.

Lệ Thủy: Tích cực chăm sóc cây trồng vụ đông-xuân

Thứ Năm, 10/04/2014, 11:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Những ngày này, thời tiết đang chuyển giao mùa đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh, chuột... sinh sôi, nảy nở và xâm hại cây màu, lúa đông- xuân 2013-2014. Trước tình hình đó, UBND huyên Lệ Thuỷ đã khẩn trương chỉ đạo các phòng, ban chức năng và các xã, thị trấn ở huyện đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, chuột hại lúa để bảo vệ mùa màng...

Sâu bệnh "tấn công" lúa và hoa màu:

Vụ đông- xuân 2013-2014, huyện Lệ Thuỷ tiến hành gieo cấy 10.126 ha lúa (tăng 147 ha so với kế hoạch và tăng 220 ha so với cùng kỳ). Cơ cấu những bộ giống lúa chủ lực mà địa phương này đưa vào sử dụng ở vụ mùa này gồm: giống lúa thuần (Xi23, X21, NX30, 94-11, X33...) với diện tích từ 5.800 đến 6.000 ha; lúa lai (Nhị ưu 838, Nhị ưu 986, D.ưu 527...): khoảng 500 đến 700 ha; giống lúa chất lượng cao (P290, IR353-66, P6, nếp IJ352, XT28, HT1...) với diện tích từ 2.500 đến 2.800 ha; giống lúa tiến bộ kỹ thuật: khoảng 600 ha.

Đặc biệt, ở vụ lúa này, Lệ Thuỷ đã chỉ đạo một số địa phương mạnh dạn thực hiện cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 543 ha (trong đó, xã Phong Thuỷ: 108 ha; Liên Thuỷ: 85 ha; An Thuỷ: 280 ha; Sơn Thuỷ: 70 ha; mô hình SRI (canh tác lúa cải tiến) với diện tích 105,7 ha tại xã An Thuỷ và Lộc Thuỷ... ). Bên cạnh đó, toàn huyện đã trồng 550 ha khoai lang/kế hoạch 550 ha; sắn 760 ha/kế hoạch 760 ha; rau dưa các loại 902/ kế hoạch 900 ha; ngô 213 ha/kế hoạch 200 ha; lạc 383 ha/kế hoạch 250 ha...

Nông dân phun thuốc trừ sâu bảo vệ lúa đông - xuân.
Nông dân phun thuốc trừ sâu bảo vệ lúa đông - xuân.

Thông tin từ Trạm bảo vệ thực vật huyện Lệ Thuỷ cho biết, từ ngày 21-3 đến 27-3-2014, vào thời điểm lúa đông-xuân 2013-2014 đang trong thời kỳ đứng cái (làm đòng) thì xuất hiện nạn chuột hại lúa với diện tích trên 125 ha (giảm 30 ha so với tuần trước), tỷ lệ chuột gây hại từ 1 - 2%, có nơi lên tới 4 - 5%), tập trung ở các xã như: Trường Thuỷ, Thái Thủy, Văn Thuỷ, Mai Thuỷ, Xuân Thuỷ, Phú Thuỷ, Sơn Thuỷ, Tân Thuỷ, Dương Thuỷ, Hoa Thuỷ, Lộc Thuỷ... Ngoài ra, bệnh đạo ôn cũng xuất hiện trên cây lúa với diện tích 175 ha (tăng so với tuần trước 5 ha), tỷ lệ bệnh từ 7-10%; nơi cao từ 20-30% (cấp bệnh C1-C3, nơi cao C5-C7). Tiếp đó, đã xuất hiện cháy cục bộ trên các bộ giống lúa Xi23, P6, tập trung ở các xã Tân Thuỷ, Dương Thuỷ, An Thuỷ, Sen Thuỷ, Văn Thuỷ, Liên Thuỷ, Xuân Thuỷ, Trường Thuỷ, Phong Thuỷ, Phú Thuỷ, Mai Thuỷ, Cam Thuỷ, Sơn Thuỷ, thị trấn Kiến Giang...

Cũng trong quãng thời gian này, trên địa bàn Lệ Thuỷ xuất hiện rầy lưng trắng trên diện tích 5 ha, mật độ 20-30 con/m2, nơi cao 60-70 con/m2, tập trung tại các xã Phú Thuỷ, Liên Thuỷ, Mai Thuỷ, Xuân Thuỷ... Sâu cuốn lá cũng xuất hiện rải rác ở một số nơi.

Đối với các loại cây rau, thời gian qua trên địa bàn Lệ Thuỷ xuất hiện sâu cuốn lá với diện tích khoảng 30ha, mật độ 3-5 con/m2, tập trung ở các xã Hồng Thuỷ, Thanh Thuỷ, Cam Thuỷ, Hưng Thuỷ... Khoảng 6 ha cây màu tại các xã nói trên cũng bị rệp phá hại với mật độ 300-500 con/m2. Đối với cây ớt, trên địa bàn đã xuất hiện sâu keo với diện tích bị hại 6ha (giảm so với tuần trước 1 ha), mật độ 2-3 con/m2, tập trung ở các xã An Thuỷ, Thanh Thuỷ, Hồng Thuỷ, Cam Thuỷ. Bên cạnh đó, bệnh thán thư xuất hiện trên cây ớt với diện tích khoảng 7 ha; bệnh héo rũ xuất hiện trên cây ớt 2ha, lạc 2ha...

Tích cực chăm sóc cây trồng:

Xác định là địa phương có diện tích lúa lớn bậc nhất tỉnh, kinh tế nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội..., thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lệ Thủy đã kịp thời tham mưu cho UBND huyện tăng cường các biện pháp chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các xã, thị trấn tích cực "bám sát đồng ruộng", "vườn rau"... để theo dõi sát sao, kịp thời đưa ra các biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ bà con nông dân cách thức chăm sóc, phòng trừ chuột, sâu bệnh hại lúa, cây màu theo từng thời điểm, từng giai đoạn, từng loại sâu bệnh cụ thể...

Anh Nguyễn Văn Nghĩa, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lệ Thủy cho biết: Trước tình hình chuột, sâu bệnh xuất hiện gây hại cho lúa, từ đầu vụ lúa đông-xuân 2013-2014 đến nay, UBND huyện Lệ Thủy đã liên tục ban hành các chỉ thị, công văn chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ động phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông, các xã, thị trấn trong huyện... khẩn trương triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa.

Nông dân Lệ Thuỷ diệt chuột bằng bã sinh học kết hợp đánh bắt thủ công.
Nông dân Lệ Thuỷ diệt chuột bằng bã sinh học kết hợp đánh bắt thủ công.

Bên cạnh đó, UBND huyện cũng chỉ đạo cắt cử đội ngũ cán bộ có chuyên môn trực tiếp về tận cơ sở để hướng dẫn, chỉ đạo bà con nông dân cách thức phòng trừ chuột, và đối với từng loại sâu bệnh hại lúa, hoa màu cụ thể. Đi cùng với việc phòng trừ chuột, sâu bệnh, từ ngày 13 đến ngày 19-3-2014, đơn vị chúng tôi đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, các ngành, địa phương liên quan tiến hành ra quân đồng loạt (trong đó lấy lực lượng ĐVTN làm nòng cốt) diệt chuột trên diện rộng. Kết quả, đã có 20/28 xã, thị trấn tham gia; ngay trong ngày 13-3-2014, đã phối hợp với Huyện đoàn, Đài TT- TH huyện Lệ Thuỷ tổ chức phát động ra quân diệt chuột tại xã Liên Thuỷ và lấy địa phương này làm điểm để nhân rộng ra các địa phương khác...

Tính từ đầu mùa vụ tới nay, Lệ Thuỷ đã tổ chức được 3 đợt ra quân diệt chuột đồng loạt, với tổng số thuốc sinh học đã sử dụng 13.097 kg (trong đó lực lượng ĐVTN phối hợp với các thôn, HTX và nông dân triển khai rải thuốc với số lượng 4.635 kg (huyện hỗ trợ 50% giá thuốc, dân đối ứng 50% ). Ngoài ra, tỉnh cũng đã hỗ trợ thêm một khối lượng thuốc hoá học RAT-K cho Lệ Thuỷ để phục vụ công tác diệt chuột. Các xã, thị trấn trên địa bàn ngoài việc sử dụng thuốc sinh học, còn kết hợp với phương pháp đánh bắt thủ công. Chính nhờ việc tổ chức diệt chuột bằng bả sinh học kết hợp phương pháp thủ công theo phương thức "đánh đồng loạt trên diện rộng, cùng thời điểm..." nên nạn chuột hại lúa đã giảm rất đáng kể... Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức thêm các đợt ra quân diệt chuột trên diện rộng nhằm ngăn ngừa tối đa nạn chuột hại lúa, hoa màu.

Được biết, song song với công tác đẩy mạnh diệt chuột và sâu bệnh, thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT Lệ Thuỷ cũng tăng cường chỉ đạo bà con nông dân tích cực bón phân, tưới tiêu, chăm sóc hợp lý cho lúa và hoa màu...; chủ động túc trực "bám đồng" để theo dõi các mầm bệnh xuất hiện từ đó kịp thời xử lý các mầm bệnh từ trong "trứng nước" đạt hiệu quả cao; đối với những loại sâu bệnh nguy hại, kịp thời báo với cơ quan chức năng để sớm có biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát, không để sâu bệnh lây lan trên diện rộng, vượt tầm kiểm soát ... 

Văn Minh