.

Phụ nữ Quảng Hải giúp nhau phát triển kinh tế

Thứ Hai, 14/04/2014, 13:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Hội Phụ nữ xã Quảng Hải (thị xã Ba Đồn) thực hiện hiệu quả trong thời gian qua. Từ đó, không chỉ góp phần giúp chị em hội viên có việc làm, vươn lên thoát nghèo, mà còn tác động đáng kể vào công tác giảm nghèo ở địa phương.

Hội Phụ nữ Quảng Hải hiện có 426 hội viên, chủ yếu sống bằng nghề nông. Trong những năm qua, phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình" ở Quảng Hải tiếp tục phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu và thật sự đi vào cuộc sống, tạo sự thay đổi đáng kể trong nhận thức và đời sống của hội viên, phụ nữ. Để thúc đẩy phong trào phát triển, Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình bằng nhiều hình thức như: mở rộng các loại hình kinh doanh dịch vụ, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm kinh tế trang trại tổng hợp, chăn nuôi tập trung, tận dụng và khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương phát triển kinh tế có hiệu quả.

Chị Cao Thị Quý, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Giảm nghèo là vấn đề quan trọng, là đòn bẩy tạo nên sự thành công của các phong trào khác. Bởi vậy, việc nâng cao thu nhập cho chị em luôn được Hội quan tâm, triển khai bằng nhiều hình thức thiết thực. Để giúp hội viên tìm được hướng đi đúng trong phát triển kinh tế, hàng năm ngoài việc phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng kỹ thuật mới, đưa các giống cây có năng suất cao vào sản xuất, tập huấn nâng cao nghề nón, Hội còn đứng ra tín chấp với ngân hàng chính sách cho các hội viên gặp khó khăn vay. Nguồn vốn vay do hội quản lý lên đến trên 1,7 tỷ đồng. 100% chị em đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, từ đó đã phát huy hiệu quả trong xây dựng mô hình chăn nuôi, mở rộng diện tích rau màu, dịch vụ...

Cùng với đó, việc xây dựng tổ tiết kiệm cũng ngày càng có hiệu quả. Với tinh thần đoàn kết, "tương thân tương ái", các chị em còn giúp đỡ nhau về con giống, cây giống, kỹ thuật sản xuất và ngày công. Thông qua các mô hình, chị em được hướng dẫn kĩ thuật, bước đầu tiếp thu và ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, canh tác. Bên cạnh đó, Hội đã tổ chức các buổi giao lưu cho hội viên học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế, tổ chức vận động chị em đổi công cho nhau lúc thu hoạch bận rộn.

 Phụ nữ xã Quảng Hải với nghề làm nón.
Phụ nữ xã Quảng Hải với nghề làm nón.

Có được nguồn vốn, nắm bắt được kỹ năng, quy trình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, nhiều chị em đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả ra đời từ sự cần cù, chịu khó và nghị lực vươn lên thoát nghèo của chị em. Tiêu biểu có mô hình chăn nuôi tổng hợp của chị Nguyễn Thị Tâng (Tân Thượng). Từ chỗ là một hộ nghèo của xã, được sự khuyến khích, hỗ trợ của Hội phụ nữ xã và chính quyền địa phương, chị đã mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp. Ban đầu, chị chỉ nuôi với số lượng ít. Sau đó, nhận thấy hiệu quả của mô hình, chị Tâng đầu tư nuôi nhiều hơn. Đến nay, với đàn lợn, đàn bò số lượng khá lớn và hơn 2ha nuôi ếch, cá, mỗi năm gia đình chị thu nhập gần 150 triệu đồng, vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.

Ngoài ra, còn rất nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt của phụ nữ Quảng Hải đem lại hiệu quả kinh tế cao như: như mô hình chăn nuôi của chị Nguyễn Thị Tâm (Vân Bắc), chị Nguyễn Thị Hời (Tân Đông), mô hình nuôi trồng thuỷ sản của chị Cao Thị Luyền (Vân Đông), mô hình dịch vụ của chị Nguyễn Thị Năm (Vân Nam)...

Năm 2010, nón lá Vân Lôi được chính thức công nhận là làng nghề của tỉnh ta. Xác định đây là một trong những "đòn bẩy" nhằm giúp chị em hội viên tăng thêm nguồn thu nhập để cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế của địa phương, Hội Phụ nữ xã Quảng Hải đã tích cực vận động chị em tích cực đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của làng nghề, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Ngoài việc đồng áng, vườn tược, đa phần các chị em đều tranh thủ những lúc rãnh rỗi làm nón, tạo thêm nguồn thu cho gia đình.

Nhờ được tập huấn đầy đủ về kỹ thuật, kinh nghiệm, Hội đã xây dựng được mô hình sản xuất nón lá ở địa phương và đã đi vào hoạt động có hiệu quả. Theo số liệu thống kê của UBND xã Quảng Hải, năm 2013, thu nhập từ nón lá của địa phương đạt trên 3,75 tỷ đồng, góp phần đáng kể vào việc nâng cao thu nhập cho người dân đặc biệt là chị em phụ nữ.

Bên cạnh việc giúp hội viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, Hội Phụ nữ xã Quảng Hải đã có nhiều hoạt động để giúp phụ nữ khẳng định được vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Hội rất chú trọng việc tuyên truyền thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước về bình đẳng giới.

Thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ, vận động chị em thực hiện KHHGĐ, xây dựng gia đình theo 4 chuẩn mực "ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc", xây dựng gia đình văn hoá; xây dựng câu lạc bộ sinh kế và quyền phụ nữ, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc và câu lạc bộ không sinh con thứ 3... Nhờ đó, đời sống của các hội viên, phụ nữ Quảng Hải ngày càng được cải thiện đáng kể. Nhiều chị từ chỗ rụt rè, sống khép kín, nay mạnh dạn tham gia vào các hoạt động tập thể, các phong trào văn hoá văn nghệ ở địa phương.

Có thể nói, hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp nhau thoát nghèo của Hội Phụ nữ xã Quảng Hải đã đem lại hiệu quả thiết thực, không những giúp cho các hộ hội viên nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống mà còn góp phần làm cho phong trào của Hội phát triển mạnh mẽ, tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, khẳng định được vị trí, vai trò của hội trong việc xây dựng và phát triển nông thôn mới, nâng vị thế của người phụ nữ trong thời đại hiện nay, đồng thời góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

          P.V