.

Tìm hướng đi phát huy hiệu quả tủ thuốc thú y cơ sở: San sẻ gánh nặng trên vai người chăn nuôi...

Thứ Ba, 08/04/2014, 08:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Đối với người chăn nuôi, trong bối cảnh các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang ngày càng trở nên phổ biến và gia tăng về mức độ tác động, các tủ thuốc thú y cơ sở được xem là một trong những kênh phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, nhanh chóng, kịp thời nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý và phát huy vai trò của các tủ thuốc thú y cơ sở vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.

Cách đây vài năm, một dự án hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh ta đã triển khai công tác xây dựng các tủ thuốc thú ý tại 5 xã khó khăn trên địa bàn huyện Bố Trạch. Tủ thuốc vừa hướng tới mục tiêu nâng cao ý thức của người dân về công tác thú y, vừa đáp ứng kịp thời nhu cầu về thuốc, vắc xin phòng, chống dịch bệnh của đội ngũ cán bộ thú ý cấp cơ sở.

Bên cạnh đó, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc thú y đa dạng về chủng loại, phong phú về cách sử dụng, trong khi trình độ, hiểu biết của người chăn nuôi ở một số vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Vì vậy, tủ thuốc thú y cơ sở cùng sự hướng dẫn, trợ lực của cán bộ thú y địa phương sẽ góp phần không nhỏ trong việc xây dựng các vùng an toàn trong chăn nuôi, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Thế nhưng, trong quá trình triển khai, tính hiệu quả của các tủ thuốc thú y cơ sở vẫn chưa được phát huy như kỳ vọng đặt ra ban đầu.

Xã Xuân Trạch (Bố Trạch) được hỗ trợ 1 tủ cất giữ vắc xin an toàn và 1 một cơ số thuốc với số vốn khoảng 5 triệu đồng. Ban Thú y xã có nhiệm vụ quản lý, điều hành tủ thuốc. Ông Hoàng Phượng, Trưởng ban Thú y xã Xuân Trạch cho biết, theo kế hoạch, số thuốc này được sử dụng quay vòng. Tức là, thuốc được bán cho người dân có nhu cầu, số tiền thu về sẽ tiếp tục được dùng để mua các loại thuốc khác và cứ liên tục quay vòng như thế. Bà con khi phát hiện bệnh trên vật nuôi, đều tìm đến thú y viên của xã để được tư vấn, định hướng điều trị.

Tuy nhiên, nhiều loại thuốc được cấp trong tủ thuốc thú y lại không phù hợp, “xa lạ” với tình hình dịch bệnh ở địa phương. Trong khi một số thuốc trị các bệnh ít xuất hiện, thậm chí không xuất hiện trên đàn gia súc, gia cầm của xã thì dư thừa, còn nhiều bệnh thông thường, hay gặp lại thiếu thuốc. Ông Hoàng Phượng chia sẻ, không ít thuốc quá hạn sử dụng, tồn dư phải đem đi tiêu hủy, rất lãng phí.

Để tăng cường tính chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở cấp cơ sở, các tủ thuốc thú y đóng vai trò quan trọng.
Để tăng cường tính chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở cấp cơ sở, các tủ thuốc thú y đóng vai trò quan trọng.

Hiện nay, tủ thuốc vẫn được duy trì nhưng nguồn vốn chủ yếu do các thú y viên tự bỏ ra để mua các loại thuốc trị bệnh thường gặp trên gia súc, gia cầm. Nhưng, do nguồn vốn của anh em cũng khá hạn hẹp, cho nên không phải loại thuốc nào cần trong quá trình điều trị cũng có. Mặt khác, Xuân Trạch có hơn 90% dân số tham gia chăn nuôi gia súc, gia cầm và thường theo quy mô nhỏ lẻ, bà con nhiều khi không có điều kiện trả tiền thuốc, phải đợi đến khi bán được vật nuôi mới trả được. Nguồn vốn quay vòng cũng vì thế lại càng vất vả hơn. Xã Phú Định (Bố Trạch) cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.

Theo chị Nguyễn Thị Hương, cán bộ thú y xã Phú Định, trong 5 tủ thuốc của dự án đến với 9 thôn, hiện nay, chỉ có 3 tủ thuốc ở thôn 4, 6 và 7 còn hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu là do tổng đàn gia súc, gia cầm của xã không nhiều, các bệnh dịch ít gặp và nhiều loại thuốc không phù hợp, để một thời gian dài quá hạn sử dụng. Chị Nguyễn Thị Hương ước đoán, khoảng hơn 70% thuốc trong tủ thuốc thú y cơ sở hầu như không sử dụng đến. 3 tủ thuốc còn lại hiện nay cũng đang duy trì theo hình thức dịch vụ với nguồn vốn chủ yếu từ nguồn cá nhân của thú y viên. Với nguồn vốn ít ỏi, một số căn bệnh có chu kỳ 1 hoặc 2 năm mới xuất hiện trên một vài con gia súc, gia cầm, nhưng thú y viên không dám mua thuốc dự trữ, dẫn đến thiếu tính chủ động trong phòng, chống dịch bệnh.

Bà Phạm Thị Lan, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Bố Trạch khẳng định thêm, tủ thuốc thú y tập thể cấp xã thường có tình trạng “cha chung không ai khóc”, khâu quản lý chưa được chặt chẽ, thiếu kinh nghiệm. Trên địa bàn huyện, ngoài 5 xã (Xuân Trạch, Phú Định, Lâm Trạch, Phúc Trạch, Sơn Trạch) nằm trong dự án được hỗ trợ tủ thuốc thú y, các xã còn lại đều duy trì tủ thuốc thú y cá nhân gắn liền với thú y viên. Trạm thường xuyên phối kết hợp với các ban, ngành liên quan để thanh kiểm tra, giám sát về chứng chỉ hành nghề của thú y viên, chất lượng và nguồn gốc của thuốc.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là trong bối cảnh nhiều thú y viên tham gia tự điều trị bệnh, việc quản lý đầu ra của thuốc không hề đơn giản. Theo ông Hoàng Xuân Thành, Phó phòng Thú y Cộng đồng, Chi cục Thú y, Sở Nông nghiệp và PTNT, tính đến thời điểm tháng 10-2013, Chi cục quản lý 1 đại lý, 5 công ty và 56 quầy kinh doanh dịch vụ thuốc thú y tại các điểm chợ trên địa bàn, còn các tủ thuốc thú y cấp xã sẽ do Trạm Thú y huyện kiểm soát.

Mỗi năm, Chi cục đều cấp chứng chỉ hành nghề thú y cho các đối tượng đủ điều kiện, năm 2013, đã có 23 chứng chỉ được cấp. Điều đáng lo ngại là khi có dịch bệnh xảy ra, các thú y viên cũng có thể là nguyên nhân làm lây lan, phát tán mầm bệnh nếu họ điều trị từ chỗ nay sang chỗ khác một cách tràn lan. Ngoài ra, một hiện tượng không kém phần lo lắng khác vẫn đang diễn ra ở các cơ sở chăn nuôi lớn, quy mô trang trại, đó là nhiều công ty thức ăn chăn nuôi chủ động cung cấp nguồn thuốc hoặc vắc xin giá rẻ cho người dân để giữ chân khách hàng. Nguồn thuốc này được xem là khó kiểm soát về cả chủng loại và chất lượng. Mặt khác, mặc dù vai trò của Ban Thú y xã rất lớn trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở địa phương, nhưng trong nhiều trường hợp việc báo cáo tình hình các bệnh mang tính đặc thù của địa bàn mình vẫn còn tương đối, thiếu cụ thể.

Không thể phủ nhận hiệu quả của các tủ thuốc thú y cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh ngay từ thời điểm đầu tiên, nhưng việc duy trì và quản lý, phát huy vai trò của các tủ thuốc này để giảm bớt gánh nặng đối với người chăn nuôi không phải là việc đơn giản, “một sớm một chiều”. Ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh khẳng định, Chi cục đã đặt vấn đề phát triển tủ thuốc thú y cấp xã đối với một số dự án. Nhưng, vấn đề đặt ra là không phải xã nào cũng cần có tủ thuốc thú y, phải tùy theo tính chất, quy mô chăn nuôi của từng vùng, phải có sự đề xuất từ chính nhu cầu của người dân và cần có sự chủ động, linh hoạt từ chính quyền địa phương. Sau khi có tủ thuốc thú y cấp xã, khâu quản lý, kiểm soát cũng đòi hỏi tính hợp lý và hệ thống để vừa kiểm soát được đầu vào, đầu ra của thuốc, vừa hỗ trợ tích cực cho đội ngũ thú y viên.

Ông Hoàng Xuân Thành thì cho rằng, việc khoanh vùng chăn nuôi trọng điểm và căn cứ vào tình hình sản xuất nông nghiệp ở mỗi địa phương để xây dựng tủ thuốc thú y cấp xã, cấp thôn đóng vai trò quan trọng. Đồng thời, cần tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng thuốc thú y và chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn của đội ngũ thú y viên cấp cơ sở.

Mai Nhân