.

Quyết liệt phòng ngừa dịch bệnh lây lan ở đàn gia súc, gia cầm

Thứ Ba, 08/03/2016, 07:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo thông báo của Cơ quan Thú y Vùng 3, tính đến ngày 21-2-2016, dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) ở trâu, bò và cúm gia cầm đã xảy ra ở 3 tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An. Như vậy, ngành chăn nuôi tỉnh ta đang lọt vào "vòng vây" đe doạ của dịch bệnh từ hai phía Bắc-Nam. Trước tình hình đó, Chi cục Thú y Quảng Bình đang tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp, giải pháp để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh ta một cách có hiệu quả...

Thời điểm này (đầu tháng 3-2016), mặc dù tỉnh ta chưa hề có dịch bệnh nguy hiểm nào xảy ra đối với đàn gia súc, gia cầm, tuy nhiên, quan điểm chung của các ngành chức năng và Chi cục Thú y là kiên quyết không thể chủ quan, lơ là trong mọi tình huống.

Với phương châm phòng dịch: "Phát hiện kịp thời, báo cáo nhanh, bao vây và khống chế không để dịch lây lan trên diện rộng, hạn chế thiệt hại đến mức tối đa...", những ngày qua, Chi cục Thú y luôn tích cực bám sát thông tin về tình hình dịch bệnh xuất hiện trên đàn gia súc, gia cầm trong cả nước; khẩn trương báo cáo, tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), UBND tỉnh biết về tình hình dịch bệnh để từ đó có biện pháp chỉ đạo công tác phòng dịch hiệu quả, sát khớp với tình hình thực tế ở mỗi một địa phương....

Ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết, bên cạnh việc kịp thời tham mưu cho Sở NN và PTNT, UBND tỉnh ban hành Công điện về việc tăng cường công tác phòng, chống đói rét và dịch bệnh gia súc, gia cầm (Số: 02/CĐ-UBND, ngày 26-1-2016); Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 23-2-2016 về việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm năm 2016...; Kế hoạch số 275/KH-SNN-TY ngày 29-2-2016 về việc tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm năm 2016; Kế hoạch số 276/KH-SNN-TY ngày 29-2-2016 về việc tiêm phòng vắc xin gia súc năm 2016..., trước, trong và sau dịp Tết Bính Thân 2016, được sự chỉ đạo của Sở NN và PTNT, Chi cục Thú y đã thành lập nhiều đoàn về tận các huyện, xã, lò giết mổ, trang trại chăn nuôi, vùng có nguy cơ lây lan, bùng phát dịch... để kiểm tra, kiểm soát tình hình, nhằm bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, gia cầm.

Cùng với đó, Chi cục Thú y đã đẩy mạnh công tác kiểm soát, giám sát việc giết mổ, xuất, nhập sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn. Tăng cường chỉ đạo toàn hệ thống thú y từ tỉnh đến cơ sở túc trực 24/24 để theo dõi, nắm bắt tình hình phòng ngừa dịch bệnh.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng để phòng ngừa dịch bệnh lây lan đối với gia súc, gia cầm.
Phun thuốc tiêu độc khử trùng để phòng ngừa dịch bệnh lây lan đối với gia súc, gia cầm.

Chi cục đưa ra yêu cầu là mỗi cán bộ thú y phải "thuộc bài" về công tác phòng, chống dịch bệnh đối với vật nuôi; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và phổ biến cho mọi người hiểu biết các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không được chủ quan, lơ là với dịch bệnh; cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác kiểm dịch. Mặt khác, thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi, lập bản đồ quản lý dịch tễ...

Qua tìm hiểu của chúng tôi, được biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT, thời gian qua, Chi cục Thú y đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc Trạm thú y các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện các văn bản của cấp trên, tham mưu tốt cho UBND các huyện, thành phố, thị xã về công tác thú y trên địa bàn.

Chi cục Thú y cũng chủ động phối hợp với các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác kiểm dịch tại gốc, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tăng cường kiểm soát tại hai trạm kiểm soát động vật phía bắc và nam Quảng Bình.

Nhằm bảo đảm tình hình dịch bệnh trên luôn được kiểm soát, ngoài công tác kiểm dịch, công tác kiểm tra, lấy mẫu giám sát chủ động vi rút trên đàn gia cầm tại chợ buôn bán gia cầm sống, gia cầm nhập lậu, vùng nguy cơ cao cũng được Chi cục Thú y triển khai thực hiện thường xuyên. Đây chính là việc làm rất quan trọng trong quá trình phòng, chống dịch bệnh nhằm giúp các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện ra các mầm mống, nguy cơ dịch bệnh để xử lý kịp thời...

Trao đổi thêm với chúng tôi, Chi cục trưởng Phạm Hồng Sơn cũng cho biết bày tỏ một số khó khăn trong công tác thú y mà tỉnh ta đang găp phải, đó là: Hầu hết đàn trâu, bò, lợn... được tiêm phòng vắc xin LMLM đợt 2 (khoảng tháng 9-2015) nay đã hết thời gian miễn dịch. Trong khi đó nguồn vắc xin LMLM dự phòng tại Chi cục hiện đã hết và đang trong quá trình đề nghị cấp cho năm 2016.

Cùng với đó là diễn biến thời tiết thời điểm này đang có sự bất lợi, rất dễ bùng phát các mầm bệnh như LMLM, cúm gia cầm, tai xanh ở lợn, tụ huyết trùng ở trâu, bò, lợn, bệnh dại và một số mầm bệnh khác. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng người chăn nuôi chăn thả gia súc tự do, rất dễ xảy ra dịch bệnh và gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch...

Từ thực trạng này, trên cơ sở đó, ông Sơn đề xuất, ngoài sự nỗ lực của ngành Thú y, đề nghị chính quyền các địa phương và người chăn nuôi phải nghiêm túc chấp hành Pháp lệnh về Thú y; thực hiện tốt việc tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm; hạn chế tối đa tình trạng chăn nuôi gia súc theo kiểu thả rông...

Văn Minh