.

Sức bật Bắc Kim Sen

Thứ Ba, 26/07/2016, 07:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Sống trên vùng đất lưng chừng núi phía bờ bắc sông Long Đại thuộc xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh), người dân cụm dân cư Bắc Kim Sen ngỡ cạn kiệt sức lực vì đất cằn sỏi đá, cái nghèo sẽ đeo đẵng dài lâu... Nhưng đến Bắc Kim Sen hôm nay tất cả đã đổi khác.

Con đường dẫn chúng tôi đến với Bắc Kim Sen như gần lại, dù qua nhiều núi cao, bởi mặt đường đã được bê tông phẳng lỳ, thoáng rộng. Người dẫn đường bảo: “Độ mươi năm trước, lên Bắc Kim Sen, lên Lâm Ninh khó như lên trời, đường bộ chỉ cắt rừng mà đi, bụi mù lúc mùa hè, lầy lội vào mùa đông, lại lô nhô, hóc hiểm. Lên Bắc Kim Sen nhanh nhất là  bằng thuyền ngược sông Long Đại”.

Chị Phan Thị Á, Bí thư Chi bộ cụm dân cư Bắc Kim Sen tay pha nước tiếp khách, vừa trao đổi: “Cụm dân cư có 56 hộ, 195 khẩu, bà con không ai còn nghèo. Nhờ vào chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác giao đất, giao rừng. Trước đây, được các cấp, các ngành chú trọng tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nên đến nay người dân đã biết tận dụng hết diện tích đất đai; trồng, chăm sóc rừng, chăn nuôi kết hợp trồng cây màu cùng với đánh bắt thủy sản nên đời sống đi lên trông thấy, ngày càng ổn định”.

Người dân sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, ít đất lại thiếu nước trầm trọng, quanh năm nhờ trời nên năng suất, sản lượng bấp bênh. Để lo miếng cơm manh áo, người dân phải lên rừng lấy củi, chặt mây hàng ngày. Dù có rừng từ các dự án 661, 327... nhưng bà con chỉ biết trồng để lấy công tính điểm theo diện tích thực địa, bỏ qua giai đoạn chăm sóc cho thu hoạch về lâu dài. Rừng vì thế nghèo đi, không mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Đường lên Bắc Kim Sen không còn xa ngái vì đã được bê tông phẳng lỳ, thoáng rộng.
Đường lên Bắc Kim Sen không còn xa ngái vì đã được bê tông phẳng lỳ, thoáng rộng.

Bắc Kim Sen hôm nay ngoài 2 ha lúa vụ đông-xuân (sản lượng hàng năm đạt 8,4 tấn), 2 ha ngô (sản lượng đạt 12 tấn/năm/2 vụ) và một số diện tích trồng các loại màu như lạc, vừng, thì “tài sản” lớn nhất của người dân là được Nhà nước giao sở hữu trên 300 ha rừng. Không như một thời bỏ rừng, phá rừng, bây giờ bà con ai cũng biết tận dụng nguồn đất rừng trồng các loại keo lai, bạch đàn, thông lấy nhựa... cho nguồn thu ổn định từ 20-30 triệu đồng/năm. Và để duy trì nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đều sử dụng nước sạch từ nguồn giếng khoan; nguồn nước từ sông Long Đại chủ yếu được sử dụng cho sản xuất nông nghiệp.

Cuộc sống dần khá lên hơn khi bà con trong cụm dân cư tích cực tham gia vào dự án trồng cỏ chăn nuôi bò, đánh bắt thủy sản trên sông Long Đại và nhân rộng mô hình nuôi ong lấy mật... Bắc Kim Sen hiện có 15 hộ duy trì thường xuyên việc đánh bắt thủy sản, có trên 80 đàn ong nuôi lấy mật.

Có được kết quả đó chính nhờ vào sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương của Chi bộ Bắc Kim Sen và các đảng viên luôn nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu trong sản xuất, mà gia đình Bí thư chi bộ Phan Thị Á là một điển hình. Chị Á hiện có 10 ha rừng, nuôi 8 đàn ong, gần 300 con gà và ngan, mỗi năm thu nhập 60 đến 70 triệu đồng. Nhìn cơ ngơi của gia đình chị Á, bà con ai cũng thán phục sự chịu khó, năng động của người cán bộ mẫu mực, đi đầu trong thực hiện các mô hình kinh tế.

“Làm Bí thư chi bộ cơ sở, lại là nữ, thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng bản thân xác định rõ làm được gì để đóng góp vào xây dựng Đảng, giúp được dân thì mình cố gắng làm. Bây giờ, qua thực tiễn công tác, ngẫm lại cán bộ nữ dễ ăn nói, dễ động viên mọi người, nhất là đối với đảng viên trong chi bộ. Để có một chi bộ Bắc Kim Sen trong sạch, vững mạnh tiêu biểu cần có sự đồng sức, đồng lòng, đoàn kết giữa ý Đảng, lòng dân. Chi bộ Bắc Kim Sen đã thực hiện được điều đó. Lấy kinh tế làm thước đo trong mọi phong trào thi đua. Kinh tế gia đình của Bí thư chi bộ có vững, đảng viên và nhân dân mới tin”- chị Á chia sẻ.

Chúng tôi theo chị Á đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của hộ gia đình anh Trần Văn Năm. Được huyện hỗ trợ ban đầu 10 triệu đồng, anh Năm trồng 0,5 ha cỏ nuôi 10 con bò, chăm sóc gần 40 ha rừng, nuôi 15 đàn ong. Ngoài ra, mỗi đêm anh Năm còn đánh bắt tôm cá thu nhập khoảng 500 nghìn đồng. Nhờ vậy, gia đình anh Năm có nguồn thu ổn định từ 70 đến 80 triệu đồng/năm để trang trải cuộc sống.

“Chia tách từ thôn Nam Kim Sen phía bờ nam sông Long Đại, Bắc Kim Sen ngày nay có những bước tiến vượt bậc, từ trong cách nghĩ, cách làm đến lối sống văn minh, hòa thuận, đoàn kết, tương thân tương ái của người dân. Bắc Kim Sen hiện không những không còn hộ nghèo, mà mức thu nhập bình quân của người dân đã đạt 20 triệu đồng/năm; an ninh nông thôn luôn được bảo đảm; tình làng nghĩa xóm được vun đắp bền chặt” -  chị Phan Thị Á khẳng định.

Hương Trà