.

Giao đất và sử dụng đất lâm nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Vẫn còn những ách tắc

Thứ Sáu, 10/10/2014, 08:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Vấn đề đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp chính quyền hết sức quan tâm. Hai năm qua, UBND tỉnh có quyết định thu hồi 3.460ha đất lâm nghiệp của các lâm trường để giao đất ổn định sản xuất cho các hộ dân sống gần rừng. Trong đó, xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) được giao diện tích đất rất lớn với 2.153ha.

Những tưởng sau khi nhận được diện tích đất rất lớn, người dân xã Trường Sơn sẽ phấn khởi, sử dụng số đất mà tỉnh ưu ái giao cho vào sản xuất ngay. Nhưng thực tế lại không như vậy! Mới đây, chúng tôi trở lại xã Trường Sơn, vừa đúng 2 năm kể từ khi UBND tỉnh có quyết định giao đất lâm nghiệp cho xã này sản xuất, nhận thấy nhiều bất cập xảy ra xung quanh việc giao đất, nhận đất và sử dụng đất.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết, con số 2.153 ha mà tỉnh giao chỉ có ý nghĩa trên giấy tờ, còn trên thực địa có thể nhận và sử dụng được 380ha, chiếm 18% tổng số đất được giao.

Cụ thể, bản Trung Sơn có 66/66 hộ được giao đất, tổng diện tích giao 320ha, bình quân 4,57ha/hộ; bản Khe Cát, số hộ được giao đất 43/77 hộ, diện tích 68,45ha, bình quân 1,6 ha/hộ; bản Chân Trộng, số hộ được giao 4/39 hộ, tổng diện tích giao 10 ha, bình quân 2,5 ha/hộ. Số diện tích đất lâm nghiệp còn lại rất lớn chưa thể giao cho dân được, nên vấn đề thiếu đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở đây vẫn chưa có biểu hiện hạ nhiệt, tiềm ẩn nguy cơ lấn chiếm đất của lâm trường mà người dân tự phát gây ra.

Nhiều diện tích đất được giao ở xã Trường Sơn người dân chưa sử dụng.
Nhiều diện tích đất được giao ở xã Trường Sơn người dân chưa sử dụng.

Đi sâu tìm hiểu chúng tôi được biết, trong quá trình rà soát bóc tách 3 loại rừng của các cơ quan chức năng với chủ rừng (Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại) và chính quyền xã Trường Sơn chưa có sự thống nhất cao. Cụ thể là, tại tiểu khu 327 xã đề xuất được giao 169,6ha để thuận tiện cho các hộ dân bản PLoang sản xuất, nhưng công ty chỉ giao 102ha.

Tại tiểu khu 335 xã đề nghị thu hồi 65ha dọc hai bên đường Hồ Chí Minh, nhưng công ty lại giao 81ha, chỉ có 12,5 ha nằm trong phạm vi của xã đề nghị, còn lại không phù hợp cho sản xuất (vì số diện tích này là rừng tự nhiên có trữ lượng gỗ lớn).

Tương tự, tiểu khu 337 xã đề nghị nhận 109ha, thì công ty giao 430ha (đa số là rừng có trữ lượng gỗ lớn); tiểu khu 336 đề nghị giao 132ha, công ty giao 281ha (là rừng có trữ lượng gỗ lớn)...Trong lúc đó, nhiều khu vực xã đề nghị công ty giao cho dân sản xuất tổng diện tích 139ha, nhưng không được chấp thuận. Ý của ông Chủ tịch UBND xã là trong một tiểu khu, người dân chỉ nhận diện tích đất sản xuất được, còn diện tích rừng hoặc núi đá thì không nhận.

Tuy nhiên theo tinh thần chỉ đạo chung của Bộ Nông nghiệp và PTNT, diện tích đất giao phải trọn lô, khoảnh để thuận tiện cho việc quản lý, sử dụng.

Như vậy trong tổng số diện tích 2.153ha mà Công ty TNHH MTV lâm Công nghiệp Long Đại giao cho xã, UBND xã chỉ chấp nhận 1.337ha, số còn lại không thể nhận để đưa vào sản xuất được. Theo như lời ông Chủ tịch UBND xã, trong số 1.337ha, chỉ có 114,5ha ở trạng thái đất trống có thể đưa vào sản xuất được ngay, số diện tích còn lại (1.222 ha) chưa giao cho dân được vì vướng rừng có trữ lượng lớn và một số diện tích rừng cần chuyển đổi trạng thái rừng nghèo kiệt sang trồng rừng sản xuất. Nếu có chuyển đổi xong cũng không sử dụng ngay được, mà chờ đến khi nào làm được đường đi mới sản xuất được.

Nói như vậy cho thấy, hầu hết đất lâm nghiệp mà xã nhận lại từ Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại chưa thể sản xuất ngay được, mà phải chờ đến khi có đủ điều kiện cần thiết như: làm xong thủ tục chuyển đổi trạng thái rừng và chờ làm các tuyến đường vào khu vực đất sản xuất...

Điều đáng buồn là, sau 2 năm nhận đất lâm nghiệp để sản xuất (chủ yếu trồng keo) nhưng các hộ dân vẫn chua thực sự mặn mà với việc đưa đất vào sản xuất. Ông Chủ tịch xã cho biết, vụ trồng rừng năm 2013-2014 UBND huyện Quảng Ninh có hỗ trợ 100% giống cây keo cho bà con, nhưng chỉ có 50% số đất được trồng, số diện tích còn lại bà con nói sẽ chờ vụ sau!

Qua sự việc này chúng tôi nhận thấy, đối với đất sản xuất giao cho đồng bào dân tộc thiểu số, nếu không có các giải pháp hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước cho người dân thì sau khi rà soát, bóc tách giao lại hàng nghìn ha đất cho bà con quản lý, sử dụng sẽ rất khó mang lại hiệu quả. Cụ thể là, một số địa phương đề nghị thu hồi những diện tích gần khu dân cư, thuận lợi cho sản xuất nhưng thực tế diện tích này các lâm trường đã đầu tư trồng rừng, sản xuất mang lại hiệu quả cao và đã trở thành tài sản của đơn vị, cá nhân nên không thể giao lại cho người dân.

Rừng keo của Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại phát triển tốt.
Rừng keo của Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại phát triển tốt.

Người dân muốn trồng rừng phải đầu tư làm đường để đưa máy lên đào hố, vận chuyển cây giống. Việc này không khó đối với một lâm trường hoặc công ty lâm công nghiệp, nhưng với một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số chắc chắn không thể làm được. Nên dù có nhận được đất ở những khu vực xa xôi, cách trở, bà con cũng không thể đưa vào canh tác được.

Mặt khác, qua tìm hiểu chúng tôi được biết số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh ta biết đầu tư trồng rừng, có thu nhập từ rừng trồng là không nhiều. Trước đây các Chương trình như 134, 135 đều có hợp phần giao đất, giao rừng cho các hộ dân nhưng nhiều gia đình thờ ơ không nhận đất.

Thực tế, để sản xuất được một ha đất lâm nghiệp cần đầu tư khá lớn: vốn đầu tư trồng 1ha cây keo từ 13-15 triệu đồng, cây cao su trên 70 triệu đồng (thời gian đầu tư 7-9 năm) và đòi hỏi trình độ canh tác nhất định, nên hầu hết bà con sử dụng đất được giao kém hiệu quả. Thậm chí, nhiều nơi bà con nhận đất xong, lén lút bán đất cho người dân vùng đồng bằng để lấy tiền làm việc khác.

Đáng chú ý, là phần lớn diện tích bóc tách giao cho người dân sử dụng, quản lý đều là đất rừng kiểu đặc trưng IA, IB hoặc rừng sản xuất trạng thái IC (có nhiều cây thân gỗ, có thể khoanh nuôi tái sinh). Nếu không quản lý, sử dụng hiệu quả dễ dẫn đến việc phá rừng. Trong khi đó, diện tích sau bóc tách để giao cho người dân nằm xen kẽ trong diện tích rừng phòng hộ, hoặc rừng sản xuất do Nhà nước và các công ty lâm công nghiệp quản lý.

Từ thực tế trên cho thấy, để việc giao đất và sử dụng đất hiệu quả, tỉnh cần có biện pháp hỗ trợ đồng bào sản xuất bằng đề án, chương trình cụ thể; đồng thời tăng cường việc quản lý, tránh tình trạng lợi dụng việc giao đất nhằm phá rừng hoặc chuyển nhượng đất rừng trái phép như đã từng xảy ra.

Trọng Thái