.

Triển vọng từ cây ngô nếp lai F1 HN88

Thứ Sáu, 07/11/2014, 09:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện chủ trương chung của tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai đầu tư nghiên cứu mô hình chuyển đổi phù hợp với điều kiện thời tiết và đất đai của từng vùng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ruộng đất nông nghiệp. Điển hình, trong vụ hè-thu 2014, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã phối hợp với Trạm Khuyến nông các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch triển khai mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô nếp lai F1 HN88 (ngô HN88). Bước đầu cho thấy, cây ngô HN88 cho năng suất, sản lượng cao, mang lại giá trị kinh tế cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa.

Vụ hè-thu vừa qua, tỉnh đã gieo trồng được 6,3ha ngô HN88, trong đó xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) 3,3ha, xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch) 3ha. Cây ngô HN88 có ưu điểm chiều cao cây, chiều cao đóng bắp thấp, lại có bộ rễ chân kiềng phát triển mạnh... là một lợi thế cho thu hoạch và hạn chế sự đổ ngã khi gặp gió bão, phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của tỉnh ta. Bên cạnh đó, bắp ngô HN88 có kích thước to, dài mang lại năng suất cao.

Sau khoảng 66-70 ngày gieo trồng, chăm sóc, cây ngô HN88 sẽ cho thu hoạch bắp. Trong vụ hè-thu vừa qua, tại hai xã thực hiện mô hình thí điểm đã cho thu hoạch bình quân từ mỗi ha ngô HN88 khoảng 40.000 bắp tươi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bình quân lãi 19.860.000 đồng/ha (tương đương 993.000 đồng/sào).

Cây ngô nếp lai F1 HN88 mang lại hiệu quả kinh tế cao trong vụ hè-thu 2014.
Cây ngô nếp lai F1 HN88 mang lại hiệu quả kinh tế cao trong vụ hè-thu 2014.

Trong khi đó, cũng trên diện tích ấy nếu trồng lúa nông dân chỉ lãi khoảng 5.300.000 đồng/ha (tương đương 265.000 đồng/sào), chênh lệch 14.560.000 đồng/ha (tương đương 728.000 đồng/sào). Như vậy, trên diện tích lúa không chủ động nước để sản xuất trong vụ hè-thu, thì việc chuyển đổi sang trồng ngô sẽ nâng cao được thu nhập cho người nông dân. Đây là một hướng đi mới của nhiều địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, qua việc thực hiện thí điểm mô hình ngô HN88, bên cạnh những thành công đạt được, các cán bộ khuyến nông cho biết vẫn còn một số khó khăn như: Mô hình được triển khai ở hai huyện trên chân đất lúa chuyển đổi, điều kiện thời tiết không thuận lợi, sau khi gieo khô hạn kéo dài nên tỷ lệ mọc chưa cao. Tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là sâu đục thân nhiều, sâu ăn lá gây hại làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây ngô.

Một hạn chế lớn nữa là, do tập quán sản xuất của bà con nông dân thường gieo vãi, không lên luống, mặc dù đã được hướng dẫn nhưng một số bà con nông dân vẫn chưa áp dụng theo quy trình; một số hộ chưa tuân thủ yêu cầu kỹ thuật, bón đạm chưa bảo đảm yêu cầu, nên gây cháy lá ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả mô hình.

Để cây ngô HN88 có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, ông Lê Hồng Viễn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh cho biết, bà con cần lưu ý những vấn đề sau: Về thời vụ gieo trồng, trong vụ he-thu cần tranh thủ thời tiết thuận lợi tiến hành gieo trồng ngay để bảo đảm tỷ lệ mọc cho ngô. Phải lên luống để gieo trồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tưới, tiêu nước bảo đảm đủ độ ẩm cho cây ngô và tránh bị ngập úng. Về chăm sóc, cần thực hiện chăm sóc đúng quy trình, khi ngô có 2-3 lá phải tiến hành bón thúc để ngô sinh trưởng, phát triển tốt. Thường xuyên kiểm tra tình hình sâu bệnh để xử lý kịp thời...

Có thể thấy việc chuyển đổi sang trồng cây ngô trên những diện tích lúa kém hiệu quả là một trong những chủ trương đúng đắn của tỉnh, vì ngô là cây sản xuất hàng hóa có thị trường ổn định và nhu cầu cao. Việc chuyển đổi một số diện tích đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất ngô HN88 nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích cho nông dân. Dự kiến, trong những vụ mùa sắp tới, cây ngô HN88 sẽ tiếp tục được trồng tại hai xã Tân Ninh và xã Đại Trạch, đồng thời mở rộng mô hình này tại nhiều địa phương khác trong tỉnh.

Lê Mai