.

Bức tranh nông thôn mới sau lũ - Bài 1: Chồng chất gánh nặng giảm nghèo

Thứ Sáu, 25/11/2016, 15:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2013, khi siêu bão số 10 “càn quét” với hậu quả vô cùng nặng nề ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Quảng Bình, lộ trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của nhiều địa phương tỉnh ta đã bị gián đoạn. Sau 3 năm, khi Đảng bộ, chính quyền và người dân các địa phương đang dốc toàn lực khắc phục hậu quả, đưa phong trào XDNTM vượt qua giai đoạn khó khăn để rút ngắn khoảng cách “về đích” thì hai trận lũ lịch sử trung tuần tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua một lần nữa lại cuốn trôi đi không ít thành quả đạt được. Lộ trình XDNTM của nhiều xã vốn đã gặp nhiều khó khăn, trở ngại nay lại càng gian nan hơn.

Đối với lộ trình XDNTM của nhiều địa phương ở tỉnh ta, tiêu chí hộ nghèo được xem là một trong những “cửa ải” khó vượt qua. Sau trận lũ lịch sử vừa qua, tiêu chí này càng trở nên hóc búa, con đường thoát nghèo của nhiều hộ dân vốn đã lắm trắc trở nay càng xa vời bởi tỷ lệ các hộ đã thoát nay tái nghèo, các hộ khá bị “rớt” xuống cận nghèo đang có xu hướng tăng. Nhiều gia đình khá giả bỗng chốc bị thiên tai “cướp trắng” nhà cửa, tài sản, lâm vào con đường phá sản, nợ nần chồng chất.

Nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản của xã Quảng Lộc (Ba Đồn) bị thiệt hại nghiêm trọng do lũ lụt.
Nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản của xã Quảng Lộc (Ba Đồn) bị thiệt hại nghiêm trọng do lũ lụt.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thành (thôn Xuân Canh) là một trong những hộ nghèo của xã Thuận Hóa (Tuyên Hóa). Chồng mất sớm để lại chị một mình nuôi hai đứa con nhỏ. Không có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống của mẹ con chị chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng.

Qua nhiều mùa mưa lũ, ngôi nhà của chị Thành đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Thấu hiểu hoàn cảnh chị Thành, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã quyết định hỗ trợ 30 triệu đồng để xây nhà tránh lũ cho gia đình chị. Ngôi nhà mới được xây dựng và đưa vào sử dụng từ 6-2016. “Niềm vui ngắn chẳng tày gang”, chưa kịp hưởng trọn sự vui mừng được sống trong căn nhà mới thì cơn lũ lịch sử đã đánh sập niềm mơ ước vừa mới trở thành hiện thực của chị.

“Không biết đến khi mô mẹ con tui mới lại xây được nhà mà ở. Lần trước cũng phải vay mượn thêm của bà con, họ hàng mới làm được nhà. Chừ thì...”, chị Thành nghẹn ngào. Lũ ập đến, nhà sập, mọi tài sản đều bị cuốn trôi theo dòng nước lũ, con đường giảm nghèo của gia đình chị Nguyễn Thị Thành càng trở nên xa vời.

Không bị lũ đánh sập, cuốn trôi nhà như chị Thành, nhưng tổn thất mà gia đình anh Nguyễn Minh Dương ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) phải gánh chịu bởi thiên tai cũng vô cùng nặng nề. Chiếc tàu QB 92169 TS, phương kế sinh nhai của cả gia đình anh đã bị trận lũ lịch sử vừa qua nhấn chìm theo biển nước. “Gia đình tui mới mua lại chiếc tàu chỉ khoảng 1 tuần với giá gần 800 triệu đồng, chưa kịp kiếm tiền trả nợ ngân hàng thì tàu đã bị đánh chìm. Rồi đây không biết lấy gì mà trả nợ đây”, anh Dương nói trong nước mắt.

Chị Nguyễn Thị Thành và anh Nguyễn Minh Dương chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp bị thiên tai “cướp trắng” nhà cửa, tài sản trong đợt lũ lịch sử vừa qua. Tại nhiều địa phương, không ít hộ dân phải nuốt nước mắt nhìn lũ dữ cuốn trôi công sức lao động bấy lâu. Con đường mưu sinh, vươn lên thoát nghèo của họ bị chặn đứng. Tiêu chí hộ nghèo được đánh giá là một trong những tiêu chí “khó nhằn” nhất và sau lũ lại càng nan giải hơn. Trong đợt lũ vừa qua, xã Thuận Hóa (Tuyên Hóa) bị thiệt hại gần 3 tỷ đồng với hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng và gần như hầu hết hộ nghèo của xã đều nằm trong số này.

Ông Phùng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã Thuận Hoá cho biết: “Cả xã có 41,5% hộ nghèo. Tỷ lệ thoát nghèo hàng năm là 4-5%. Tuy nhiên, sau hai trận lũ vừa rồi toàn xã có khoảng hơn 10 hộ bị tái nghèo và không ít hộ khác bị “rớt” xuống cận nghèo. Điều này đang đặt ra không ít thách thức cho chính quyền địa phương khi cố gắng giảm tiêu chí hộ nghèo theo đúng chuẩn NTM”.

Tương tự, xã Tân Hóa (Minh Hóa) bị thiệt hại nặng nề sau thiên tai, ước tính khoảng 9 tỷ đồng. Hơn 44,5 ha hoa màu của xã bị hư hại; đàn gia súc, gia cầm hơn 1.230 con bị chết khiến cuộc sống của người dân lâm vào cảnh khó khăn, túng thiếu. Sau lũ, có ít nhất 7%  hộ cận nghèo của địa phương sẽ bị tái nghèo và nhiều hộ khác đang đối mặt với nguy cơ lùi xuống hộ cận nghèo. Đa số các hộ này đều bị thiệt hại chuồng trại, hoa màu, gia súc, gia cầm. Nhiều hộ chỉ vừa mới thoát nghèo chưa được bao lâu thì sau thiên tai lại nhanh chóng đứng vào đội ngũ hộ nghèo.

Bị lũ dữ đánh sập, cuốn trôi nhà cửa khiến cuộc sống của nhiều hộ dân vô cùng khó khăn.
Bị lũ dữ đánh sập, cuốn trôi nhà cửa khiến cuộc sống của nhiều hộ dân vô cùng khó khăn.

Hộ của anh Trương Xuân Trổi ở thôn 1 là một trường hợp điển hình. Những năm trước gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn của địa phương. Không có nghề phụ gì ngoài làm ruộng lại phải nuôi 9 “miệng ăn” nên phải rất chật vật vợ chồng anh mới có thể thoát nghèo. Thế nhưng chưa được bao lâu thì nay nguy cơ tái nghèo lại đang hiện hữu trước mắt gia đình anh. Tất cả chỉ vì thiên tai.

“Khi lũ đến, chúng tôi chỉ kịp “bỏ của chạy lấy người”, trong nhà có thứ gì nếu không bị lũ cuốn trôi thì cũng bị hư hỏng cả. Tiếc nhất là con trâu. Tích cóp mãi chúng tôi mới mua được rứa mà lũ lụt cũng không tha. Cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng vất vả, thiếu thốn hơn”, anh Trỗi tặc lưỡi.

Rõ ràng, thiên tai đi qua đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho người dân vùng lũ Quảng Bình. Theo thống kê, trong đợt lũ vừa qua, toàn tỉnh có 24 nhà bị sập, 51 nhà bị lũ quét, 77 nhà bị tốc mái; hơn 1.120 ha hoa màu bị thiệt hại; 3.090 tấn lương thực bị hư hỏng; 385.000 gia súc, gia cầm chết, 456 ha ao hồ bị ngập và vỡ bờ bao, cùng hơn 1.147 ha diện tích nuôi trồng bị thiệt hại...

Với những tổn thất nặng nề ấy, công tác giảm nghèo của nhiều địa phương trở nên vô cùng gian nan. Tiêu chí hộ nghèo nói riêng và lộ trình xây dựng NTM nói chung vì thế rất khó có thể cán đích đúng dự kiến.

Tâm An

Bài 2: Gập ghềnh đích đến