Nước mắm Xuân Hòa: Cần có một thương hiệu

Cập nhật lúc 09:19, Thứ Tư, 23/01/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Vốn là một làng nghề sản xuất nước mắm ngon và đậm đà nổi tiếng hàng chục năm qua, nhưng ngày nay, nước mắm Xuân Hòa, xã Quảng Xuân, Quảng Trạch vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, ảnh hưởng đến sự phát triển của nghề truyền thống này.

Thôn Xuân Hòa, xã Quảng Xuân, Quảng Trạch là một trong những địa phương có nghề truyền thống chế biến nước mắm thuộc loại lớn của tỉnh ta. Tuy nhiên, nước mắm Xuân Hòa vẫn chưa có một thương hiệu chính thức để cạnh tranh với các sản phẩm ở các địa phương khác, họ đang cần một thương hiệu.

Quảng Xuân là xã miền biển, lắm tôm cá nên thuận lợi cho người dân phát triển nghề làm nước mắm. Trong đó, thôn Xuân Hòa có 699 hộ/3430 nhân khẩu thì đã có 160 hộ làm nước mắm bán ra thị trường trong tỉnh. Tuy nhiên, để vươn xa hơn nữa thì thương hiệu của sản phẩm là điều rất quan trọng đối với những người làm nước mắm nơi đây.

Sản xuất nước mắm ở đây chủ yếu bằng phương pháp thủ công, được truyền từ đời này sang đời khác, hương vị nước mắm nguyên chất đậm đà, thơm ngon, không dùng các hóa chất phụ gia trong chế biến. Nhờ vậy, sản phẩm nước mắm của địa phương được người tiêu dùng tín nhiệm, đánh giá cao về chất lượng. Tại hội chợ Bình Định, năm 2010, nước mắm Xuân Hòa được trao giải “Trâu Vàng Đất Việt”, nước mắm nguyên chất, thơm ngon, đậm đà.

Không có thương hiệu nên nước mắm Xuân Hòa khó cạnh tranh với nước mắm chế biến theo phương thức công nghiệp.
Không có thương hiệu nên nước mắm Xuân Hòa khó cạnh tranh với nước mắm chế biến theo phương thức công nghiệp.

Trên thị trường hiện nay có tới hàng trăm loại nước mắm khác nhau bày bán, quảng cáo và tiếp thị rầm rộ. Chính truyền thông mạnh là yếu tố giúp nước mắm chế biến theo phương thức công nghiệp chiếm lĩnh thị trường. Nước mắm các địa phương ở tỉnh ta mặc dù đạt chất lượng cao nhưng khó cạnh tranh với các sản phẩm khác.

Làm nước mắm đã nhiều năm nhưng khi nói đến thương hiệu thì người dân ở đây chưa biết thương hiệu của nước mắm địa phương mình. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nước mắm Xuân Hòa từng có nhãn mác là Hòa Phát, nhưng khi đăng ký thương hiệu thì đã bị trùng tên. Hiện nay, nhãn mác của nước mắm Xuân Hòa có tên là Hòa Vang nhưng chưa được công nhận. Xuân đến, Tết về, đây là lúc để bà con nơi đây xuất bán những sản phẩm trong năm của mình cho thị trường Tết. Thế nhưng sản phẩm của họ chưa vươn xa khỏi địa phương mình vì chưa có thương hiệu.

Bà Hoàng Thị Phiếu (Phó chủ nhiệm Hợp tác xã nước mắm Hòa Vang) cho biết: “Hiện nay, nước mắm sản xuất ra đều được tiêu thụ hết, nhưng nếu người dân mở rộng sản xuất thì sợ rằng sẽ có sản phẩm tồn kho. Việc thiếu thương hiệu, nhãn mác hàng hóa chưa được người tiêu dùng biết đến, thiếu chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, thiếu khả năng tiếp cận với thị trường bên ngoài đó là những rào cản lớn của những người chế biến nước mắm ở thôn Xuân Hòa ngày nay”.

Trước đây, bà con làm nghề chế biến nước mắm ở Xuân Hòa không có lù bể thông, họ chỉ biết chắt và lọc lại bằng vải thưa. Từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, nước mắm bị đen, dễ trở mùi. Nguyên nhân là do quá trình giang phơi náo đảo cá không đều, hoặc do lù không thông nên cá không chín cùng một lúc, dẫn đến nước mắm chỗ chín trước chỗ chín sau và nhanh bị hỏng.

Ngày nay, qua các lớp học, người dân đã biết dùng bể lù thông suốt, biết cách náo đảo nên nước mắm nơi đây đang ngày càng có chỗ đứng ở thị trường. Tạo niềm tin cho người tiêu dùng, vì thương hiệu nước mắm ngon, đậm đà.

Để sản phẩm nước mắm truyền thống Xuân Hòa phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, ngoài việc đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng, mở rộng sản xuất thì việc xây dựng thương hiệu là rất cần thiết.

                                                                            Thanh Hoa  







 

,
.
.
.