.

Ngành chăn nuôi Quảng Bình khi hội nhập TPP - Kỳ 2: Đổi mới để phát triển

Thứ Hai, 28/03/2016, 09:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông Trần Đình Hiệp, Trưởng phòng Kỹ thuật Nông nghiệp (Sở NN&PTNT) nhận định, việc gia nhập TPP sẽ tạo ra khó khăn, thách thức không nhỏ cho ngành chăn nuôi, nhưng đồng thời cũng là động lực cho sự đổi mới và phát triển. Khi chúng ta phát huy tốt nội lực và các tiềm năng, lợi thế; khắc phục được những khó khăn, hạn chế thì ngành chăn nuôi của tỉnh sẽ tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân.

>> Kỳ 1: Mong manh như đèn trước gió

Cần nhạy bén tiếp cận

So với những khu vực mậu dịch tự do khác, TPP yêu cầu một cường độ tự do hóa mậu dịch mạnh mẽ và mở rộng hơn trên nhiều lĩnh vực như mua bán hàng hóa dịch vụ, quy định về xuất xứ sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, sử dụng lao động... Về đầu tư, Hiệp định cũng tăng cường các quy định liên quan đến bảo vệ nguồn vốn đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài. Bởi vậy, để thích ứng với các quy định của TPP đòi hỏi sự nhanh nhạy chuyển dịch của ngành nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi.

Tăng diện tích trồng ngô để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi.
Tăng diện tích trồng ngô để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi.

Hiện nay nước ta đã chính thức hội nhập TPP. Hiệp định này dự kiến có hiệu lực trong 2 năm tới, song đối với nhiều người dân, thậm chí một số chính quyền địa phương trong tỉnh vẫn chưa hiểu và không mấy quan tâm đến vấn đề này. Trong khi về cơ bản, quy mô chăn nuôi tỉnh ta vẫn là vừa và nhỏ, rất yếu thế khi chúng ta hội nhập TPP, nếu chưa có kiến thức về TPP thì quả thật rất khó để có thể ứng phó tốt.

Ông Phạm Công Chuẩn, một hộ nuôi lợn và gà ở thôn 2, xã Nghĩa Ninh, TP. Đồng Hới chia sẻ: “Thời gian gần đây tôi nghe các đài, báo nói nhiều về vấn đề hội nhập TPP nhưng cụ thể ảnh hưởng của nó đến ngành chăn nuôi như thế nào thì tôi cũng chưa rõ lắm. Tôi cũng chưa thấy cơ quan nào đứng ra phổ biến hay hỗ trợ gì cho các hộ chăn nuôi giải pháp để thích ứng với cơ chế mới”.

Ông Nguyễn Văn Chí, thôn 3, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch lại nói rằng: “Gia đình tôi được Dự án GIZ hỗ trợ phát triển mô hình nuôi gà đẻ trứng từ đầu năm 2015. Tôi nghe nói hội nhập TPP có ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi vì sản phẩm nội khó cạnh tranh... Nhưng thực sự tôi không mấy quan tâm bởi sản phẩm chăn nuôi của gia đình chủ yếu là cung cấp cho người dân trong vùng và mọi người rất ưa chuộng trứng gà ở đây”.

Như vậy có thể thấy rằng người dân chưa mấy quan tâm đến vấn đề hội nhập TPP, họ chưa hiểu được tác động mạnh mẽ của nó khi chúng ta hội nhập và nếu không kịp thời nắm bắt, thích ứng thì người chịu thiệt thòi lớn nhất cũng chính là người chăn nuôi.

Trước thực trạng này, để ngành chăn nuôi tỉnh nhà có thể trụ vững và phát triển, các cơ quan chức năng cần có phương án để thông tin đầy đủ và hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tìm kiếm cũng như mở rộng thị trường để có phương án chủ động trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Cần có giải pháp sát thực

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề hội nhập TPP của ngành chăn nuôi, ông Trần Đình Hiệp chia sẻ: Thực tế hiện nay cho thấy mặc dù có nhiều tiến bộ so với những năm trước nhưng ngành chăn nuôi tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Để ngành chăn nuôi của tỉnh đứng vững và tiếp tục phát triển khi hội nhập TPP, tỉnh cần quan tâm chỉ đạo, tiến hành thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản, sát thực với thực tiễn.

Từ thực tế hiện nay, chất lượng đàn giống vật nuôi không chỉ riêng tỉnh ta mà của cả nước còn thấp. Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, năng suất chăn nuôi lợn nái nước ta mới đạt 17-20 con cai sữa/nái/năm, trong khi Đan Mạch là 31-33 con/nái/năm; một số nước tham gia TPP là 24-26 con/nái/năm. Năng suất sữa nước ta mới đạt 4-4,5 tấn/chu kỳ, trong khi ở Mỹ là trên 10 tấn/chu kỳ, Newzealand 9 tấn/chu  kỳ.

Từ thực trạng trên, việc cải tạo chất lượng đàn giống vật nuôi là hết sức cấp thiết. Các cơ sở sản xuất giống cần tích cực tìm kiếm, nghiên cứu để nhập những con giống tốt về làm đàn đầu dòng, đàn hạt nhân. Đồng thời, tiến hành tuyển chọn, nhân giống để cung ứng cho các cơ sở chăn nuôi những đàn giống có chất lượng tốt thay thế các đàn giống đang bị thoái hóa có năng suất và chất lượng thấp.

Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn khi ngành chăn nuôi tỉnh ta đang đối mặt với việc phải nhập khẩu ngô, đậu tương... với giá cao, trong khi có một nghịch lý là chúng ta đang xuất khẩu nhiều gạo với giá rẻ, trước hết các địa phương cần tích cực khuyến cáo người dân tích cực chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô và các loại cây làm thức ăn cho gia súc để bảo đảm chủ động nguồn nguyên liệu.

Các nhà máy chế biến thức ăn cần tích cực cải tiến dây chuyền công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và nghiên cứu sử dụng lúa, gạo để thay thế một phần ngô và đậu tương nhằm giảm giá thành thức ăn, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi đủ sức cạnh tranh khi tham gia TPP.

Để chăn nuôi của tỉnh thực sự có cơ hội cạnh tranh khi hội nhập TPP, một việc làm tất yếu của ngành chăn nuôi nữa là phải phát triển theo hình thức trang trại và phương thức công nghiệp để tạo tiền đề cho việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Hiện nay khoa học công nghệ trong chăn nuôi phát triển mạnh, nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng ngày càng phổ biến như cấy truyền phôi, cho sinh sản đồng loạt, lựa chọn giới tính trong thụ tinh nhân tạo...

 Nuôi lợn theo hình thức trang trại ở xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch.
Nuôi lợn theo hình thức trang trại ở xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch.

Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật sẽ tạo nên bước phát triển đột phá, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi. Ngoài ra, ngành chăn nuôi cần tăng cường liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị, từ cung ứng con giống, thức ăn, vật tư đầu vào đến tổ chức sản xuất, giết mổ, chế biến và lưu thông, tiêu thụ. Trong đó, các khâu đều được kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm an toàn thực phẩm, sản phẩm có chất lượng tốt, đủ điều kiện để tiếp cận hệ thống siêu thị đang ngày càng phát triển trong tương lai.

Đối với một địa phương còn nhiều khó khăn như tỉnh ta thì việc phát triển các loại vật nuôi có tính đặc sản và phát huy lợi thế của từng địa phương cũng là giải pháp nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm chăn nuôi.

Thực tế cho thấy vào giữa năm 2015 khi thịt gà nhập khẩu từ Mỹ vào bán ở nước ta với giá chỉ khoảng 20.000 đồng/kg, hầu hết các trang trại chăn nuôi gà công nghiệp đều gặp khó khăn, trong khi các trang trại gà địa phương (gà ri, gà kiến) vẫn thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân là do chất lượng gà địa phương cao và phù hợp với thị hiếu của nhiều người tiêu dùng nội địa nên có được lợi thế cạnh tranh riêng.

Từ bài học kinh nghiệm trên cho thấy đối với những trang trại, nông hộ còn nhiều khó khăn, không đủ tiềm lực đầu tư phát triển sản xuất lớn, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập thì phát triển các loại có tính đặc sản để có được lợi thế cạnh tranh riêng của mình là hướng đi cần khuyến khích.

Ngày 4-2-2016, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết giữa 12 nước gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam, có quy mô kinh tế chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu.

Đây là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới-được kỳ vọng trở thành hình mẫu cho phát triển thương mại khu vực và thế giới.

Lê Mai