.

Làm giàu ở bản Chuôn

Thứ Ba, 25/11/2014, 08:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Giữa cái se lạnh của một buổi sáng đầu đông, đi trên con đường len lỏi giữa bạt ngàn màu xanh của rừng, cuối cùng, chúng tôi cũng đến được với trang trại của vợ chồng anh Trần Xuân Bảy ở bản Chuôn, xã Kim Thủy (Lệ Thủy). Trên mảnh đất tưởng chừng như chỉ có sự heo hút của rừng, của hoang dại và cằn cỗi, thì nay, đã ra trái ngọt, đó là những mùa thanh long ruột đỏ nhuộm thắm một mảnh đồi. Anh Bảy nói, đó là “quả ngọt của đời”, để trả ơn cho những tháng ngày mặn mòi mồ hôi và nước mắt khổ nhọc.

Lên núi làm giàu

Ai đã từng đặt chân lên với xã miền núi Kim Thủy cách đây hơn 10 năm, hẳn sẽ thấy nể phục lắm những con người dám mạnh dạn bỏ ruộng, bỏ đồng bằng lên lập nghiệp giữa heo hút núi rừng. Ngày ấy, bản Chuôn chỉ có lác đác vài ba nóc nhà sàn, không có điện sáng, nằm lọt thỏm giữa bạt ngàn rừng rú thâm u.

Vậy mà, như có duyên với mảnh đất này, chỉ một lần vô tình đặt chân đến đây, nhìn mảnh đất nghèo vắng vẻ, anh Bảy đã quyết định bỏ việc lên đây lập nghiệp. Bản lĩnh của một người lính công binh khiến anh đã nói là làm, chẳng cần trăn trở nhiều, năm anh em chung nhau mua một mảnh đất rộng gần 5 ha. Mỗi người một chí hướng, một lối đi riêng. Thay vì những người anh em khác tập trung vốn trồng keo, tràm, thì anh lại quyết định đi ngược lại: Mở một trang trại nuôi trồng-việc làm nghe ra có vẻ khá liều lĩnh ở xã miền núi này lúc bấy giờ.

Những ngày đầu gian khó vợ chồng, con cái dắt díu nhau lên dựng chòi, lập nghiệp có lẽ sẽ là ký ức đến suốt đời gia đình anh không bao giờ quên. Gọi là chòi cũng chẳng sai, khi mà căn nhà thuở ấy chỉ đơn giản là bốn cái cọc cắm sâu xuống đất, mái lợp tôn, bốn phía căng lại bằng bạt, nắng thì nóng hầm hập, gió thì căn nhà rung lắc bần bật.

Rồi việc phát hoang, cải tạo cả một mảnh đất rộng hơn 1 ha đầy cỏ dại cũng không hề là chuyện đơn giản. Không có tiền mua phân bón, anh quyết định trồng rau lang, trồng lên được đến đâu, dập ngay xuống đất đến đó để tạo phân xanh, cải tạo đất. Chưa có tiền đầu tư hệ thống tưới nước, vợ chồng cùng hai đứa con trai lên 7 và lên 10 tuổi, mỗi người hai cái can nhựa, len xuống con suối cách đó gần 1 km để múc nước lên.

Thanh long ruột đỏ cho năng suất cao gấp 8 lần so với thanh long ruột trắng
Thanh long ruột đỏ cho năng suất cao gấp 8 lần so với thanh long ruột trắng.

Vụ làm ăn đầu tiên, anh quyết định trồng 1.000 cây đu đủ. Chưa kịp hoàn lại vốn liếng, thì một trận lũ quét tràn qua, kéo theo cả bao công sức của đôi vợ chồng trẻ. Tay trắng lại hoàn tay trắng, anh vẫn quyết định vay vốn trồng 1.000 gốc chuối và đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, cả mảnh đất đầy cỏ dại ngày nào giờ đã có hơn 3.000 gốc chuối và một hệ thống chuồng trại với hơn 50 con lợn, hàng trăm con gà. Vụ thu hoạch đầu tiên cho thu nhập hơn 100 triệu đồng-khoản thu nhập khá lớn vào thời điểm đó.

Niềm vui chưa trọn vẹn, trận lũ lịch sử và dịch cúm gia cầm, dịch heo tai xanh năm 2009 tràn qua, đã vùi dập tất cả công sức của vợ chồng anh. “Nhắm mắt lại là nhớ như in cái cảnh trận lũ đó, vì lũ quét nên chỉ trong chớp mắt, nước tràn qua là kéo đi hết cây cối, gà vịt ngay trước mắt mình. Đến lúc nước rút rồi, nhìn cái trang trại tan hoang, trống huơ trống hoác thì chỉ biết ôm nhau mà khóc thôi”, vợ anh Bảy - chị Bùi Thị Nữ bùi ngùi nhớ lại.

Tưởng như thất bại sẽ đánh gục người đàn ông ấy, nhưng không, ngã ở đâu, đứng dậy ở đó, anh quyết định làm lại ngay trên chính mảnh vườn đã quá mặn mòi mô hôi và nước mắt. “Tôi đã từng có thời gian đi nghĩa vụ quân sự, là lính công binh, phục vụ xây dựng đảo chìm ở Trường Sa. Chính những ngày tháng đó đã rèn cho tôi ý chí, không ngã gục trước khó khăn, nghịch cảnh. Nên khi trở về với cuộc sống đời thường, phải tự dặn mình là khó khăn mấy cũng phải vượt qua”, anh chia sẻ.

Nhớ lại chuyến đi miền Nam học hỏi mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ (TLRĐ) cách đó không lâu, người đàn ông ấy đánh liều đầu tư trồng giống cây mới mẻ này. Nói là làm, anh mạnh dạn lên gặp ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy đề cập đến dự án trồng giống cây TLRĐ tại địa bàn và đã được chấp thuận. Từ đó, một hướng đi mới đã mở ra, mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình người nông dân dám nghĩ, dám làm.

Đất cằn nở hoa

Một may mắn lớn nhất trong chuyến tham quan mô hình TLRĐ của anh Trần Xuân Bảy năm 2008 là được gặp và học hỏi kinh nghiệm từ Anh hùng lao động Hồ Sáu (Đồng Nai)-người đã rất thành công trong mô hình trồng giống cây hiệu quả này. Cuộc gặp gỡ đó, cùng những thất bát sau trận lũ quét năm 2009 đã giúp anh có động lực bắt tay vào trồng TLRĐ ngay tại trang trại cũ ở bản Chuôn. Vay được ít vốn, anh lặn lội vào tận Bình Thuận mua 840 gốc về trồng. Đến nay, sau hơn ba năm chăm chút, hiện vườn thanh long của anh đã có hơn 300 gốc, trong đó, có 150 gốc đã bắt đầu cho thu nhập đáng kể.

Năm 2014 này, 150 gốc TLRĐ đã cho thu hoạch hơn 7 tạ quả. Mỗi gốc thu hoạch có khi lên đến 40 kg/năm, tương đương với từ 130-150 trái. Anh bảo, so với những giống cây ăn quả khác mà anh đã trồng qua, TLRĐ dễ trồng, dễ chăm sóc và ít sâu bệnh và quan trọng nhất là giống cây này không bị ảnh hưởng nhiều bởi lũ quét và mưa bão, rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở Quảng Bình.

Mỗi năm, có thể thu hoạch 6, 7 vụ nhưng nếu biết cách chăm sóc, xây dựng được nhà lưới và chong đèn điện để sưởi suốt đêm thì có thể cho thu hoạch quanh năm.  “Nếu như mọi việc đều thuận lợi như năm nay, thì năm sau, cả 300 gốc thanh long trong vườn đều cho thu hoạch, ước tính năng suất sẽ đạt xấp xỉ 4 tấn”, ông chủ vườn TLRĐ nói với đôi mắt lấp lánh hy vọng.

Anh Bảy bảo rằng, cái ước ao lớn nhất của anh bây giờ không chỉ là mở rộng được diện tích trồng mà có thể chia sẻ, nhân rộng mô hình trồng giống cây hiệu quả này cho người nông dân toàn tỉnh.

Giờ thì mảnh đất chỉ rặt cỏ dại và cằn khô đá sỏi ngày trước, nay đã tựa như một bức tranh đẹp giữa bản Chuôn xa ngái. Chẳng phụ công người, đất cằn đã nở hoa và cho trái ngọt. Giữa màu xanh mênh mang của rừng, hoa thanh long nở trắng muốt, mùa quả chín, vườn thanh long ruột đỏ của anh nhuộm thắm một góc đồi. Đó là màu của ấm no, của hạnh phúc và hy vọng về một tương lai tốt đẹp cho những sản phẩm từ chính bàn tay, khối óc của người nông dân trên những miền quê nghèo xứ Quảng.

Ngọc Minh