.

Không lùi bước trước khó khăn

Thứ Sáu, 25/03/2016, 12:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Rời quân ngũ trở về địa phương, dù sức khỏe đã suy giảm nhiều nhưng cựu chiến binh Phan Trường Giang (thôn Phương Hạ, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch) vẫn vượt lên thương tật, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, xung kích trên mặt trận kinh tế, trở thành tấm gương sáng cho nhiều người học tập và noi theo.

Tham gia quân ngũ từ rất sớm, năm 1962 chàng trai trẻ Phan Trường Giang trực tiếp chiến đấu tại đường 10, Làng Ho rồi vào tận chiến trường Khe Sanh, Cam Lộ, Cồn Tiên, Dốc Miếu (Quảng Trị). Bị bom dập, năm 1970 ông trở về hoạt động ở địa phương với vết thương nặng ở vùng sau đầu, tỷ lệ thương tật 60%. Nỗi đau chồng chất nỗi đau khi những tháng ngày ác liệt nơi chiến trường, chất độc da cam đã ngấm vào cơ thể khiến 3 trong số 7 người con của ông bị di chứng do ảnh hưởng chất độc hóa học; đứa câm điếc, đứa bị liệt nửa người.

Vượt qua những đau đớn về thể xác và tinh thần, người cựu chiến binh Phan Trường Giang vẫn hăng say với công việc xã hội. Được giao phó làm chủ nhiệm hợp tác xã, xã đội trưởng rồi phụ trách ngân sách của địa phương..., dù ở cương vị nào ông cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Dù sức khỏe đã suy giảm nhiều nhưng ông Phan Trường Giang vẫn hăng say lao động.
Dù sức khỏe đã suy giảm nhiều nhưng ông Phan Trường Giang vẫn hăng say lao động.

Năm 1992, phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu của người đảng viên, ông tình nguyện lên “mở đất” tại vùng Bãi Dinh, Phương Hạ theo chương trình kinh tế mới. Trong kí ức của ông và lớp người “tiên phong” ngày ấy, vùng Phương Hạ khi đó chỉ toàn là cây cỏ dại, cồn, bàu với chi chít hố bom nham nhở.

Nhìn bốn phía chỉ thấy cây cối um tùm, đất đai khô cằn, nứt nẻ, không ít người đã buông tay bỏ cuộc. Nhưng với riêng người cựu chiến binh Phan Trường Giang, những khó khăn và trở ngại trước mắt như chỉ để tôi luyện thêm quyết tâm và bản lĩnh của người lính Cụ Hồ trong ông. Nghĩ đến 2 người mẹ già thân nhân liệt sĩ (mẹ của ông và mẹ vợ) cùng đàn con thơ dại, bệnh tật, ông Phan Trường Giang lại thêm phần quyết tâm.

Ngày qua ngày ông mày mò vỡ vạc từng luống đất; cần mẫn san bằng từng hố bom để có đất sản xuất nông nghiệp. Bao nhiêu nhát cuốc bổ vào lòng đất là bấy nhiêu lần ông đánh cược với sự sống chết, bởi ông biết vùng đất này xưa kia là trận địa pháo bảo vệ cầu Chánh Hòa, phía dưới lòng đất còn tồn sót nhiều bom đạn. Cứ thế, ngày khai hoang đồi núi, trồng cây, nuôi con gà, con lợn; đêm về ông lại miệt mài với sổ sách giấy tờ của địa phương...

Những năm tháng khó khăn của ông cũng dần qua đi nhờ vào đôi bàn tay, khối óc cùng quyết tâm thoát nghèo. Từ 0,5 ha đất khai hoang trồng lúa ban đầu, đến nay ông đã có thêm 4 ha đất, bao gồm 3 ao cá, 1 ha cao su đang giai đoạn thu hoạch mủ, 0,5 ha lúa cùng nhiều diện tích rau màu, cây lâm nghiệp khác... Ngoài ra, ông còn chăn nuôi thêm trâu, lợn giống, gà, vịt... để lấy ngắn nuôi dài. Ước tính mỗi năm, gia đình ông thu lãi từ 100-120 triệu đồng.

Không chỉ là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương, cựu chiến binh Phan Trường Giang còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế và giúp đỡ bà con, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Ông bộc bạch: “Phát triển kinh tế gia đình là mình không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà phải giúp đỡ những bà con, đồng chí gặp khó khăn để họ cũng có thể vươn lên làm giàu. Như vậy, quê hương, đất nước mình mới ngày càng giàu đẹp”. Xuất phát từ suy nghĩ đó, ông luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc cây cối, chăn nuôi với bà con, đồng đội.

Thành quả của ngày hôm nay với ông Phan Trường Giang là sự ghi nhận cho cả một quá trình quyết tâm, ý chí và nỗ lực không lùi bước trước khó khăn, thử thách. Tám mươi tuổi đời, năm mươi tuổi Đảng, ông mãi xứng đáng là người lính Cụ Hồ, là tấm gương cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, giàu nghị lực để mọi người học tập và làm theo.

Th.H