.

Xây dựng nông thôn mới ở TP. Đồng Hới: Nợ… và trả nợ!

Thứ Ba, 04/10/2016, 08:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo kế hoạch, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tại thành phố Đồng Hới sẽ hoàn thành vào năm 2017. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, căn cứ vào đặc điểm tình hình từng địa phương và sự chung tay quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân, thành phố cán đích NTM năm 2015, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch đề ra. Ngoài những lợi ích thiết thực thì nhiều vấn đề hậu NTM, trong đó có nợ và trả nợ đang trở thành bài toán khó giải cho các địa phương.

Rút ngắn lộ trình xây dựng NTM

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở thành phố Đồng Hới triển khai tại 6 xã gồm: Quang Phú, Bảo Ninh, Đức Ninh, Thuận Đức, Nghĩa Ninh và Lộc Ninh. Trên cơ sở bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện qua 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (2011-2015) triển khai tại 5 xã: Quang Phú, Bảo Ninh, Đức Ninh, Thuận Đức, Lộc Ninh; giai đoạn 2 (2015-2020) phấn đấu hoàn thành xã còn lại là Nghĩa Ninh (dự kiến năm 2017).

Trong quá trình triển khai, bằng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống tổ chức chính trị- xã hội và nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn thành phố tạo ra được những bước đi nhanh, mạnh và vững chắc. Năm 2013, xã Quang Phú cán đích NTM đầu tiên của tỉnh. Cuối năm 2014, xã Bảo Ninh, Đức Ninh, Thuận Đức hoàn thành các tiêu chí NTM trước thời hạn 1 năm.

Các tuyến đường giao thông tại xã Quang Phú cơ bản được nhựa hóa và bê tông hóa từ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Các tuyến đường giao thông tại xã Quang Phú cơ bản được nhựa hóa và bê tông hóa từ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Cuối năm 2015, 2 xã còn lại là Nghĩa Ninh và Lộc Ninh cũng cơ bản hoàn thành Chương trình xây dựng NTM. Như vậy, thành phố Đồng Hới trở thành địa phương đầu tiên trong tỉnh cán đích NTM, sớm hơn 2 năm so với lộ trình. Chính phủ đã tặng cho thành phố cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2015.

Tổng kinh phí xây dựng NTM trên địa bàn thành phố đạt 230 tỷ đồng, trong đó vốn địa phương và người dân đóng góp 120 tỷ đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đầu tư hoàn thiện 54km đường giao thông liên thôn, xã; 9km đường nội đồng; 15km kênh mương kiên cố hóa và bê tông hóa, phục vụ đời sống và sản xuất nông nghiệp. Diện mạo nông nghiệp, nông thôn, đời sống nông dân các xã NTM trên địa bàn nhờ đó có sự khởi sắc rõ nét. Sản xuất ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.

Các cốt vật chất điện- đường- trường- trạm- chợ- nhà văn hóa... cơ bản được đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới. Từ trong xây dựng NTM, tinh thần đoàn kết, gắn bó của nhân dân thêm cố kết, người dân sẵn sàng hiến hàng nghìn mét vuông đất, cây cối, góp công, góp sức, vì mục tiêu đổi mới quê hương, đưa thành phố Đồng Hới phát triển lên một tầm cao mới.

Bài toán nợ... và trả nợ

Nợ xây dựng cơ bản trong NTM là thực trạng chung toàn tỉnh và của cả nước. Trở thành địa phương cán đích NTM sớm nhất, thành phố Đồng Hới cũng nằm trong tình trạng gánh nợ. Đến cuối tháng 1-2016, Đồng Hới nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình NTM là 33,438 tỷ đồng, trong đó xã Quang Phú 857 triệu đồng; Thuận Đức 6,297 tỷ đồng; Bảo Ninh 312 triệu đồng; Đức Ninh 5,899 tỷ đồng; Lộc Ninh 12,251 tỷ đồng và Nghĩa Ninh 7,822 tỷ đồng.

Xã Quang Phú hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2013. Sau 2 năm trả nợ đến cuối năm 2015 vẫn còn nợ đến 3,731 tỷ đồng và giảm xuống 857 triệu đồng đầu năm 2016. Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nếu không có sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra thì Quang Phú sẽ không còn nợ xây dựng cơ bản NTM. Từ đây đến cuối năm, dù điều kiện kinh tế- xã hội hết sức khó khăn, chúng tôi cũng quyết trả xong nợ NTM. Sang năm 2017, ngân sách phục hồi sẽ dành để đầu tư tái thiết, giữ vững các tiêu chí NTM”.

Bà Đặng Thị Hùng Vương, Chủ tịch UBND xã Đức Ninh chia sẻ: “Tất cả mọi nguồn lực chúng tôi tập trung cho NTM. Cứ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí theo phương châm làm trước trả sau. Đến nay, nợ NTM của xã còn lại khoảng 4 tỷ đồng. Đức Ninh quyết tâm xử lý dứt điểm nợ NTM trong nhiệm kỳ”.

Xã Lộc Ninh cùng với Nghĩa Ninh cán đích NTM năm 2015, so với các địa phương khác, Lộc Ninh có số nợ xây dựng cơ bản NTM khá “khủng”, trên 12 tỷ đồng, riêng các công trình thuộc Chương trình xây dựng NTM do xã làm chủ đầu tư nợ gần 7 tỷ đồng. Bí thư, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Cội phân trần: “Để các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thành đúng tiến độ, xã tự xoay xở vốn, công trình nào bố trí 35% tổng nguồn vốn thì khởi công xây dựng, phần còn lại, chủ đầu tư nợ doanh nghiệp, khoanh nợ lại đó trả dần”.

Dù nợ xây dựng cơ bản NTM nhiều nhưng thực tế cho thấy, NTM đã giúp cho bộ mặt nông thôn xã Lộc Ninh ngày càng khởi sắc.
 Các công trình NTM đã giúp cho bộ mặt nông thôn xã Lộc Ninh khởi sắc.

Cũng theo lời ông Nguyễn Văn Cội, trước đây trong quy định đấu giá đất phục vụ cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các địa phương NTM được giữ lại 70% số tiền đấu giá. Tuy nhiên hiện tại, theo quy định mới thì xã chỉ còn hưởng 35%. Đây chính là nguyên nhân cơ bản khiến Lộc Ninh khó khăn trong quá trình tìm nguồn trả nợ. “Nếu Lộc Ninh hoàn thành kế hoạch đấu giá đất sẽ thu về cho ngân sách xã khoảng 7 tỷ đồng, đủ trả nợ các công trình xây dựng cơ bản NTM do xã làm chủ đầu tư”, ông Cội chia sẻ.

Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Đình Thắng cho biết: Theo Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế huy động vốn xây dựng, HĐND tỉnh quy định tăng tỷ lệ vốn thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn các xã, sau đó để lại cho ngân sách xã ít nhất là 70% để thực hiện xây dựng NTM. Từ cơ chế thoáng đó, nên nhiều xã chưa đấu được giá đất vẫn cứ triển khai các công trình hạ tầng cơ sở, chờ sau khi bán đất thì trả. Bây giờ theo quy định mới, tỷ lệ trích lại ngân sách xã từ nguồn đấu giá đất, cho thuê đất còn 35%, càng khó khăn hơn cho các xã trả nợ NTM”.

Ông Hoàng Đình Thắng khẳng định: “Quyết tâm của Thành ủy, HĐND UBND thành phố và các địa phương đạt chuẩn NTM là sẽ bố trí nguồn vốn hài hòa, hợp lý, làm sao để hết nhiệm kỳ 5 năm là trả hết nợ. Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực bảo đảm giữ vững các tiêu chí NTM ổn định, bền vững”.

Thanh Long