.

Những vấn đề đặt ra khi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước

Thứ Hai, 13/10/2014, 10:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo lộ trình của Đề án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước của UBND tỉnh đề ra, cuối năm 2014 và đầu năm 2015, sẽ có 3 doanh nghiệp (DN) được cổ phần hoá. Đó là, Công ty TNHH MTV  Đường sông Quảng Bình, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Quảng Bình và Công ty TNHH MTV Môi trường và Phát triển đô thị (MT-ĐT) Quảng Bình. Đến thời điểm này, việc cổ phần hóa 3 DN này, diễn ra tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để không để xảy ra thất thoát vốn nhà nước và bảo đảm việc làm cho người lao động.

 

Đời sống cúa công nhân thu gom rác ở Công ty TNHH MTV MT-ĐT Quảng Bình còn nhiều khó khăn.
Đời sống của công nhân thu gom rác ở Công ty TNHH MTV MT-ĐT Quảng Bình còn nhiều khó khăn.

Theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, trong khi đánh giá tài sản, tài chính của 3 DN cổ phần hóa (CPH) lần này phải làm cẩn thận, chính xác, không để xảy ra thất thoát vốn của Nhà nước. Theo báo cáo của Sở Tài chính nguồn vốn tại 3 DN đang sử dụng là của Nhà nước 100%.

Trước khi CPH 3 DN này, hàng năm Sở Tài chính và Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh đã có kiểm tra và chưa phát hiện việc thất thoát vốn. Hình thức CPH của 3 DN là Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trên 51%) vốn điều lệ, các thành phần khác năm giữ 49% vốn.

Qua báo cáo đánh giá tài chính, tài sản của 3 DN trước thời điểm CPH cho thấy giá trị tài chính, tài sản của các DN này không lớn. Cụ thể: Công ty TNHH MTV đường sông có giá trị vốn điều lệ 6,64 tỷ đồng. Theo phương án CPH được duyệt, Nhà nước nắm giữ 75% tổng giá trị cổ phần, số lượng bán ra (cả cổ phần ưu đãi và phổ thông) chiếm 25%. Công ty TNHH MTV Cấp nước Quảng Bình, có tổng giá trị 133,6 tỷ đồng; cổ phần Nhà nước nắm giữ 86,7 tỷ đồng (chiếm 64,9%), cổ phần người lao động trong doanh nghiệp nắm giữ 5,6 tỷ đồng (4,2%), cổ phần bán đấu giá bên ngoài 41,1 tỷ đồng (30,9%).

Sở Tài chính cho biết, trong 2 năm qua, trước khi CPH, ngân sách tỉnh hỗ trợ cho Công ty TNHH MTV MT-ĐT Quảng Bình để đầu tư vào công trình công cộng là 9.590 triệu đồng và  bổ sung thêm vốn điều lệ 2 tỷ đồng, đưa tổng giá trị của công ty lên gần 30 tỷ đồng.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của 3 DN này chủ yếu làm dịch vụ mang tính chất phục vụ là chủ yếu, lợi nhuận không nhiều. Vì vậy, khi bán cổ phiếu ra bên ngoài rất ít được nhà đầu tư chào đón. Cho đến nay, sau nhiều tháng thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, chưa có nhà đầu tư nào đặt vấn đề mua cổ phần.

Vấn đề quyền lợi của người lao động khi tiến hành CPH đang được công nhân lao động ở 3 DN hết sức quan tâm. Qua báo cáo của lãnh đạo các DN CPH cho thấy đa số công nhân lao động đều thông suốt và ủng hộ chủ trương CPH. Tuy nhiên, để có việc làm và thu nhập ổn định sau khi CPH đang là nỗi thấp thỏm, lo lắng chung của người lao động trong 3 DN.

Ông Nguyễn Thái Thạch, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sông Quảng Bình cho biết, tại thời điểm CPH, đơn vị có  66 lao động làm nhiệm vụ quản lý 230 km đường sông trên địa bàn. Với khối lượng công việc này, thu nhập hàng tháng của công nhân, lao động khá ổn định, với trên 5 triệu đồng, người/tháng. Khi tiến hành CPH đồng thời sắp xếp, bố trí  lại lao động, đã có 16 người nằm trong diện phải nghỉ việc, số lao động còn lại 50 người. Như vậy sau khi CPH, với khối lượng công việc được phân bố theo kế hoạch như hiện nay thì thu nhập của 50 lao động ở công ty này sẽ cao hơn trước.

Đối với Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Quảng Bình, khi tiến hành CPH có 198 công nhân lao động, tất cả đều đăng ký ở lại (không có trường hợp nào nghỉ hưu hoặc trong diện dôi dư). Dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng tất cả công nhân lao động trong công ty đều đăng ký mua hết số lượng cổ phiếu trị giá 5,66 tỷ đồng dành cho người lao động nắm giữ.

Ông Lê Quang Lanh, Giám đốc Công ty TNHH  MTV Cấp thoát nước Quảng Bình cho biết, hoạt động sản xuất của đơn vị có chiều hướng tăng trưởng khá ổn định, thu nhập của người lao động tương đối cao so với bình quân chung của các DN nhà nước trên địa bàn. Trong 9 tháng đầu năm 2014, sản lượng nước máy thương phẩm tăng 10,82% so với cùng kỳ 2013, là một tín hiệu đáng mừng góp phần đưa lại thành công cho tiến trình CPH DN. 

Kế hoạch CPH đối với Công ty TNHH MTV MT-ĐT có chậm hơn so với 2 DN nói trên. Nguyên nhân là, công ty làm chủ đầu tư Dự án Vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới, mà dự án này đang trong giai đoạn kết thúc vào cuối quý III-2014. Giá trị tài sản của DN không lớn, chỉ xấp xỉ 30 tỷ đồng (còn giá trị của Dự án vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới gần 1.800 tỷ đồng chưa giao cho đơn vị quản lý). Số lượng công nhân lao động của DN đến thời điểm này là 219 người.

Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công ty cho biết, 100% công nhân, lao động của công ty đều đăng ký ở lại làm việc sau khi CPH. Tuy nhiên, công nhân trong công ty đa phần ở trong diện khó khăn nên việc mua cổ phần đang là vấn đề nan giải.

Mặt khác, việc làm của công nhân lao động trong  công ty không ổn định. Nguyên nhân là hợp đồng thu gom rác trên địa bàn được ký hàng tháng với UBND thành phố, nên rất bị động trong bố trí lao động, điều này ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập nói chung của đơn vị. Về thu nhập bình quân ở công ty, từ trước đến nay luôn xếp vào hàng thấp nhất trong các DN nhà nước trên địa bàn.

Qua báo cáo của 3 DN trong diện CPH lần này cho thấy, tất cả đều thực hiện đúng kế hoạch, lộ trình mà UBND tỉnh đề ra. Về tiến độ, tất cả 3 doanh nghiệp đều vượt từ 1 đến 6 tháng theo lộ trình đã phê duyệt. Cụ thể, trong tháng 11-2014, Công ty Công ty TNHH MTV Đường sông Quảng Bình sẽ đi vào hoạt động theo mô hình cổ phần, sớm hơn kế hoạch 1 tháng; Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Quảng Bình đi vào hoạt động theo mô hình cổ phần từ ngày 1-1-2015, sớm hơn 3 tháng và dự kiến ngày 1-4-2015, Công ty TNHH MTV MT-ĐT Quảng Bình hoàn thành các thủ tục để đi vào hoạt động theo mô hình cổ phần, sớm hơn 6 tháng theo lộ trình.

Qua đợt CPH lần này, dư luận hết sức quan tâm việc CPH 3DN nói trên thực sự có hiệu quả hay không và đề nghị Sở Tài chính, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc đánh giá tài sản, tài chính, xử lý công nợ, tránh xảy ra thất thoát vốn của nhà nước.

Trọng Thái