.

Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ Ba, 20/09/2016, 09:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình được đánh giá là địa phương giàu tài nguyên và có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Những năm qua, du lịch Quảng Bình đã có sự tăng trưởng nhanh chóng, định vị được vị trí trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, trở thành một trong những điểm đến yêu thích của du khách quốc tế. Tuy nhiên sự phát triển đó còn khiêm tốn, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế to lớn về tài nguyên du lịch mà Quảng Bình đang có. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI “đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” của tỉnh, vấn đề tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước là một trong những nhiệm vụ, giải pháp hết sức cấp thiết và đóng vai trò mang tính quyết định.

Khách du lịch đến Quảng Bình ngày càng đông.
Khách du lịch đến Quảng Bình ngày càng đông.

Nói về tài nguyên tự nhiên, Quảng Bình nổi tiếng với “trái tim du lịch” Phong Nha-Kẻ Bàng, vương quốc hang động của thế giới đã được UNESCO hai lần vinh danh là di sản thiên nhiên thế giới; hệ thống hang động giữa những dãy núi đá vôi hùng vĩ; đường bờ biển dài hơn 116km với nhiều bãi biển đẹp; hệ thống sông, suối với những vẻ đẹp mà ít nơi nào có được...

Về tài nguyên nhân văn, Quảng Bình được biết đến là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi giao thoa, hội tụ của nhiều nền văn hóa và hiện vẫn lưu giữ được các công trình kiến trúc độc đáo như: hệ thống Lũy Thầy, đền Thánh mẫu Liễu Hạnh... Các giá trị văn hóa đặc trưng như:  Ca Trù (di sản thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp), hò khoan Lệ Thủy, hò thuốc Minh Hóa...

Không chỉ vậy, Quảng Bình nằm ở vị trí chiến lược trên các trục giao thông quan trọng của quốc gia, trên hành lang kinh tế Đông Tây và kết nối với các tỉnh của Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.

Trong giai đoạn 2011-2015, du lịch Quảng Bình đã gặt hái nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định được vị thế là điểm đến nổi bật trong nước cũng như trên bản đồ du lịch thế giới. Du lịch đã và đang thực sự là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội. Từ 2011-2015, số lượng khách du lịch đến Quảng Bình đạt gần 9,2 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 37%/năm. Năm 2012, lần đầu tiên Quảng Bình đón vượt ngưỡng 1 triệu lượt khách.

Đặc biệt, năm 2014, du lịch Quảng bình đón trên 2,7 triệu lượt khách, tăng gấp đôi năm 2013 và năm 2015 đón gần 3 triệu lượt khách. Tổng doanh thu du lịch trong giai đoạn 2011 - 2015 đạt 9.840 tỷ, tăng trưởng bình quân 54%, đóng góp quan trọng để nâng tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 50,6% GRDP toàn tỉnh.

Để đạt được thành công đó, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt, trong thời gian qua, khi Quảng Bình chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, lượng khách du lịch sụt giảm nghiêm trọng kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế và an sinh xã hội.

Trong bối cảnh đó, sự triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp của các cơ quan quản lý nhà nước với các chương trình quảng bá, xúc tiến sâu rộng, chương trình kích cầu du lịch Quảng Bình năm 2016... đã góp phần quan trọng đưa khách du lịch trở lại với Quảng Bình, tạo nên điểm sáng trong bức tranh của ngành du lịch các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ. Trong 8 tháng đầu năm, du lịch Quảng Bình đón khoảng 1,8 triệu lượt khách, đạt 79,46% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 30.355 lượt khách, bằng 97% so với cùng kỳ năm 2015.   

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, để đưa du lịch Quảng Bình vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Bình đã và đang xây dựng kế hoạch, thực hiện đồng bộ nhóm nhiệm vụ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước với các giải pháp như: Thành lập Sở Du lịch (là dấu mốc quan trọng đối với ngành Du lịch tỉnh nhà.

Đây là cơ sở quan trọng để Quảng Bình chuyên môn hóa sâu hơn, chuyên nghiệp hơn trong công tác quản lý nhà nước, tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch); rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, sát đúng với thực tiễn, định hướng và xu thế phát triển của du lịch tỉnh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Hoạt động kết nối du lịch với các tỉnh được chú trọng tăng cường.
Hoạt động kết nối du lịch với các tỉnh được chú trọng tăng cường.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tập trung chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp liên ngành, thực hiện tốt Công văn số 342/BVHTTDL-TTr ngày 12/8/2016 về việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp ngành du lịch theo Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; tăng cường công tác hỗ trợ, tuyên truyền,  hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân tuân thủ các quy định pháp luật trong hoạt động du lịch; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, ưu đãi theo quy định hiện hành đối với doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.

Mặt khác, tiến hành rà soát, bổ sung các đối tượng, điều chỉnh các điều khoản hỗ trợ và ưu đãi phù hợp với điều kiện thực tế để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là các dự án tạo động lực bứt phá cho du lịch tỉnh. Tiếp tục phát huy vai trò của Ban chỉ đạo Phát triển du lịch, củng cố hoạt động của Hiệp hội du lịch với sự tham gia tích cực, rộng rãi của các doanh nghiệp du lịch nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phối hợp liên ngành. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển và hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch và quản lý hệ thống...

Thực hiện đồng bộ và hiệu quả những giải pháp trên là điều kiện cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, góp phần hoàn thành các mục tiêu đưa du lịch Quảng Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn 2016-2020.

Hà Việt Trinh
(43 Lê Lợi, Đồng Hới)