.

Quảng Ninh: Hiệu quả từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Thứ Năm, 06/10/2016, 08:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) được Hội Nông dân huyện Quảng Ninh chú trọng triển khai sâu rộng. Từ phong trào này, nhiều hộ nông dân đã đổi mới tư duy làm kinh tế, tích cực nghiên cứu, ứng dụng KHKT vào sản xuất, chăn nuôi; vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Ông Lê Ngọc Huân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Ninh cho biết: Xác định tầm quan trọng của phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, Hội Nông dân huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động nông dân tham gia học tập đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân. Từ đó, đã phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất của hội viên nông dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao.

Để thúc đẩy phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, hàng năm, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) cho nông dân, tham quan học tập và xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, động viên hội viên nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất, đầu tư có trọng điểm, phù hợp với thực tế của hộ gia đình. Từ năm 2012 đến nay, đã tổ chức 81 lớp dạy nghề ngắn hạn cho nông dân với 2.820 hội viên tham gia; tập huấn chuyển giao KHKT cho hơn 23 nghìn lượt người tham gia...

Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện còn làm tốt vai trò cầu nối giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với hội viên, nông dân địa phương, tạo điều kiện để bà con tiếp cận được nguồn vốn vay đầu tư phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi. Cùng với các nguồn vốn của ngân hàng, các cấp hội đã tích cực huy động, phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Đến nay, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân huyện 2,989 tỷ đồng và Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương Hội và Tỉnh hội hơn 1,4 tỷ đồng đã cho 826 lượt hộ nông dân vay đầu tư phát triển sản xuất làm giàu và thoát nghèo bền vững. Hội Nông dân huyện cũng đã tín chấp hơn 108 tỷ đồng cho 6.149 lượt hộ vay vốn. Từ đồng vốn vay đã giúp cho nhiều hộ nghèo dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển hướng làm ăn, phấn đấu vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Thông qua phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân các địa phương đã tích cực thực hiện “dồn điền đổi thửa”, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, thay đổi cơ cấu giống, ứng dụng KHKT vào thâm canh tăng năng suất, từng bước hình thành vùng sản xuất lúa thâm canh, vùng sản xuất rau màu tập trung, chuyên canh, nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Kết quả, hiện nay trên địa bàn huyện có 4.938 ha lúa thâm canh, năng suất lúa đạt từ 65-70 tạ/ha, góp phần bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn.

Mô hình chăn nuôi lợn và gà của hội viên Trần Thị Hiền ở thôn Trường Dục (Xã Hiền Ninh).
Mô hình chăn nuôi lợn và gà của hội viên Trần Thị Hiền ở thôn Trường Dục (Xã Hiền Ninh).

Điển hình thâm canh lúa có 350 lượt hộ thu từ 20 – 40 tấn lúa/năm, như anh Trần Văn Hoan, chị Phan Thị Minh, chị Bùi Thị Hợp (Vạn Ninh), anh Nguyễn Đại Ơn, anh Nguyễn Văn Bình (An Ninh)... Nông dân nhiều xã đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa năng suất thấp, đất lầy thụt sang trồng màu có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là mô hình chuyển đổi từ lúa sang trồng dưa hấu (36ha), thu lãi 5-7 lần so với trồng lúa như ở Hàm Ninh, Xuân Ninh, Hiền Ninh, mô hình chuyển đổi đất lầy thụt của tổ hợp tác ở Võ Ninh sang trồng rau và nuôi trồng thuỷ sản mang lại giá trị kinh tế cao.

Toàn huyện có 24 trang trại và trên 500 gia trại, trong đó có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Tiêu biểu: Trang trại tổng hợp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm của anh Võ Đại Nghĩa ở Hải Ninh, doanh thu hàng năm đạt từ 4,5 - 5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động có thu nhập 4.000.000 đồng/tháng.

Trang trại chăn nuôi lợn của anh Phạm Văn Tam (Võ Ninh), chị Nguyễn Thị Nhị (Xuân Ninh),  anh Đỗ Văn Tùng (TT Quán Hàu),... hàng năm thu lãi từ 200 – 400 triệu đồng. Mô hình nuôi hươu sao lấy nhung của anh Nguyễn Viết Nghĩa (Duy Ninh) thu nhập hàng năm từ 150 – 200 triệu đồng.

Anh Nguyễn Duy Hữu (An Ninh), Võ Văn Hùng (Lương Ninh) và nhiều hộ ở An Ninh, Vạn Ninh nuôi từ 1.000 – 2.000 con vịt thịt thu lãi hàng năm trên 50 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Xuân (Hải Ninh), đầu tư cơ sở HTX chế biến hải sản 3 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 10 - 12 lao động/năm. Câu lạc bộ nuôi trồng thủy sản Võ Ninh có nhiều hộ thu lãi trên 100 triệu đồng/năm; mô hình ương và cung ứng cá giống cho nông dân như anh Nguyễn Tam Hòa (Gia Ninh)...

Đặc biệt phong trào đã góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Hội Nông dân huyện đã vận động nông dân phát huy nội lực, đóng góp công sức, tiền của, hiến đất vườn, đất ở để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất, các chương trình kiên cố hóa kênh mương, cứng hóa giao thông nông thôn, công trình phúc lợi.

Đến nay, toàn huyện đã có 3 xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới (Lương Ninh, Vĩnh Ninh, Hàm Ninh). Phong trào cũng góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa. Qua bình xét hàng năm đến cuối năm 2015 có 10.500 hộ nông dân đạt gia đình văn hóa; 69 thôn, bản, tiểu khu đạt được danh hiệu làng văn hóa, trong đó có 19 thôn, bản, tiểu khu đạt văn hóa 3 năm liên tục.

Kết quả qua 5 năm (2012-2016) thực hiện phong trào, đến nay toàn huyện có 9.381 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp (trong đó cấp trung ương 25 hộ, cấp tỉnh 230 hộ, cấp huyện 1.416 hộ, cấp cơ sở 7.710 hộ) so với hộ hội viên đạt 65%; giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 2.550 lao động có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định, ngoài ra còn huy động thêm hơn 700 lao động theo thời vụ, tháo gỡ khó khăn cho một số hộ nông dân.Từ đó đã góp phần giảm số hộ nghèo trong huyện mỗi năm 4-5%.

“Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp hội; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; phấn đấu đến năm 2020 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đạt 13.500.000 hộ, trong đó tỷ lệ bình quân hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương tăng thêm 5%, cấp tỉnh tăng 10% (tương đương 25 hộ), cấp huyện tăng 25%...

Bên cạnh đó, vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là đường giao thông nông thôn, kênh mương thuỷ lợi và các công trình phúc lợi xã hội. Qua đó, góp phần cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng NTM trên địa bàn”, ông Lê Ngọc Huân, cho biết thêm.

Hương Trà