.

Hương Hóa nỗ lực phát triển kinh tế

Thứ Hai, 29/08/2016, 07:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Là địa phương nằm ở phía tây bắc của huyện Tuyên Hóa, diện tích chủ yếu là đồi núi, dân cư đa phần làm nông nghiệp nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, những năm gần đây, được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, người dân nơi đây đang nỗ lực để phát triển kinh tế, góp phần làm thay đổi bộ mặt quê hương.

Gia đình anh Trần Văn Lành  ở thôn Tân Đức 4-xã Hương Hóa trước đây làm rất nhiều nghề để kiếm sống nhưng kinh tế bấp bênh, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, năm 2012, vợ chồng anh bàn với nhau vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa 200 triệu đồng và vay thêm từ anh em, bạn bè để xây dựng trang trại tổng hợp với hệ thống chuồng trại nuôi lợn khép kín trên diện tích 150m2,  kinh phí đầu tư 370 triệu đồng. Ban đầu nuôi 3 lợn nái nhưng hiệu quả kinh tế không cao, anh đã đi Hà Nội mua thêm 12 con lợn giống và đăng ký tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi.

Đến nay, trang trại của anh Lành đã phát triển với quy mô lớn, hàng năm xuất bán lợn thịt 3 lứa, mỗi lứa từ 4,5 đến 4,8 tấn thịt. Ngoài bán lợn thịt, trang trại của gia đình còn xuất bán con giống cho bà con trong địa phương và các hộ chăn nuôi ở Hà Tĩnh.

Bên cạnh đó, tận dụng diện tích đất vườn đồi rộng lớn, anh chị còn nuôi ong và trồng rừng kinh tế. 30 đàn ong của gia đình anh hiện cho thu hoạch mỗi năm từ 300 đến 350 lít mật, thu về cho gia đình từ 30 đến 35 triệu đồng.

Ngoài ra, anh chị còn làm đại lý thức ăn chăn nuôi phục vụ bà con nhân dân trong thôn. Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Trần Văn Lành sau khi trừ chi phí cho tổng thu nhập từ 120 đến 150 triệu đồng/năm. Nhờ đó, 3 người con trai của anh chị được học hành đến nơi đến chốn.

Anh Lành tâm sự “Gia đình tôi trước đây làm đủ nghề để kiếm sống nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn. Được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa giúp đỡ về vốn, tôi đã mạnh dạn đầu tư trang trai tổng hợp. Đến nay mô hình đã cho thu nhập đáng kể. Cuộc sống cũng khá hơn trước rất nhiều, có điều kiện để cho các con ăn học đầy đủ”.

Chị Đinh Thị Hiền ở thôn Tân Đức 4 cũng là một hộ kinh doanh giỏi, tiêu biểu của xã Hương Hóa. Nhìn cơ ngơi của gia đình chị, không ai nghĩ nó chỉ được bắt đầu với đồng vốn 800 ngàn đồng. Với đức tính cần cù, chịu khó cùng quyết tâm dám nghĩ dám làm, người phụ nữ 34 tuổi này đã tạo nên một cơ ngơi khang trang bề thế. Cửa hàng dịch vụ tổng hợp của chị kinh doanh đa dạng mặt hàng như: thực phẩm, nước giải khát, hàng gia dụng... được bà con trong vùng đánh giá là bảo đảm chất lượng, uy tín, giá cả phải chăng.

Chị Hiền còn được Trường mầm non xã Hương Hóa tin tưởng chọn làm nơi cung cấp thực phẩm cho trường. Với nguồn thu nhập cao từ kinh doanh mang lại (khoảng 300 triệu đồng/năm), chị Hiền không những có điều kiện nuôi dạy tốt 2 đứa con của mình mà còn nhận nuôi thêm 5 đứa cháu ăn học.

Là xã miền núi với diện tích 105km2, chủ yếu là đồi núi, những năm trở lại đây, cấp ủy, chính quyền xã Hương Hóa luôn khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất. Tận dụng vùng đất đồi rộng lớn, nhiều hộ đã khai hoang mở đất để trồng rừng kinh tế, trồng cây ăn quả, nuôi ong lấy mật... Đây cũng là một trong những xã có sản lượng mật ong lớn nhất trong toàn huyện.

Toàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu, cho thu nhập ổn định như mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình anh Võ Văn Mạnh; mô hình trồng rừng của gia đình anh Hoàng Anh Ngọc, gia đình anh Trần Ngọc Chiến; mô hình chăn nuôi gà thả vườn của gia đình chị Nguyễn Thị Đào, chị Đinh Thị Nhớ... Nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống ngày một khấm khá hơn. Hiện tỷ lệ hộ nghèo trong toàn xã chiếm 19,1%, mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 18 triệu đồng/ người/ năm.

Trao đổi với chúng tôi, anh Cao Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Hương Hóa cho biết “Nhằm khuyến khích người dân phát triển kinh tế, chính quyền xã luôn tạo điều kiện cho bà con tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Ngoài ra, xã còn mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt thu hút hàng trăm hộ dân trên địa bàn tham gia. Bên cạnh đó, chính quyền xã còn phối hợp với huyện mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tư vấn xuất khẩu lao động.. Qua đó giúp người dân ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo”.

Hương Hóa hôm nay đang dần khoác lên mình màu áo mới, đời sống của nhân dân ngày càng được ổn định và nâng cao hơn. Theo lộ trình đã đề ra, xã đang phấn đấu hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Thương Huyền
(Đài TT-TH Tuyên Hóa)