.

Phát triển du lịch khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng: Đừng để "mạnh ai nấy làm" - Bài 2: Đồng hành vượt qua rào cản

Thứ Hai, 26/12/2016, 08:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Báo cáo của Sở Du lịch cho thấy, trong tình hình khách du lịch toàn tỉnh giảm mạnh do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, tính đến ngày 31-10-2016, lượng khách du lịch tăng 0,1% so với cùng kỳ và tổng danh thu tại các khu, tuyến, điểm du lịch tăng 12% so với cùng kỳ. Và để đưa Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành một “dấu son” trên bản đồ du lịch, các cơ quan, địa phương liên quan và những người kinh doanh du lịch ở đây đã, đang và sẽ triển khai nhiều hoạt động quan trọng và đồng hành cùng nhau vượt qua rào cản.

>> Bài 1: Bức tranh toàn cảnh

Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, được biết trong năm 2016, để đồng hành cùng du lịch khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, huyện đã thực hiện nhiều hoạt động như triển khai 2 lớp đào tạo tiếng Anh giao tiếp cho người làm du lịch; tổ chức hội thi cá trắm và đua thuyền trên sông Son; đưa đu tre truyền thống vào hoạt động tại Trung tâm Du lịch Phong Nha vào dịp Tết Nguyên đán... Những hoạt động này đã góp phần để du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng thêm những sắc màu truyền thống, thu hút đông đảo khách du lịch.

Ngoài ra, huyện đã tập trung bảo đảm hiệu quả an ninh trật tự trên địa bàn, tạo sự yên tâm cho du khách khi đến đây. Hiện Bố Trạch đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hành động của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển du lịch Bố Trạch giai đoạn 2016-2020 với nhiều nhóm giải pháp quan trọng.

Đó là tuyên truyền nâng cao nhận thức về chiến lược phát triển du lịch cho cộng đồng dân cư và xã hội; hoàn thiện và tăng cường cơ chế quản lý nhà nước về phát triển du lịch, dịch vụ du lịch, bảo đảm an ninh trật tự; phát triển cơ sở vật chất hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù và triển khai các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp...

Còn ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Du lịch khẳng định: Với những tiềm năng thế mạnh của du lịch khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, để đưa du lịch nơi đây phát triển tương xứng với tiềm năng, những năm qua, ngành Du lịch đã nắm tình hình, đặc biệt là sự phát triển của các hộ kinh doanh du lịch nhỏ lẻ theo hình thức tự phát, cải tạo nhà ở để kinh doanh, từ đó có các giải pháp quản lý hữu hiệu.

Mô hình Homes tay đang phát triển mạnh ở khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng.
Mô hình Homes tay đang phát triển mạnh ở khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng.

Việc phát triển tự phát kéo theo nhiều hạn chế trong hoạt động du lịch là “bài toán” nan giải mà ngành đang nỗ lực khắc phục. Để làm được điều này, Sở đã tạo điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh hoàn thiện các thủ tục phục vụ dịch vụ  lưu trú, nhà hàng.

Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ người dân trong quá trình kinh doanh, năm 2016, Sở đã tổ chức các lớp tập huấn , đào tạo ngoại ngữ và hỗ trợ doanh nghiệp, chủ kinh doanh quảng bá du lịch thông qua các trang web về du lịch; hướng dẫn cách làm tờ rơi quảng cáo... Cũng theo ông Kỳ, trong hoạt động quảng bá du lịch, doanh nghiệp và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cần phát huy vai trò chủ động, tìm kiếm những cách thức quảng bá phù hợp và hiệu quả.

Về ý kiến cần thành lập Chi hội Du lịch để những doanh nghiệp và hộ kinh doanh du lịch có tiếng nói, ông Kỳ cho biết cuối năm 2016, Chi hội Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, trực thuộc Hiệp hội Du lịch Quảng Bình, sẽ ra đời và đi vào hoạt động, là địa chỉ để những người kinh doanh du lịch gặp gỡ, chia sẻ, kết nối để tăng cường hiệu quả hoạt động. Và trước mắt, đối với tất cả những ý kiến, đề xuất về vay vốn ưu đãi, đào tạo, tập huấn... của các hộ kinh doanh du lịch có thể tập hợp lại và gửi lên Sở, từ đó Sở sẽ tiếp tục đề xuất và phối hợp cùng các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết.

Một nội dung quan trọng mà hầu hết hộ kinh doanh du lịch ở Phong Nha - Kẻ Bàng kiến nghị, đó là việc bảo đảm nguồn điện phục vụ du khách, đến thời điểm này, được biết UBND tỉnh đã yêu cầu chuyển giao Hợp tác xã dịch vụ điện Sơn Trạch cho Công ty Điện lực Quảng Bình tiếp nhận và đầu tư nâng cấp nhằm bảo đảm công suất. Việc này, dù muộn, nhưng sẽ góp phần quan trọng tạo tiền đề đưa du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng tiếp tục phát triển.

Cùng với những hoạt động nói trên, để đưa du lịch nói chung, du lịch theo mô hình Homestay nói riêng phát triển, thay vì bị đào thải bởi quy luật khắc khe của thị trường, qua quan sát thực tế, việc đẩy mạnh hoạt động quảng bá thông qua mạng xã hội đóng vai trò khá quan trọng.

Từ thành công của những mô hình này tại Phong Nha - Kẻ Bàng như Phong Nha Farmstay, Phong Nha Lake House, có thể thấy rất rõ, bên cạnh việc chú trọng phát triển nguồn nhân lực, những mô hình này đã sử dụng hiệu quả quá trình tương tác trên mạng xã hội. Cùng với việc xây dựng trang web, họ đồng thời viết bài giới thiệu, quảng bá trên mạng xã hội như Facebook để tăng cường kết nối.

Về việc này, hầu hết các hộ kinh doanh cũng đều thực hiện, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, dù một số hộ thuê người điều hành nhưng hoạt động chưa thực sự mang lại hiệu quả, hay nói cách khác là chỉ làm cho có mà thôi. Do đó, cùng với việc tập huấn nghiệp vụ du lịch, nên chăng cần có các lớp hướng dẫn nghiệp vụ makerting thông qua mạng xã hội, làm sao để mỗi người tham gia kinh doanh du lịch đều có thể biết cách điều hành và nâng cao hiệu quả hoạt động từ kênh này.

Tập huấn nghiệp vụ cho nguồn nhân lực phục vụ du lịch là hoạt động đã được triển khai từ nhiều năm nay. Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông Quảng Bình (2010-2014) là một trong những dự án tham gia đào tạo nhiều lớp tập huấn từ dịch vụ lễ tân, buồng phòng, nhà hàng, tiếng Anh giao tiếp cho nguồn nhân lực du lịch toàn tỉnh nói chung, khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng nói riêng. Qua thực tế cho thấy, để nâng cao hiệu quả đào tạo, dự án đã tiến hành điều tra nắm bắt nhu cầu để việc đào tạo đúng đối tượng, tránh việc người cần không được tham gia, người tham gia đôi khi chỉ vì lý do được hỗ trợ chi phí trong quá trình đào tạo.

Hiện tại, các lớp đào tạo chưa đáp ứng đủ nhu cầu, do đó khi đăng ký học, họ bị từ chối bởi lớp đã đủ học viên. “Tôi mong trong tương lai sẽ có thêm các lớp đào tạo tiếng Anh giao tiếp cũng như nghiệp vụ lễ tân, buồng phòng để chúng tôi có cơ hội học tập nâng cao trình độ, góp phần hoạt động hiệu quả hơn!”,  chị Ngô Thị Huyền, chủ cơ sở Phong Nha River House chia sẻ.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng sẽ còn nhiều điều phải bàn. Nhưng trước mắt, với sự phát triển khá mạnh mẽ của các mô hình homestay, thì nên chăng bên cạnh việc đưa vào quản lý, cần có sự hỗ trợ, đồng hành tích cực từ phía các cơ quan chức năng để trong tương lai, Phong Nha – Kẻ Bàng sẽ hình thành những khu du lịch đặc thù, mang đậm dấu ấn địa phương. Đó cũng là cách mà các hộ làm du lịch ở bãi biển An Bàng (thành phố Hội An) đã thực hiện và thành công.

Tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ, đồng hành cùng du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng là bước đi quan trọng nhằm xây dựng và phát triển một nền du lịch bền vững. Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Du lịch ở Phong Nha - Kẻ Bàng góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho người dân, điều này sẽ góp phần bảo vệ di sản. Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là viên ngọc quý, có di sản, người dân có việc làm, đời sống được nâng cao, từ đó người dân càng có ý thức bảo vệ và giữ gìn di sản cho thế hệ mai sau!

Ngọc Mai