.

Khi công nghiệp về với nông thôn - Kỳ 1: Sức bật cho những vùng quê

Thứ Sáu, 19/08/2016, 21:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Sự xuất hiện của các cụm công nghiệp (CCN) trong những năm gần đây ở tỉnh ta đã tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn. Song, theo đánh giá của những người làm công tác quản lý, đó chỉ mới là những kết quả bước đầu...

Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) là một xã ven biển, nguồn thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào nghề khai thác, đánh bắt hải sản và các khâu dịch vụ-thương mại kèm theo. Thế nhưng từ khi cụm công nghiệp Cảnh Dương (tiền thân là cụm làng nghề Cảnh Dương) ra đời năm 2003, đã mở ra cơ hội cho người dân nơi đây đầu tư, mở mang và phát triển các ngành nghề sản xuất, nâng cao thu nhập.

Nghề sản xuất hương tạo việc làm cho nhiều lao động tại Làng nghề Cảnh Dương. Ảnh: Nguyễn Tiến Nên
Nghề sản xuất hương tạo việc làm cho nhiều lao động tại Làng nghề Cảnh Dương. Ảnh: Nguyễn Tiến Nên

Hàng chục năm nay, cơ sở làm hương của anh Nguyễn Thế Hùng (ở xã Cảnh Dương) đã có uy tín, thương hiệu ở khắp trong và ngoài tỉnh. Thế nhưng, do sản xuất tại nhà, mặt bằng nhỏ hẹp, chật chội, trong khi công đoạn phơi hương lại cần mặt bằng rộng rãi, đón nắng nhiều, nên muốn mở rộng quy mô sản xuất cơ sở của anh gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi lần phơi hương, anh phải mượn nhờ sân bãi của các gia đình trong xóm rất bất tiện.

Thêm vào đó, nhà anh lại ở trong ngõ nhỏ, nên việc vận chuyển cũng gặp nhiều cách trở. Khi cụm làng nghề Cảnh Dương ra đời (hiện là CCN), nắm bắt được cơ hội để thoát khỏi "chiếc áo" chật chội về mặt bằng, anh quyết định đăng ký vào sản xuất tại đây.

Anh Hùng phấn khởi chia sẻ, với mặt bằng gần 2.000m², điều kiện giao thông thuận lợi đã giúp cho anh cùng lúc giải quyết hầu hết những khó khăn mà anh gặp phải trước đó. Từ đó, anh tiếp tục đầu tư máy móc thiết bị làm hương, máy trộn bột, máy nghiền bột hiện đại (khoảng 500 triệu đồng), thay thế hầu hết các công đoạn làm thủ công trước đây, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện, cơ sở của anh giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 30 đến 40 lao động tại địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

Cùng tâm trạng phấn khởi như anh Hùng, ông Phạm Thanh Vân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ cơ khí tàu thuyền Cảnh Dương cho biết, do mặt bằng và bến bãi nhỏ hẹp, từ trước đến nay, cơ sở 1 của Công ty (hiện đang ở nhà ông), chủ yếu chỉ làm dịch vụ sửa chữa tàu thuyền. Các tàu đóng mới chỉ là các tàu công suất nhỏ từ 90CV trở xuống.

Từ khi cơ sở 2 ở CCN vào hoạt động (năm 2015), Công ty  có dịp mở rộng sản xuất các phụ kiện khác phục vụ cho việc đóng tàu như dịch vụ cơ khí đóng tàu... Tin vui đến với ông là từ khi có thêm cơ sở mới rộng rãi, Công ty là một trong số ít cơ sở đóng tàu của tỉnh đủ điều kiện, tiêu chuẩn đóng những con tàu có công suất lớn theo Nghị định 67.

CCN Cảnh Dương là một trong số ít CCN của tỉnh ta có tỷ lệ lấp đầy 100% diện tích. Hiện, ở đây có 54 cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ gia đình trên địa bàn vào sản xuất, kinh doanh, đã tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho gần 200 lao động của địa phương, với thu nhập khá ổn định.

Từ khi CCN này ra đời, chẳng những tạo điều kiện cho các ngành nghề truyền thống mở rộng quy mô sản xuất như: đóng tàu thuyền, chế biến nước mắm, sản xuất vật liệu xây dựng; mà còn là cơ hội "vàng" cho các ngành nghề mới như: nuôi trồng thủy sản... phát triển, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình công nghiệp hóa nông thôn, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân ở đây.

Tuy nhiên, dù đã có những thay đổi cơ bản, song theo ông Cao Quý Hà, Phó Chủ tịch UBND xã, tốc độ phát triển còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, bởi hầu hết quy mô các cơ sở sản xuất ở đây còn nhỏ, chủ yếu là sản xuất theo hộ gia đình. Nếu xét về tính chất, CCN Cảnh Dương vẫn chưa thoát khỏi khái niệm "cụm làng nghề" cũ trước đây.

Có thể đây là giai đoạn đầu của việc hình thành và phát triển CCN, tuy nhiên về lâu dài để biến CCN này trở thành động lực thực sự cho sự phát triển kinh tế của địa phương, cần nhiều yếu tố khác, cả khách quan lẫn chủ quan. Trong đó, có năng lực thực sự của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và tầm nhìn, sự điều hành quản lý của Ban Quản lý CCN.

Các CCN ra đời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng quy mô và đổi mới công nghệ.
Các CCN ra đời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng quy mô và đổi mới công nghệ.

Là một địa phương có truyền thống và thế mạnh về sản xuất tiểu thủ công nghiệp và nhiều ngành nghề dịch vụ khác, những năm gần đây, tốc độ phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn phường Phú Hải (TP.Đồng Hới) phát triển rất nhanh. Sự ra đời của CCN Phú Hải trên địa bàn đã góp phần mở ra cơ hội cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nâng cao năng lực và quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Hơn thế, nó là tiền đề để các cơ sở này đổi mới công nghệ, giải quyết việc làm cho người lao động, cũng như khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Từ khi CCN Phú Hải đi vào hoạt động đã giải quyết không ít "bài toán" khó cho chính quyền địa phương về ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy, nổ. Tuy mới thành lập, thế nhưng CCN này đã được đánh giá là một trong những CCN hoạt động có hiệu quả nhất trên địa bàn TP.Đồng Hới. Hiện tại CCN Phú Hải đã thu hút được 12/18 đơn vị doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vào hoạt động.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Hào, Chủ tịch UBND phường Phú Hải, thì nhìn chung các sản phẩm vẫn chưa có thương hiệu trên thị trường. Mà đó là một trong những điều kiện tiên quyết để quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Đóa, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương đánh giá, việc phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh là phù hợp với xu thế công nghiệp hóa hiện nay. Đặc biệt, sự ra đời của các CCN sẽ là động lực phát triển, tạo nên "sức bật" mạnh mẽ cho việc chuyển dịch giá trị và cơ cấu kinh tế ở các khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa.

Vấn đề hiện nay, hầu hết quy mô các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất này còn nhỏ lẻ, tiềm lực còn yếu, vốn nhỏ, nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Đó là một trong những hạn chế dẫn đến việc thu hút lao động, giải quyết việc làm ít và sau đó là bài toán hiệu quả kinh tế-xã hội do các CCN này mang lại cho địa phương còn rất hạn chế.

Dương Công Hợp

Kỳ II: Để cụm công nghiệp là động lực phát triển