.

Du lịch cộng đồng hướng phát triển du lịch bền vững - Bài 2: Hướng đi mới của du lịch Quảng Bình

Thứ Hai, 13/10/2014, 10:12 [GMT+7]

(QBĐT) - “Du lịch cộng đồng là hướng đi mới của du lịch Quảng Bình trong thời gian tới, vì phát triển du lịch cộng đồng không những góp phần bảo tồn nền văn hóa bản địa, mà còn mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế cho người dân địa phương”. Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch khi trao đổi với chúng tôi về đề án phát triển du lịch cộng đồng một số điểm du lịch trên địa bàn Quảng Bình.

>> Bài 1: Nhìn từ mô hình du lịch cộng đồng Tây Bắc

Tiềm năng có sẵn

Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch mới ở Việt Nam, mang lại lợi ích không chỉ về kinh tế- xã hội cho cộng đồng, mà còn góp phần vào công tác bảo tồn các nét văn hóa bản địa và giữ gìn cảnh quan tự nhiên của vùng. 

Phát triển du lịch cộng đồng không chỉ là loại hình phù hợp với xu thế của thế giới mà còn phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế cộng đồng thông qua du lịch. Xây dựng và phát triển các điểm du lịch cộng đồng gắn với những sản phẩm truyền thống là một trong những chiến lược của tỉnh ta nhằm thu hút du khách đến với tỉnh, đồng thời, tạo cơ hội cho người dân địa phương có thêm thu nhập, phát triển và ổn định cuộc sống từ hoạt động dịch vụ du lịch.

Hiện nay ở Việt Nam, rất nhiều tỉnh thành đã áp dụng loại hình du lịch cộng đồng vào địa phương và bước đầu đã đạt được những thành công và có doanh thu ổn định như: Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Nam....

Xuất phát từ thực tiễn cho thấy, để mô hình du lịch cộng đồng phát triển được, phải có 4 yếu tố kết hợp, đó là: người dân tham gia, chính quyền địa phương ủng hộ, kết hợp với các doanh nghiệp du lịch và sự tham gia của các nhà khoa học.

Người dân ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa hướng dẫn du khách khám phá hang động Tú Làn.
Người dân ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa hướng dẫn du khách khám phá hang động Tú Làn.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quảng Bình bộc bạch: “Lào Cai và Hòa Bình là một trong những hình mẫu đáng học tập về kinh nghiệm phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Họ biết phát triển ngành "công nghiệp không khói" một cách bền vững nhờ đánh giá đúng tiềm năng của mình và đi đúng hướng, đồng thời biết đặt lợi ích của người dân là trung tâm trong mọi chiến lược phát triển du lịch. Quảng Bình sẽ lấy mô hình du lịch cộng đồng làm hướng đi mới trong việc phát triển du lịch, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách đặt ra”.

Quảng Bình là địa bàn sinh sống của hai dân tộc thiểu số là Bru - Vân Kiều và dân tộc Chứt. Dân tộc Bru - Vân Kiều bao gồm các tộc người Vân Kiều, Khùa, Ma Coong và Trì. Dân tộc Chứt bao gồm các tộc người: Sách, Mày, Rục và Arem. Mỗi dân tộc thiểu số đều có những nét văn hóa đặc trưng độc đáo, được thể hiện qua các phong tục tập quán, lễ hội dân gian, các làn điệu dân ca, ẩm thực. Khi thực hiện mô hình du lịch cộng đồng, du khách gần xa có thể khám phá được những nét văn hóa độc đáo của họ.

Một số vùng đệm của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng như: Sơn Trạch, Xuân Trạch, Cự Nẫm... người sống lân gần di sản nên thành thạo về núi rừng, dễ dàng trong vấn đề hướng dẫn cho khách du lịch khi tham quan. Đây chính là thế mạnh để Quảng Bình phát triển loại hình du lịch cộng đồng.

Còn nhiều việc phải làm

Tuy có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển, nhưng để khai thác được mô hình du lịch cộng đồng một cách bền vững và có hiệu quả ở tỉnh ta, vẫn còn nhiều việc phải làm. Bởi hiện tại, cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ để phát triển du lịch cộng đồng tại Quảng Bình còn nhiều hạn chế, chưa có một dự án du lịch cộng đồng nào được triển khai theo đúng tiêu chí.

Tiếp cận được vốn vay sẽ tạo điều kiện cho người dân làm nhà lưu trú cho khách khi về các bản, làng.
Tiếp cận được vốn vay sẽ tạo điều kiện cho người dân làm nhà lưu trú cho khách khi về các bản, làng.

Mức độ tham gia của cộng đồng vẫn chỉ ở mức cung cấp các dịch vụ nhỏ lẻ, chưa tham gia vào quá trình tổ chức và xây dựng các kế hoạch thực hiện trong du lịch cộng đồng. Có chăng chỉ mỗi Xã Tân Hóa (Minh Hóa) là đang manh nha xây dựng thí điểm mô hình du lịch cộng đồng, do Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) tài trợ. Hiện nay, xã Tân Hóa cũng đã có nhà ở lưu trú cho khách du lịch khi tới khám phá hang động Tú Làn.

Ông Cao Văn Lục, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết: “Hiện nay, Tân Hóa có 6 nhà nghỉ cộng đồng cho khách du lịch khi tới tham quan khám phá khu hang động Tú Làn. Mỗi nhà có 8 giường ngủ, bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, phục vụ ăn uống tại chỗ cho du khách khi tới tham quan, lưu trú.

Thế nhưng, lượng khách tới nghỉ qua đêm còn rất ít, đa số họ đi trong ngày rồi về thành phố. Để mô hình du lịch cộng đồng thành công, vẫn còn nhiều khó khăn như: Trình độ làm du lịch của người dân còn hạn chế, chưa tiếp cận nguồn vay vốn để nâng cao cơ sở vật chất cho khách lưu trú; chưa tổ chức được các đêm văn hóa, văn nghệ cho du khách thưởng thức....”.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Kỳ cho biết thêm: Sau chuyến khảo sát, nghiên cứu mô hình du lịch cộng đồng ở các tỉnh Tây Bắc, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch thí điểm một số nơi, sau đó mới nhân rộng ra những nơi có thể làm du lịch cộng đồng.

Khi đề án được triển khai, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch sẽ có kế hoạch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, tiếp viên ở các điểm du lịch; đào tạo, tập huấn cho người dân nông thôn biết cách khai thác các dịch vụ một cách chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng dịch vụ du lịch. Ngoài đào tạo nghiệp vụ cho người dân, cần đầu tư phát triển các làng nghề để cung cấp và bán các sản phẩm truyền thống cho du khách khi tới tham quan ở Quảng Bình. Mặt khác, cần giúp người dân có thể tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư cơ sở vật chất, tiếp đón khách du lịch...

“Để có thể quản lý và khai thác đúng mức nguồn tiềm năng về du lịch, cần phải có cơ chế chính sách hợp lý, đồng bộ, sự thống nhất của các ngành trong việc khuyến khích các dịch vụ phát triển, vì khi cả ba yếu tố trên được chú trọng, du lịch cộng đồng sẽ mở ra một hướng đi mới cho ngành du lịch Quảng Bình hiện tại và trong tương lai”, ông Kỳ nói.

Thanh Hoa