.

Những bông hoa thơm ngát

Thứ Ba, 14/10/2014, 08:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở tỉnh ta tiếp tục gặt hái thành công. Tính đến nay, tỉnh ta đã có trên 80 nghìn hội viên đăng ký, có gần 56 nghìn hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Và những nông dân đó là những bông hoa thơm ngát dâng cho đời.

>> Nông dân chung sức xây dựng nông thôn mới

Đi lên từ trang trại chăn nuôi tổng hợp

Trước đây, gia đình anh Nguyễn Văn Bồn, ở xã Trung Trạch (Bố Trạch). gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng từ khi được Hội Nông dân các cấp giúp đỡ, tạo điều kiện, anh đã mạnh dạn vay vốn mở trang trại tổng hợp. Qua nhiều năm cần cù lao động, anh đã xây dựng được trang trại với diện tích 6,5ha. Trong đó, diện tích ao nuôi cá 1,5ha, 0,7ha ruộng lúa, 1ha cây lâm nghiệp, 2ha đất trồng cỏ chăn nuôi, 500m2 chuồng trại chăn nuôi lợn.

Hiện anh đang có trên 150 con lợn các loại, trên 2.000 con gà thả vườn, hàng chục con bò... Mỗi năm anh Bồn thu được 3,6 tỷ đồng, lãi ròng 500-600 triệu đồng. Trang trại anh đã tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên, hàng chục lao động thời vụ với mức lương trên 4 triệu đồng/tháng; cung ứng hàng chục vạn gà, cá giống chất lượng tốt cho bà con nông dân trong tỉnh.

Làm giàu từ nghề mộc mỹ nghệ

Với số vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng, doanh thu mỗi năm 1 tỷ đồng, lãi ròng 200 triệu đồng là cơ sơ sản xuất, kinh doanh đồ mộc mỹ nghệ của chị Phan Thị Hoa, phường Phú Hải, thành phố Đồng Hới. Xưởng mộc mỹ nghệ của chị Hoa chủ yếu sản xuất giường, tủ, bàn, ghế và nhiều đồ gia dụng khác, tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động có mức thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/tháng. Cơ sở đã cung ứng, phân phối sản phẩm sỉ và lẻ cho 25 đại lý trên địa bàn.

Mô hình chăn nuôi đà điểu của nông dân Quảng Trạch.
Mô hình chăn nuôi đà điểu của nông dân Quảng Trạch.

Ngoài việc sản xuất kinh doanh giỏi, chị Hoa còn giúp đỡ nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ kinh phí cho các hoạt động xã hội ở địa phương, xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân, giúp đỡ 5 con em hội viên có hoàn cảnh khó khăn đến trường, tặng gường, tủ, bàn ghế cho gia đình hội viên nghèo...

Người Rục giàu nhất

Sinh ra và lớn lên tại bản Yên Hợp, xã Thượng Hóa (Minh Hóa), anh Trần Xuân Tư đã biết vượt qua những khó khăn để vươn lên trở thành người Rục giàu nhất với mô hình chăn nuôi tổng hợp và trồng rừng nguyên liệu. Dù đồng bào Rục nơi anh sinh sống còn nghèo nàn và lạc hậu nhưng người trưởng bản đã biết tận dụng đất trống, đồi trọc để trồng 10ha rừng nguyên liệu.

Ngoài ra, anh còn đầu tư xây dựng 1.500m2 chuồng trại nuôi lợn rừng, trâu và gà thả vườn. Hiện đàn lợn rừng anh Tư đã phát triển lên được 18 con, 10 con trâu, hàng trăm con gà thả vườn. Tổng tài sản của anh hiện có hàng trăm triệu đồng, thu nhập bình quân mỗi năm đạt 80 triệu đồng. Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Trần Xuân Tư còn tích cực vận động hội viên trồng rừng và phát triển chăn nuôi, xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, giúp đỡ đồng bào trong việc phát triển kinh tế, định canh, định cư.

Quyết tâm bám biển, giữ vững chủ quyền biển, đảo

Mô hình đánh bắt hải sản xa bờ của nông dân Đậu Thanh Phương, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần giúp nhiều ngư dân bám biển, giữ vững chủ quyền biển, đảo. Anh Phương đã đầu tư trên 2 tỷ đồng đóng tàu cá có công suất 720 CV và phương tiện ngư cụ khai thác hải sản ở vùng biển Hoàng Sa.

Hàng năm, mô hình anh có tổng thu nhập 3 tỷ đồng, lãi ròng gần 1 tỷ đồng sau khi trừ mọi chi phí, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 9 lao động với mức thu nhập 9-10 triệu mỗi người/tháng. Là thành viên Tổ đoàn kết trên biển, anh luôn giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, tích cực trong công tác phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn, cùng với ngư dân bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo.

“Vua vịt” ở Lệ Thủy

Đó là biệt danh nhiều người đặt cho chị Lê Thị Cảnh, xã Xuân Thuỷ (Lệ Thuỷ). Với quyết tâm làm giàu trên quê hương, chị Cảnh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mô hình nuôi vịt, làm lò ấp sản xuất và cung ứng thức ăn chăn nuôi. Hiện tổng đàn vịt thịt nhà chị có gần 2.000 con. Lò ấp cho ra lò mỗi ngày 2.000-3.000 quả (chị có mua thêm trứng từ các hộ khác).

Ngoài ra, chị Cảnh còn có 2ha mặt hồ nuôi cá giống. Mỗi năm, mô hình của chị thu nhập đạt 850 triệu đồng, lãi ròng từ 150-200 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động.

Giải quyết việc làm cho 700 lao động nông thôn

Đó là mô hình khôi phục, phát triển làng nghề, thu mua, tiêu thụ các sản phẩm từ nón lá của anh Hoàng Hữu Tố, xã Quảng Tân, thị xã Ba Đồn. Mô hình đã mang lại lãi ròng cho gia đình anh 320 triệu đồng/năm; giải quyết việc làm cho 700 lao động nông thôn.

Khi kinh tế khá giả, anh Tố còn giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật cho 11 hộ kinh doanh ở địa phương, dạy nghề làm nón lá cho 300 lao đồng. Trong thời gian phát triển làng nghề, anh còn tích cực tìm tòi, nâng cao tay nghề, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm nón lá của địa phương...

Xuân Vương