.

Vươn tới mục tiêu hiện đại hóa nghề biển

Thứ Sáu, 07/10/2016, 11:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, việc ứng dụng các thiết bị hiện đại cho tàu khai thác xa bờ là rất cần thiết, bởi nó vừa bảo đảm an toàn kỹ thuật hàng hải, vừa trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho ngư dân trong sản xuất. Cùng với đó, các nghề truyền thống khai thác hải sản gần bờ sau sự cố môi trường biển đang thực sự nan giải, vì vậy việc chuyển đổi các nghề đánh bắt mới phù hợp để khai thác xa bờ là rất cần thiết nhằm tăng thu nhập cho bà con ngư dân. Tuy nhiên, việc ứng dụng và nhân rộng các mô hình này vẫn còn không ít trở ngại bởi đa số ngư dân đang đối mặt với nhiều khó khăn…

Tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật... 

Để nâng cao hiệu quả nghề khai thác xa bờ, trong thời gian qua ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh hỗ trợ ngư dân trong tỉnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác và bảo quản thủy sản. Nổi bật là ứng dụng thiết bị máy dò cá trên tàu đánh bắt xa bờ.

Ảnh: M.Q
Ảnh: M.Q

Năm 2007 được đánh dấu là điểm khởi đầu của các mô hình lắp máy dò ngang trên tàu khai thác hải sản xa bờ. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư (KN-KN) đã triển khai mô hình lắp máy dò ngang Sonar cho tàu cá của ngư dân Nguyễn Văn Phong, ở Bảo Ninh (Đồng Hới). Đây là một thiết bị định vị mục tiêu dưới nước bằng sóng siêu âm, phát hiện cá không chỉ dưới đáy tàu mà còn ở tất cả các hướng, các góc xung quanh tàu với bán kính trên 500m.

Từ đó, giúp thuyền trưởng theo dõi hướng đi, tốc độ di chuyển của đàn cá, chọn thời điểm thả lưới thích hợp và tránh được các sự cố về lưới. Qua thực tế, tàu có máy dò ngang đánh bắt khá thành công nên bà con ngư dân các địa phương trong tỉnh đã bắt đầu mạnh dạn đầu tư mua sắm loại máy này. Đặc biệt, nhiều ngư dân đã đầu tư các thế hệ máy hiện đại hơn như máy dò ngang 360 độ để đánh bắt.

Ông Nguyễn Thanh Đôn, Chủ tịch UBND phường Quảng Phúc (Ba Đồn) đánh giá cao hiệu quả khi tàu áp dụng máy máy dò ngang 360 độ trong khai thác xa bờ. Hiện toàn phường Quảng Phúc có 15 tàu đóng theo Nghị định 67 thì có 13 chủ tàu theo nghề lưới vây đã đầu tư trang bị máy dò 360 độ cho tàu như: anh Đinh Văn Tuân, Nguyễn Tân Sơn, Nguyễn Văn Tuất, Nguyễn Lý Bằng... Qua thời gian đưa máy vào khai thác sản xuất cho thấy, máy đã phát huy hiệu quả rất cao, sản lượng đánh bắt đã tăng gấp 1,5 - 2 lần so với tàu không lắp máy.

Bên cạnh đó, mô hình hầm bảo quản sản phẩm cũng được cải tiến theo thời gian, từ hầm bảo quản thủy sản bằng chất liệu xốp thông thường, thay thế bằng vật liệu Composite chống thấm và cách nhiệt bọc bên ngoài, thì đến nay công nghệ bảo quản đã được nâng cấp làm bằng vật liệu PU foam.

Đây là hầm bảo quản theo công nghệ tiên tiến với vật liệu bọt xốp thổi polyurethane (PU) kết hợp với lót hầm tàu cá bằng inox thay cho hầm gỗ. Hầm gồm lớp cách nhiệt dưới dạng bọt xốp PU và một lớp lót bằng inox. Bọt xốp PU khi phun vào sẽ bám chặt vào vách ngăn và mặt trong của vỏ tàu, không cho thấm nước, giữ lạnh rất tốt nên làm cho hầm cá kín nước và vỏ tàu khô ráo, giúp kéo dài tuổi thọ của vỏ tàu. Điều đặc biệt là hầm sử dụng vật liệu PU foam thì cá bảo quản trên 20 ngày vẫn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Sau khi đưa cá vào bờ, lượng đá trong hầm vẫn còn lại trên 50%.

Lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá theo dự án Movimar.
Lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá theo dự án Movimar.

Theo ông Lê Văn Lợi, Chi Cục trưởng Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hiện nay, cùng với việc đầu tư nâng cấp và đóng mới tàu có công suất lớn để vươn khơi, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới đang được ngư dân trong tỉnh ứng dụng rộng rãi như: máy dò ngang giúp ngư dân tăng sản lượng đánh bắt tăng cao; sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện, tiết kiệm nhiên liệu dùng thắp sáng trên tàu cá; thiết bị giám sát tàu cá theo dự án Movimar; hầm bảo quản sản phầm bằng công nghệ PU foams giúp kéo dài thời gian bảo quản; lắp đặt máy rada hàng hải giúp thuyền trưởng quan sát tốt các chướng ngại vật trên biển trong mọi điều kiện thời tiết; trang bị máy liên lạc tầm xa có tích hợp với định vị vệ tinh GPS giúp ngư dân chủ động liên hệ với các tàu đang đánh bắt trên biển cũng như với đất liền...

Và chuyển đổi các nghề đánh bắt mới

Cùng với việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thời gian qua, Chi Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Trung tâm KN-KN cũng đã thực hiện chuyển giao các công nghệ khai thác hải sản tiên tiến, năng suất đánh bắt cao cho ngư dân ven biển. Theo đó, đã có nhiều mô hình chuyển đổi cho ngư dân và đem lại hiệu quả kinh tế cao, đáng kể như: Nghề lưới rê cá dưa, nghề lưới rê hỗn hợp, nghề lưới rê thu-ngừ, nghề lưới rê xù, lưới vây rút chì, nghề lưới rê 3 lớp cải tiến, lưới bùng nhùng...

Là một trong nhiều ngư dân áp dụng nghề đánh bắt mới, ngư dân Nguyễn Thành Ngọc, xã Bảo Ninh (Đồng Hới) có tàu công suất trên 400CV phục vụ cho nghề lưới vây ở ngư trường khơi xa đã phấn khởi cho hay, khai thác thủy sản bằng lưới vây rút chì phù hợp đối với những tàu cá muốn cơ cấu lại nghề. Bởi đây là nghề vừa thu hút được nhiều lao động, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời khai thác được tiềm năng nguồn lợi của vùng biển xa bờ.

Ông Trần Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm KC- KN tỉnh cho biết, việc chuyển giao công nghệ, thiết bị hiện đại và các nghề đánh bắt mới cho tàu khai thác xa bờ sẽ góp phần đắc lực phát triển kinh tế biển, giúp ngư dân chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản ven bờ, tạo sinh kế, cải thiện đời sống và bảo vệ môi trường.

Vì vậy, từ năm 2014 đến nay, bằng nguồn vốn ngân sách của tỉnh và nguồn vốn của Khuyến nông quốc gia, Trung tâm đã tiếp tục thực hiện hỗ trợ nhân rộng 4 mô hình khai thác thuỷ sản xa bờ cho 17 tàu cá với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng. Cụ thể, đã hỗ trợ 9 tàu sản xuất nghề lưới rê mực nang với kinh phí 550 triệu đồng; 3 tàu nghề lưới vây rút chì với kinh phí 300 triệu đồng; 3 tàu làm nghề lưới rê thu-ngừ với kinh phí 200 triệu đồng; và 2 tàu ứng dụng máy dò ngang Koden KDS 6000BB góc quét 200, kinh phí 250 triệu.

Qua trao đổi với một số ngư dân ở các địa phương trong tỉnh, bà con cho rằng, việc tiếp cận được với các công nghệ, các thiết bị viễn thông hiện đại cùng với chuyển đổi ngành nghề phù hợp trong khai thác hải sản xa bờ đã thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân yên tâm bám biển làm giàu.

Ngư dân cần sự “tiếp sức”

Mô hình hầm bảo quản thủy sản bằng vật liệu Composite  chống thấm và cách nhiệt bọc bên ngoài.
Mô hình hầm bảo quản thủy sản bằng vật liệu Composite chống thấm và cách nhiệt bọc bên ngoài.

Hiệu quả thiết thực từ các mô hình ứng dụng thiết bị hiện đại và các mô hình đánh bắt mới đã trở thành động lực giúp ngư dân vươn khơi khai thác hải sản xa bờ. Theo thống kê sơ bộ của Chi Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong 2 năm trở lại đây, toàn tỉnh có khoảng trên 100 tàu lắp đặt máy dò ngang thế hệ mới và đầu tư hầm bảo quản được phun phủ PU foams (riêng máy dò đứng thì hầu hết tàu khai thác xa bờ trong tỉnh đều trang bị).                    

Ông Hồ Quang Hường, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) cho biết, xu hướng hiện nay ngư dân ngày càng đầu tư tàu có công suất lớn, ứng dụng thiết bị kỹ thuật và nghề đánh bắt mới để vươn khơi khai thác xa bờ có hiệu quả. Nhất là đối với các tàu khai thác xa bờ bằng nghề vây, nếu không có máy dò ngang sẽ khó mang lại hiệu quả cao. Nhưng thực tế đa số chủ tàu đều phải vay vốn để đóng tàu, mua sắm ngư cụ và sản xuất rồi trả nợ dần. Khi hết nợ thì tàu thuyền, ngư cụ cũng hết khấu hao và phải đầu tư mới.

Bởi vậy, thực trạng chung của ngư dân là thiếu vốn đầu tư nên khó có điều kiện để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Ví như máy dò cá 360 độ hiệu quả thì đã thấy rõ, nhưng giá thành khá cao, trên 1-1,2 tỷ đồng nên không phải ngư dân nào cũng có điều kiện đầu tư lắp đặt cho tàu cá.

Việc chuyển đổi nghề đánh bắt mới đối với ngư dân cũng rất nan giải bởi kinh phí đầu tư ngư lưới cụ lớn nên số lượng bà con ngư dân mạnh dạn chuyển đổi chưa nhiều. “Chỉ riêng kinh phí đầu tư nghề lưới rê thì ngư lưới cụ cho một tàu là khoảng 300-500 triệu đồng, hay lưới bùng nhùng thì phải cần đến 4-5 tỷ đồng, chưa kể tàu và dụng cụ đánh bắt phải đồng bộ thống nhất các thông số kỹ thuật”, ngư dân Phạm Xuân Dục, ở xã Cảnh Dương bộc bạch.

Hỗ trợ khuyến ngư là đòn bẩy kích thích thích ngư dân từng bước hiện đại hóa nghề cá, để nâng cao sản lượng và nâng cao hiệu quả đánh bắt. Đồng thời, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và chuyển đổi các nghề đánh bắt mới là một trong những giải pháp quan trọng để ngư dân hạn chế rủi ro trên biển, góp phần thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nghề thủy sản.

Do vậy, ngư dân rất cần sự “tiếp sức” về nguồn vốn hỗ trợ từ phía Nhà nước thông qua các chính sách ưu đãi, khuyến khích để họ có cơ hội thực hiện các mô hình đánh bắt mới cũng như trang bị những công nghệ tiên tiến, nhằm phát triển kinh tế biển và góp phần quan trọng vào việc bảo vệ an ninh, chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.

N.L