.

Khi công nghiệp về với nông thôn - Kỳ 2: Để cụm công nghiệp là động lực phát triển

Thứ Hai, 22/08/2016, 08:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Vai trò động lực tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội cho khu vực nông thôn của các cụm công nghiệp (CCN) đang ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, do chưa có đánh giá một cách toàn diện, tổng thể để từ đó phân tích, dự báo, định hướng, nhằm xây cơ chế, chính sách phát triển các CCN một cách cụ thể, rõ ràng, nên hầu như các CCN hiện nay đang phát triển theo kiểu "tự phát".

>> Kỳ 1: Sức bật cho những vùng quê

Qua rà soát, điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh ta có 36 cụm công nghiệp (CCN), với tổng diện tích sử dụng đất 604ha. Đến tháng 12-2015, trong số 9 CCN đã và đang hoạt động, với tổng diện tích 113 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân 60%, trong đó có 86 dự án đã hoạt động với tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng, tạo việc làm cho 1.100 người.

Hiện chỉ có 4/9 cụm đã hoàn thiện và có tỷ lệ lấp đầy 100%, đó là: CCN Thuận Đức, Bắc Nghĩa, Nghĩa Ninh của TP.Đồng Hới; Cảnh Dương huyện Quảng Trạch. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 của các cụm ước đạt 95 tỷ đồng, đạt 1,1% so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm phát triển CCN TP.Đồng Hới cho biết, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các CCN đều có quy mô nhỏ, sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào đơn đặt hàng nhỏ lẻ, nên mỗi khi thị trường có biến động hoặc thiên tai xảy ra, họ không thể trụ vững và không thể tái đầu tư để sản xuất, kinh doanh trở lại. Mà, doanh nghiệp quy mô nhỏ, thì hiệu quả kinh tế-xã hội của CCN không được phát huy, thu hút lao động không đáng kể.

Thực tế cho thấy, ở một số CCN, sau một thời gian hoạt động, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã dừng hoạt động hoặc phải hoạt động "cầm chừng". Giai đoạn 1 của CCN Thuận Đức (quy mô hơn 10ha) hiện có 7 doanh nghiệp được cấp phép đầu tư sản xuất, kinh doanh tại đây.

Tuy vậy, hiện chỉ còn lại 3 doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả. Điểm công nghiệp Tân Sơn (xã Đức Ninh) cũng chỉ có 3/5 cơ sở sản xuất đang hoạt động, trong đó có 2 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng và mộc mỹ nghệ phải ngừng hoạt động do thiệt hại của cơn bão số 10-2013 làm hư hỏng nhà xưởng.

Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ cần cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù để phát triển.
Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ cần cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù để phát triển.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, nếu đối chiếu với các lĩnh vực, ngành nghề, cơ sở sản xuất được khuyến khích đầu tư trong CCN, theo Quyết định 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì phần lớn các CCN trên địa bàn tỉnh ta chỉ mới thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm cần di dời ra khỏi làng nghề, khu dân cư. Còn việc thu hút các doanh nghiệp ở các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác vẫn còn hạn chế.

Trong khi, thực tế có một số cơ sở sau khi được cấp đất không hoạt động hoặc chuyển nhượng lại cho người khác vì không có năng lực. Giải pháp để giải quyết cho vấn đề này theo ông Bình là nên chăng, sẽ dành một phần đất tại các CCN để di dời các cơ sở sản xuất nhỏ có nguy cơ ô nhiễm môi trường thuê có thời hạn (chứ không phải cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lâu dài như hiện nay-PV), số còn lại dùng để thu hút các doanh nghiệp lớn vào hoạt động, như là "trụ cột", làm động lực để các CCN phát huy tốt vai trò của mình.

Tuy mới được thành lập, nhưng từ sự phát triển hiệu quả của CCN Phú Hải, anh Nguyễn Thanh Bình rút ra bài học và khẳng định, "vì hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp ở đây có tiềm lực khá". Vâng. Rõ ràng, sự hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp có quan hệ mật thiết và có tác động rất lớn, nếu như không nói là có vai trò quyết định đến sự phát triển của các CCN.

Nói cách khác, "sức sống" của doanh nghiệp chính là "sức sống" của CCN. Vì vậy, bên cạnh việc thu hút các doanh nghiệp lớn, có năng lực, vấn đề đặt ra ở đây là, làm sao để các doanh nghiệp nhỏ ở đây duy trì "sức sống" và phát huy được năng lực nội sinh của mình?

Ông Trần Đức Huấn, Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Đức Huấn (CCN Thuận Đức) cho rằng, yếu tố đầu tiên là chính bản thân doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nên chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin và nhu cầu của thị trường, để từ đó vạch ra kế hoạch, chiến lược sản xuất, tiếp sau đó là phải đầu tư công nghệ đồng bộ. Song đó là với một doanh nghiệp thực sự có tiềm lực, còn với một doanh nghiệp tiềm lực hạn chế thì rất cần đến vai trò "bà đỡ" của cơ chế, chính sách và vay vốn ưu đãi để tiếp sức thêm cho họ.

Còn anh Phan Văn Tấn, chủ cơ sở chạm khắc gỗ mỹ nghệ và dạy nghề Quảng Hà (điểm công nghiệp Tân Sơn-Đức Ninh) thì cho biết, với một cơ sở sản xuất nhỏ và sản phẩm hàng hóa đặc thù như của anh, đầu ra chủ yếu là các đơn đặt hàng nhỏ, lẻ. Về lâu dài, muốn duy trì sự tồn tại và mở rộng cơ sở sản xuất, anh đang chuyển hướng sang sản xuất các mặt hàng mỹ nghệ lưu niệm "mi-ni" nhằm phục vụ khách du lịch.

Tuy nhiên, ngoài cái khó về vốn vay để đầu tư đổi mới công nghệ, còn trăm cái khó khác đều đổ lên "đầu ra" sản phẩm. Để có được đầu ra cho các sản phẩm mỹ nghệ mang tính đặc thù này, cơ sở phải giới thiệu được sản phẩm thông qua các kỳ hội chợ, triển lãm và có sự kết nối với các đơn vị làm du lịch. Vì vậy, cơ sở rất cần sự giúp sức và "đỡ đầu" của chính quyền và các cơ quan quản lý. Rõ ràng, để giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ này vượt qua khó khăn, đứng lên bằng chính "đôi chân" của mình, rất cần một cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù.

Tuy nhiên, vấn đề chưa dừng lại ở đó, khi mà các CCN hiện nay vẫn hoạt động theo kiểu "tự phát", và hầu như chưa có đánh giá, phân tích, định hướng chiến lược phát triển một cách cụ thể. Cả ông Nguyễn Văn Đóa, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương và ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm phát triển CCN TP.Đồng Hới đều thừa nhận thực tế là công tác quản lý các CCN vẫn chưa làm được và khó quản lý.

Nguyên nhân theo ông Nguyễn Thanh Bình là do: "Hiện tại chưa có quy chế quản lý CCN để cụ thể hóa, phân cấp quản lý một cách cụ thể, nên không thể phân định rạch ròi nhiệm vụ, chức năng quản lý cho các đơn vị, địa phương". Điều này đã khiến cho công tác đánh giá toàn diện, tổng thể, để từ đó phân tích, dự báo, định hướng, nhằm xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các CCN một cách cụ thể, rõ ràng vẫn chưa thực hiện được, do đó hoạt động thu hút các doanh nghiệp lớn, có đủ năng lực chưa được triển khai rộng rãi.

Đồng quan điểm với ông Bình, ông Nguyễn Văn Đóa, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương cho biết, việc quản lý các CCN trên địa bàn tỉnh ta hiện nay chỉ mang tính quy hoạch. Còn cơ chế vận hành, quản lý để từ đó có  đánh giá, phân tích thực trạng các CCN, sau đó xây dựng định hướng phát triển CCN vẫn chưa được phân định rõ ràng.

Thậm chí, cũng không biết ai làm. Thêm vào đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các CCN chưa được hưởng một cơ chế đặc thù nào về nguồn vốn vay, ngoài việc miễn, giảm các loại phí, lệ phí, trong khi ngân sách dành cho đầu tư phát triển CCN vẫn còn rất hạn chế, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển các CCN.

Năm 2015, để tạo điều kiện cho việc quản lý các CCN, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp quản lý CCN trên địa bàn tỉnh. Hiện, Chính phủ đang lấy ý kiến xây dựng Nghị định mới về Quy chế quản lý CCN. Do vậy, sau khi có nghị định, Sở Công thương sẽ xem xét các quy định về cách thức quản lý CCN để tham mưu và đề xuất UBND tỉnh thực hiện.

Phát triển các CCN là một xu thế tất yếu, qua đó, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Về lâu dài, nó sẽ tạo động lực thúc đẩy các khu vực nông thôn chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa. Muốn thực hiện được điều này, ngay từ bây giờ, các cơ quan quản lý cần bắt tay hoàn thiện cơ chế, chính sách và xây dựng chiến lược phát triển cụ thể, rõ ràng cho các CCN, đặc biệt các cơ chế hỗ trợ đặc thù nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ở đây phát huy thế mạnh của mình.

Bởi, sự phát triển vững chắc của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẽ là "bệ phóng" cho các CCN phát huy tốt hơn nữa vai trò động lực tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội cho khu vực nông thôn.

Dương Công Hợp