha đối với huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa.

Tiêu chuẩn mỗi vùng rau an toàn tập trung có diện tích từ 1 ha trở lên và phải sản xuất liên tục từ 9 tháng/năm trở lên. UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ vốn để cho các địa phương quy hoạch và sản xuất rau an toàn. Một số địa phương trong tỉnh đã hình thành các mô hình trồng rau an toàn, trong đó có xã Cam Thủy (Lệ Thủy) với gần 30 ha, xã Đức Ninh, thôn Cửa Phú, xã Bảo Ninh (Đồng Hới) 35 ha; phường Quảng Long, phường Quảng Phong (Ba Đồn) 20ha...

Thành phố Đồng Hới là địa phương đi đầu trong việc xây dựng vùng chuyên canh rau với quy mô trên 25ha theo tiêu chuẩn VietGAP và 10 cửa hàng bán rau, quả an toàn nhằm góp phần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong đó, vùng chuyên canh rau an toàn được triển khai trồng tại 5 xã, phường gồm: Đức Ninh, Bắc Nghĩa, Nghĩa Ninh, Thuận Đức và Bảo Ninh.

Để thực hiện thành công dự án sản xuất rau an toàn theo hướng Việt GAP, thành phố Đồng Hới đã quy hoạch vùng sản xuất rau và đầu tư cơ sở hạ tầng đường giao thông nội đồng, hệ thống điện, hệ thống cấp nước... Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ khuyến nông và người nông dân, đi đôi với việc tổ chức tuyên truyền, chỉ đạo nhân dân triển khai thực hiện.

Đồng Hới có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển rau an toàn theo hướng hàng hóa và hỗ trợ các xã, phường thành lập tổ hợp tác trồng rau. Nhờ vậy, đến nay toàn thành phố đã triển khai sản xuất trên diện tích 25 ha rau an toàn ở các địa phương có điều kiện đất đai phù hợp. Thành phố đã hỗ trợ Công ty TNHH Nhật Lệ mở cửa hàng bán sản phẩm rau an toàn tại chợ Đồng Phú.

Mô hình rau an toàn của công ty CP Thanh Hương, Quảng Ninh được duy trì qua 5 năm với diện tích 1,5 ha. Toàn bộ sản phẩm gần 100 tấn mỗi năm với 12 loại rau, quả (gồm: cải xanh, mướp đắng, mồng tơi, dưa chuột, xà lách, cà chua, rau quế, đậu cove, cải bẹ, hành lá...) của công ty đã được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, từ khi siêu thị Co.opmart Quảng Bình đi vào hoạt động, công ty đã cung cấp một lượng đáng kể rau, quả các loại như dưa chuột, mướp đắng, rau cải, mồng tơi, hành lá, rau quế... cho siêu thị.

Có một vùng rau xanh khá nổi tiếng ở tỉnh ta, đó là thôn Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy. Hầu như nhà nào ở đây cũng có vài ba sào đất trồng rau. Các vườn rau đều được bố trí trong các nhà lưới và một hệ thống nước tưới được lọc cẩn thận qua các bể cát. Để duy trì và kiểm soát chất lượng rau quả, thôn đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Hòa Luật Nam.

Tổ hợp tác đã tổ chức cho các hộ dân ký cam kết với những nội dung cụ thể về chất lượng giống, nguồn nước tưới, phân bón; thực hiện vai trò cầu nối giữa người sản xuất với các đầu mối tiêu thụ sản phẩm để bảo đảm lượng rau an toàn sản xuất ra sẽ tiêu thụ hết trong từng quãng thời gian cụ thể với giá thành tương ứng. Hiện tại, thị trường tiêu thụ rau an toàn của người dân Hòa Luật Nam không chỉ giới hạn trong huyện, tỉnh mà còn vươn ra thị trường các tỉnh bạn như Quảng Trị, Huế, Hà Tĩnh...

Một vấn đề đáng quan tâm nữa trong sản xuất rau xanh ở tỉnh ta, đó là, công tác quản lý chất lượng rau quả hầu như đang bị “thả nổi”! Thời gian qua các ngành chức năng đã có quan tâm đến vấn đề này, tuy nhiên rau "ngoại" và cả rau "nội" không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm vẫn vô tư tồn tại trên thị trường. Tại chợ Đồng Hới, chợ ga Nam Lý nhiều loại quả như cà chua, súp lơ, lựu, cam, quýt... đóng trong hộp xốp không nhãn mác nguồn gốc xuất xứ vẫn bày bán tràn lan.

Vùng chuyên canh trồng rau ở Bảo Ninh.
Vùng chuyên canh trồng rau ở Bảo Ninh.

Có thể nói, hiện nay chưa có sự phân biệt một cách rạch ròi rau sạch và rau trôi nổi. Rau sạch vẫn đang bị đánh đồng với rau sản xuất theo kiểu truyền thống, giá bán cũng chẳng khác gì nhau và người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng sản phẩm rau là rau an toàn. Bên cạnh đó, diện tích đất trồng rau của các hộ nông dân ở thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn hầu hết đều ở dạng manh mún, nhỏ lẻ, mỗi hộ chỉ được vài sào nên không thể đáp ứng theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, siêu thị với số lượng lớn, ổn định.

Trên địa bàn thành phố Đồng Hới, lâu nay người nội trợ thường tin dùng rau được cung cấp từ một số địa phương như Đức Ninh, Đồng Phú, Bảo Ninh...Tâm lý người tiêu dùng là tìm mua cho được “rau nhà”, tức là rau mà những người nông dân đem ra chợ bán vài mớ nhỏ. Tuy vậy, không phải lúc nào người tiêu dùng cũng mua đúng loại rau sạch như ý.

Nắm được tâm lý đó, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn từ nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn tại thôn Đức Hoa (xã Đức Ninh) và thôn Cửa Phú (xã Bảo Ninh) đạt được kết quả bước đầu, tạo uy tín trên thị trường thành phố, từng bước giúp người dân thay đổi cách nhìn nhận đối với rau trồng trên quy mô lớn.

Từ tình hình trên, để vùng rau an toàn ngày càng phát triển nhân rộng, đòi hỏi người trồng rau cần xây dựng vùng rau sạch đúng nghĩa, đồng thời xây dựng mô hình kiểm soát theo chuỗi, tiến tới mục tiêu toàn bộ diện tích rau được trồng theo quy trình sạch, trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người trồng rau sạch tiếp cận với các nguồn vốn. Qua tìm hiểu được biết, để đầu tư 1ha rau an toàn (gồm: nhà lưới, hệ thống tưới...) cần khoảng 30-50 triệu đồng, nhưng hầu hết người trồng rau đều thiếu vốn, nên diện tích rau an toàn khó phát triển trên diện rộng.

H.Q