.

Nông dân Minh Hóa thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

Thứ Ba, 11/10/2016, 09:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong 5 năm qua, cán bộ, hội viên nông dân huyện Minh Hóa đã tích cực hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Qua thực hiện phong trào, nông dân trên địa bàn đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (NDSXKDG) giai đoạn 2012 -2016, các cấp Hội Nông dân huyện Minh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng làm tốt công tác vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực hưởng ứng bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với thực tiễn địa phương. Công tác tuyên truyền đã được các cấp hội chú trọng, tập trung giới thiệu những mô hình điển hình, có tính chất nhân rộng.

Trong 5 năm qua, các cấp hội đã tổ chức được hàng nghìn buổi tuyên truyền cho hội viên, nông dân trong huyện về mục đích, ý nghĩa, nội dung của phong trào nông dân thi đua SXKDG, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Công tác tuyên tuyền, vận động đã làm chuyển biến nhận thức, ý thức, trách nhiệm của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân về phát triển kinh tế; khích lệ hội viên, nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện Minh Hóa tập trung kiểm tra, giám sát phong trào, hỗ trợ nông dân bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhờ đó, số hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG trên địa bàn tăng lên hàng năm. Trung bình mỗi năm, có 61% hộ nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu SXKDG các cấp, tăng 16%, số hộ đạt tiêu chuẩn tăng 15%.

Nhiều nông dân huyện Minh Hóa làm giàu từ chăn nuôi trâu, bò.
Nhiều nông dân huyện Minh Hóa làm giàu từ chăn nuôi trâu, bò.

Bình quân thu nhập của hộ nông dân SXKDG cấp Trung ương là 650 triệu đồng/năm, cấp tỉnh là 450 triệu đồng/năm; cấp huyện đạt 150 triệu đồng/năm; cấp cơ sở đạt 90 triệu đồng/năm. Năm 2012, số hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG toàn huyện có 624 hộ, trong đó cấp Trung ương có 2 hộ, cấp tỉnh 5 hộ, cấp huyện 95 hộ, cấp cơ sở có 522 hộ thì đến năm 2016, toàn huyện đã có 3.824 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG, tăng 3.200 hộ, tăng 83%.

Trong đó, cấp Trung ương có 5 hộ, cấp tỉnh 10 hộ, cấp huyện 136 hộ, cấp cơ sở có 3.673 hộ. Qua 5 năm thực hiện phong trào, Hội Nông dân huyện Minh Hóa đã được Hội Nông dân tỉnh tặng 3 bằng khen. Có 3 tập thể Hội Nông dân xã, thị trấn và 3 cá nhân cán bộ hội cơ sở được Trung ương Hội tặng bằng khen...

Đáng chú ý là, phong trào đã thu hút, động viên nông dân tự tin, từng bước đổi mới tư duy làm kinh tế, phát huy tinh thần lao động sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn để tiếp tục khai thác tiềm năng thế mạnh của từng địa bàn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tạo ra sản phẩm có giá trị, chất lượng và theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng với nhu cầu cuộc sống ngày càng cao của nhân dân, góp phần cải thiện đời sống nông dân.

Qua phong trào này, các cấp hội nông dân đã nhân rộng các mô hình điển hình để hội viên học tập làm theo, vận động hộ khá, giàu giúp đỡ hộ nghèo để cùng vươn lên phát triển kinh tế; mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích cực sử dụng giống mới đạt năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao vào sản xuất.

Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong SXKDG như: hộ bà Cao Thị Tiến, ở thị trấn Quy Đạt mở công ty kinh doanh tổng hợp, vật liệu xây dựng thu lãi ròng 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động; hộ ông Đinh Xuân Khách, ở xã Xuân Hóa có mô hình nuôi ong lấy mật cho thu lãi 200 triệu đồng/năm; hộ ông Đinh Sắc, ở xã Hồng Hóa với mô hình kinh tế tổng hợp và nghề mộc có lãi 120 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 9 lao động...

Trong 5 năm qua, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với các ban, ngành, đơn vị liên quan tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật bảo vệ rừng cho hội viên nông dân, vận động bà con tham gia tích cực các chương trình cảnh báo, phòng cháy, chữa cháy rừng. Qua đó, nông dân đã cùng với các lực lượng khác phát hiện, dập tắt kịp thời nhiều đám cháy xảy ra. Công tác trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng đã được hội viên nông dân thực hiện có hiệu quả.

Hiện huyện Minh Hóa có trên 141.270ha diện tích đất tự nhiên; trong đó, có trên 670ha rừng trồng tập trung, 475 ha rừng trồng phân tán, 2.700ha rừng được chăm sóc; sản lượng gỗ khai thác rừng trồng từ đầu năm 2015 đến nay đạt trên 27.000m3. Hầu hết các địa phương trong huyện đều trồng rừng kinh tế, nâng độ che phủ của rừng lên 78%, cao hơn mức bình quân của cả tỉnh.

Chương trình xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cũng được các cấp hội quan tâm đúng mức. Nhờ đó, nhiều hộ nông dân đã được vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế và giảm nghèo. Trong các năm qua, đã có 4.295 hộ nghèo được vay vốn với dư nợ trên 143 tỷ đồng, thành lập được 150 tổ vay vốn; có  20 lớp tập huấn, dạy nghề cho nông dân đã được tổ chức với sự tham gia của 1.160 lượt hội viên.

Sau khi được tập huấn, nhiều hội viên đã sống được bằng nghề đã học và vươn lên thoát nghèo. Phong trào cũng từng bước góp phần xây dựng nông thôn mới, củng cố tổ chức hội ngày càng vững mạnh, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc...

Những kết quả trên đã khẳng định, phong trào nông dân SXKDG ở huyện Minh Hóa đang tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu; tạo ra sức lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, trở thành một tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội nông thôn. Kết quả đó càng khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức Hội Nông dân các cấp trong giai đoạn hiện nay.

Xuân Vương