.

Nông dân Quảng Trạch thi đua phát triển kinh tế

Thứ Tư, 05/10/2016, 10:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh. Qua đó, từng bước hình thành hộ, gia trại, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững".

Nhận thấy tiềm năng lợi thế từ vùng cát trắng, những năm trở lại đây, bà con nông dân xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch đã mạnh dạn đầu tư vốn vào trồng các loại cây hoa màu, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Điển hình có gia đình anh Trần Văn Xô, thôn Tú Loan 3 đã mạnh dạn đầu tư vốn trồng 7 sào hoa thiên lý và chăn nuôi vịt. Anh Xô cho biết, qua thời gian tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt từ các trang trại ở các tỉnh bạn, anh nhận thấy cây hoa thiên lý dễ trồng và cho doanh thu khá ổn định.

Để giữ được cho cây sinh trưởng và phát triển tốt, anh Xô đào hố chôn cột bê tông, mỗi cột anh trồng một cây và lắp hệ thống nước tưới ngầm dưới mỗi gốc. Với cách làm này, cây hoa thiên lý lúc nào cũng phát triển tốt. Mỗi năm, bắt đầu từ cuối tháng 2 cho đến tháng 10 là thời gian thu hoạch sản phẩm. Bình quân cứ mỗi ngày anh hái được khoảng từ 30 đến 50 kg hoa, bán sĩ với giá dao động từ 30 đến 60 nghìn đồng/kg.

Không dừng lại ở đó, để giúp vườn hoa sạch cỏ và tránh bị rệp tấn công, anh đã đầu tư xây bể chứa nước và mua 700 con vịt về nuôi dưới dàn hoa thiên lý, với cách làm này, anh vừa tận dụng nguồn thức ăn cho vịt, vừa tận dụng được nguồn phân để bón cho cây trồng. Với 700 con vịt, bình quân mỗi ngày anh thu được trên 600 quả trứng. Từ mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi độc đáo này, mỗi năm, đã mang lại nguồn thu cho gia đình anh khoảng 350 triệu đồng.

Mô hình nuôi cá, vịt của chị Phạm Thị Thu Thủy, thôn Tú Loan 1, xã Quảng Hưng mang lại thu nhập gần 300 triệu đồng mỗi năm.
Mô hình nuôi cá, vịt của chị Phạm Thị Thu Thủy, thôn Tú Loan 1, xã Quảng Hưng mang lại thu nhập gần 300 triệu đồng mỗi năm.

Là một địa phương thuần nông, đời sống người dân chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi. Cũng như hộ gia đình anh Xô, những năm trở lại đây, được sự hỗ trợ và tạo điều kiện của chính quyền các cấp huyện Quảng Trạch, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Quảng Hưng đã mạnh dạn đầu tư vốn để mở rộng trang trại, gia trại chăn nuôi, trồng trọt, như: mô hình chăn nuôi lợn, vịt, cá của anh Võ Văn Dương, mô hình nuôi bò đàn thương phẩm của anh Nguyễn Văn Xá; mô hình nuôi đà điểu của chị Phạm Thị Liên. Các mô hình này đã đem lại doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng, tạo công ăn việc làm, nâng cao mức sống.

Không riêng xã Quảng Hưng, mà các địa phương trên địa bàn huyện Quảng Trạch luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện giúp người dân phát triển kinh tế. Nhiều hộ dân đã biết đổi mới nếp nghĩ, cách làm, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản và trồng các loại hoa màu đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nhờ vậy mà nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã xóa được đói, giảm được nghèo, tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng. Đặc biệt, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh đã đem lại hiệu quả cao, sản xuất ra nhiều lượng của cải, hàng hóa đa dạng cho thị trường, góp phần, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương.

Đến nay, toàn huyện  Quảng Trạch có 6.696 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, cấp Trung ương có 79 hộ, cấp tỉnh có 330 hộ, cấp huyện có 787 hộ, cấp xã có 5.500 hộ. Để đạt được kết quả trên, huyện Quảng Trạch đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực như: Kinh tế tập thể, kinh tế trang trại, gia trại, hộ gia đình, gắn với hỗ trợ vốn, vật tư, cây con giống khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các mô hình kinh tế trên địa bàn huyện Quảng Trạch hiện vẫn đang mang tính nhỏ lẻ, chủ yếu tập trung sản xuất gia trại. Vì vậy, để động viên bà con nông dân phát triển kinh tế một cách bền vững, ngoài việc tạo điều kiện được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình, dự án và nguồn vốn vay từ các ngân hàng thì các cấp, các ngành cần quan tâm, khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Mặt khác, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác.

P.V