.

Cần tăng cường các biện pháp tiết kiệm nước trong vụ sản xuất đông-xuân 2014-2015

Thứ Năm, 20/11/2014, 08:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhân triển khai sản xuất vụ đông-xuân năm 2014-2015, trong điều kiện thời tiết và chuột, sâu bọ có dấu hiệu bất lợi so với nhiều năm trước, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT về các giải pháp xử lý, bảo đảm cho cây trồng sinh trưởng tốt.

* P.V:  Thưa đồng chí, qua báo cáo của Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn, đến thời điểm cuối tháng 11 này lượng mưa còn ít, nhiều nơi chỉ bằng 60% cùng kỳ, vấn đề đó ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất vụ đông-xuân sắp tới?

- Đ/c Phan Văn Khoa: Thời tiết năm 2014 có những diễn biến bất thường, đó là: Xuất hiện nhiều đợt nắng nóng và kéo dài, tổng lượng mưa ít hơn so với trung bình nhiều năm, không có lũ Tiểu mãn nên nhiều hồ chứa nhỏ bị cạn kiệt, dung tích thiếu hụt so với yêu cầu.

Đến thời điểm hiện nay, tổng lượng mưa đo được khoảng xấp xỉ 60% trung bình năm, trong đó tổng lượng mưa các tháng mùa lũ thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, đã làm cho nguồn nước các hồ chứa trên toàn tỉnh thiếu hụt nghiêm trọng.

Nhiều hồ chứa có dung tích lớn chỉ đạt ở mức rất thấp, điển hình như: An Mã 30%, Cẩm Ly 17%, Tiên Lang 27%, Trung Thuần 20%. Còn lại, đối với các hồ chứa có quy mô nhỏ hầu như dung tích chứa chỉ đạt ở mức thấp so với yêu cầu. Như vậy, tình hình nguồn nước các hồ chứa phản ánh sự khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp năm 2015 nói chung và vụ đông-xuân nói riêng.

* P.V: Vậy, giải pháp để ứng phó là gì?

- Đ/c Phan Văn Khoa: Để ứng phó với những khó khăn, bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp năm 2015 và trước hết phải bảo đảm thắng lợi vụ đông-xuân sắp tới, Sở Nông nghiệp - PTNT sẽ tập trung các giải pháp như sau: Đôn đốc, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã, Công ty Khai thác Công trình thuỷ lợi căn cứ vào tình hình nguồn nước tập trung rà soát, cân đối diện tích gieo trồng để xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông-xuân hợp lý, ăn chắc; kiên quyết chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, trong đó chuyển đổi diện tích lúa nguy cơ thiếu nước bằng các loại cây trồng chịu hạn cao. 

Vận hành quy trình tưới hợp lý, trong đó phải thực hiện quy trình tưới tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ đông - xuân để dành nước về sau và cho vụ hè-thu năm 2015; tận dụng các nguồn nước sẵn có, nước hồi quy từ ao đầm, hói, lạch để bơm tưới, dành nguồn nước hồ chứa để sử dụng sau; xây dựng các phương án chống hạn đề phòng hạn xuất hiện trong những tháng cuối vụ đông-xuân...

Nước trong hồ chứa An Mã chỉ có 30% dung tích.
Nước trong hồ chứa An Mã chỉ có 30% dung tích.

Mặt khác, Sở chỉ đạo các đơn vị, địa phương áp dụng triệt để biện pháp tưới tiết kiệm, khoa học (theo quy trình SRI, nông lộ phơi) trước khả năng hạn hán có thể xảy ra vào cuối vụ đông-xuân.

* P.V: Sản xuất vụ đông-xuân ở tỉnh ta xác định là vụ chính, có ý nghĩa quyết định cho sản xuất nông nghiệp cả năm. Vụ đông-xuân này Sở có sự chỉ đạo gì mới để đạt hiệu quả cao hơn các vụ trước?

- Đ/c Phan Văn Khoa: Xác định đông-xuân là vụ cơ bản có tính chất quyết định sản xuất lương thực cả năm, vì vậy để bảo đảm sản xuất đông-xuân thắng lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống lúa theo hướng tăng giống chất lượng, giống có thời gian sinh trưởng trung và ngắn ngày để luồn lách, né tránh mưa rét, úng ngập đầu vụ; tiếp tục đưa giống ngô lai, giống lạc... có năng suất cao, kết hợp đẩy mạnh thâm canh để tăng năng suất, sản lượng. Đẩy mạnh sản xuất theo cánh đồng lớn đối với một số cây trồng như lúa, ngô, lạc, ớt và chủ động kế hoạch chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, diện tích có nguy cơ bị hạn sang các cây trồng khác ngay trong vụ đông-xuân.

Năm nay do lũ lụt không xảy ra, nên chột và sâu bệnh phát sinh mạnh, vì vậy Sở đã tăng cường chỉ đạo điều tra, dự báo tốt dịch bệnh, nhất là chỉ đạo thực hiện diệt chuột ngay đầu vụ đông - xuân để hạn chế thiệt hại xảy ra.

* P.V: Xin đồng chí nói cụ thể hơn về cơ cấu bộ giống lúa vụ đông-xuân?

- Đ/c Phan Văn Khoa: Để chuẩn bị cho sản xuất 2015, ngay từ giữa năm 2014, Sở đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn xây dựng kế hoạch chuẩn bị giống bảo đảm chất lượng, chủng loại, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sản xuất. Cơ cấu giống tập trung theo hướng là chuyển mạnh sang giống chất lượng, giá trị.

Đến nay, các đơn vị đã chuẩn bị 1.550 tấn giống lúa các loại (giống chất lượng 730 tấn), ngô 25 tấn, lạc 200 tấn và dự phòng 150 tấn giống lúa cực ngắn sẵn sàng bổ sung cho diện tích phải gieo lại do mưa, rét, ngập úng đầu vụ.

Mặt khác, Sở đã triển khai phương án phát triển bổ sung bộ giống lúa đến năm 2020, đưa vào sản xuất 7-8 giống mới thay thế các giống chủ lực đã có biểu hiện thoái hóa. Theo đó, đã đưa vào cơ cấu sản xuất (năm 2015) 1 giống lúa (Bte 01) và 4 giống tiến bộ kỹ thuật (giống lúa SV46, SV181, SV47 và giống lạc SVL1) và đề xuất UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ nhân rộng vào sản xuất.

* P.V: Sự liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả tích cực, xin đồng chí  cho biết triển vọng của sự hợp tác này trong năm tới?   

- Đ/c Phan Văn Khoa: Mặc dù kết quả thực hiện cánh đồng lớn năm 2014 của tỉnh chưa đạt kết quả toàn diện, nhưng có thể khẳng định đây là mô hình có nhiều ưu điểm ở giai đoạn hiện nay để hướng tới liên kết sản xuất theo chuỗi, tạo sản phẩm nông sản có giá trị, chất lượng. Mô hình này đang thu hút sự quan tâm của nhiều cơ sở, doanh nghiệp chế biến kinh doanh nông sản và người sản xuất. Năm 2015, các địa phương đăng ký xây dựng cánh đồng lớn với diện tích trên 4.500ha (lúa, ngô, lạc, sắn, ớt).

Sở đang đề nghị UBND tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn với diện tích 1.350ha (lúa 1.000ha, ớt 210ha, ngô 50ha, lạc 50ha); phối hợp các ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất thực hiện tốt hợp đồng sản xuất, tiêu thụ theo cánh đồng lớn. Hiện nay, một số doanh nghiệp đang tiếp cận với các địa phương, nông dân để tiếp tục liên kết như Cty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình, Công ty TNHH Duy Phong, Công ty Chu Hạnh, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bình Trị thiên,...

* P.V: Các vụ sản xuất vừa qua, tỉnh và các địa phương đều có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho người nông dân. Riêng năm 2014 chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện 11 tỷ đồng, bằng 100% so với năm 2013. Xin đồng chí cho biết năm tới sự hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ra sao?

- Đ/c Phan Văn Khoa: Mặc dù ngân sách tỉnh khó khăn, nhưng hàng năm UBND tỉnh vẫn bố trí kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, năm 2014 là 11 tỷ đồng. Năm 2015, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp Sở đang đề nghị UBND tỉnh bố trí 13,5 tỷ đồng.

Chính sách sẽ tập trung ưu tiên hỗ trợ các lĩnh vực trọng tâm, đột phá, các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến... để chuyển mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng, giá trị nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

* P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Trọng Thái (thực hiện)