.

Mua bảo hiểm cho tàu cá lợi ích thấy rõ - Bài 2: Vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Thứ Sáu, 23/09/2016, 08:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực tế cho thấy, bên cạnh những chủ tàu sẵn sàng chi trả kinh phí cho việc mua bảo hiểm tàu cá, thì hiện nay vẫn còn nhiều chủ tàu đang “ngó lơ” bảo hiểm, mặc dù họ biết rõ lợi ích mang lại. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải quyết liệt vào cuộc để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Mặt khác, nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục bảo hiểm tàu cá.

>> Bài 1: Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"

Vì sao vướng mắc?

Qua trao đổi với nhiều chủ tàu ở các địa phương trong tỉnh cho thấy, việc chủ tàu thờ ơ với các loại bảo hiểm nghề cá không chỉ xảy ra ở một vài chủ tàu mà là thực trạng chung ở các huyện ven biển tồn tại đã nhiều năm nay. Nguyên nhân lớn nhất là ngư dân còn ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước chưa thực sự chủ động trong việc bảo đảm tài sản và tính mạng của thuyền viên cũng như của bản thân mình.

Minh chứng rõ nét là, trong tổng số 923/1.235 tàu khai thác xa bờ trong tỉnh mua bảo hiểm thân tàu thì số tàu tham gia bảo hiểm theo diện tự nguyện (tự chi trả 100% kinh phí) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn lại, hầu hết các chủ tàu tham gia bảo hiểm theo diện hỗ trợ của Nhà nước, hay diện tài sản (tàu) thế chấp các ngân hàng thương mại nên bắt buộc phải mua bảo hiểm.

Chủ tàu Nguyễn Văn Bình, ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) lý giải, lợi ích của bảo hiểm thì rõ rồi. Nếu tham gia bảo hiểm thuyền viên hay thân tàu thì tiền thanh toán bảo hiểm khi xảy ra tai nạn sẽ rất lớn. Tuy nhiên, các chủ tàu cá chưa tham gia bảo hiểm trước hết là kinh phí quá lớn, ngư dân khó “tự thân vận động” được. Hơn nữa, ngư dân thực sự e ngại thủ tục thanh toán bảo hiểm rườm rà.

Đáng nói là khi tàu bị hỏng hóc lúc đi khơi như: gãy chân vịt, hỏng máy do gió bão... chẳng bao giờ thấy nhân viên bảo hiểm tới kiểm tra giúp đỡ. Khi ngư dân báo với đại lý bảo hiểm thì họ bảo về kê khai hàng chục thứ chứng thực của biên phòng, người làm chứng, ảnh hiện trường... khiến chủ tàu cứ “ngơ ngác” chạy theo thủ tục.

Chưa kể, nhiều ý kiến của ngư dân cho rằng, khi mua bảo hiểm tàu cá thì dễ, nhưng để được chi trả bảo hiểm lại rất nhiêu khê. Ví dụ như việc tổ chức, đánh giá và thẩm định hỗ trợ cho chủ tàu và ngư dân khi có sự cố xảy ra còn chậm trể, kéo dài thời gian. Chính điều này đã khiến nhiều ngư dân ngán ngẫm.

Ngư dân mong muốn các công ty bảo hiểm đơn giản hóa thủ tục đền bù, giám định.
Ngư dân mong muốn các công ty bảo hiểm đơn giản hóa thủ tục đền bù, giám định.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Lê Văn Lợi, Chi cục trưởng Chi Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho rằng, đối với bảo hiểm tàu cá, cái khó nằm ở chỗ xác định hiện trường tai nạn. Tàu cá gặp nạn nằm giữa biển khơi nên không ai ra đó tìm nguyên nhân, xác định thời điểm tai nạn dẫn tới việc giám định nguyên nhân gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, việc chi trả các trường hợp tai nạn tàu cá kéo dài, thủ tục nhiêu khê... là điều khó tránh khỏi dễ làm nản lòng ngư dân. Mặt khác, thủ tục thanh toán bảo hiểm phức tạp và rắc rối trong khi trình độ hiểu biết, nhận thức của người đi biển thường đơn giản nên việc thanh toán được bảo hiểm để lấy tiền bồi thường còn gây nhiều phiền toái đối với ngư dân.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Minh Cành, Giám đốc Công ty Bảo Việt Quảng Bình, cho biết, đối với việc khai báo tai nạn của người đóng bảo hiểm, nhất là sự cố xảy ra ngoài khơi, việc xác định nguyên nhân tai nạn là rất khó bởi công ty bảo hiểm chủ yếu dựa vào lời khai của thuyền viên trên tàu và xác nhận của biên phòng hay chính quyền địa phương... nên đòi hỏi phải rõ ràng, đầy đủ. Bên cạnh đó, một số tàu cá gặp tai nạn được ngư dân sửa chữa tại các cơ sở sửa chữa nhỏ lẻ, không có hoá đơn tài chính phù hợp, dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết bồi thường.

“Các trường hợp tàu cá của ngư dân gặp nạn có hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì đơn vị giải quyết trong vòng 10 ngày và đã có rất nhiều trường hợp như vậy. Cụ thể, năm 2015, đơn vị đã giải quyết dứt điểm 117 vụ liên quan đến tàu cá với số tiền bồi thường gần 3,6 tỷ đồng và riêng 8 tháng đầu năm 2016 đã có 53 vụ liên quan đến tàu cá được giải quyết với số tiền trên 4,3 tỷ đồng”, ông Cành cho biết.

Ngư dân cần tự trang bị “áo phao”

Cũng như các loại bảo hiểm rủi ro khác, bảo hiểm tàu cá, thuyền viên là những loại bảo hiểm hết sức quan trọng đối với những ngư dân, góp phần giảm thiểu thiệt hại, giảm bớt chi phí mỗi khi xảy ra các sự cố trên biển. Vì vậy, việc thực hiện bảo hiểm nghề cá cho tất cả ngư dân và các chủ tàu thuyền là hết sức cần thiết.

Theo ông Lê Văn Lợi, Chi cục trưởng Chi cục khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nghề khai thác hải sản là một trong những nghề có nguy cơ rủi ro cao. Vậy nên, trước mắt để khuyến khích ngư dân bám biển, rất mong Nhà nước tiếp tục hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tàu cá, để thu hút ngư dân tham gia bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi ngư dân trước các rủi ro.

Cùng với đó, xác định bảo hiểm tàu cá có rủi ro lớn bởi giá trị tàu cá cao (từ 1 tỷ đến vài tỷ đồng, thậm chí có chiếc tàu có thể lên đến 10-20 tỷ đồng) và đặc thù đánh bắt xa bờ, bởi vậy, cơ quan chức năng đã ban hành tiêu chí tới các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm phải bảo đảm năng lực tài chính, có kinh nghiệm, có mạng lưới nhân viên phục vụ cho ngư dân khi có tổn thất. Mặt khác, để người dân thực sự an tâm và chấp nhận mua bảo hiểm thì đơn vị bán bảo hiểm cũng phải thật sòng phẳng, minh bạch và rõ ràng trong việc đóng tiền cũng như thanh toán.

Thời gian qua, tỷ lệ ngư dân tham gia mua bảo hiểm tàu cá và bảo hiểm thuyền viên đã tăng đáng kể so với những năm về trước. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Vì vậy, trong khi vẫn còn nhiều ngư dân chưa tự ý thức được tầm quan trọng của các loại bảo hiểm này thì các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân. Đồng thời, nên chăng cần quy định tất cả các loại tàu thuyền trên 90CV đều phải mua bảo hiểm thân, vỏ tàu và thuyền viên làm việc trên tàu đều phải mua bảo hiểm rủi ro.

Đặc biệt, hướng tới đối tượng phục vụ là những ngư dân nên các công ty bảo hiểm hoạt động trên lĩnh vực bảo hiểm nghề cá cũng cần phải có các chính sách hỗ trợ bằng tài chính, đơn giản hóa thủ tục đền bù, giám định để giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận loại hình bảo hiểm quan trọng này. Qua đó, góp phần giúp ngư dân yên tâm bám biển, vươn lên làm giàu bằng nghề cá và giữ gìn chủ quyền biển, đảo quê hương.

N.L