Góp sức cùng người nghèo vượt khó

Cập nhật lúc 08:04, Thứ Ba, 22/01/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa đã tích cực thực hiện đầu tư nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách với nhiều chương trình cho vay đa dạng và phong phú. Ngân hàng thực sự đã trở thành công cụ có hiệu quả của cấp ủy đảng và chính quyền để phục vụ cho mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, đồng thời là điểm tựa tin cậy cho người nghèo...

Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Minh Hóa từ khi thành lập đến nay đã có sự đóng góp rất hiệu quả trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở địa bàn miền núi rẻo cao này. Với chức năng nhiệm vụ được giao, Ngân hàng đã trở thành “bà đỡ” cho người dân Minh Hóa trong công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động... qua đó góp phần với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp xây dựng bộ mặt nông thôn với nhiều khởi sắc.

Bên cạnh đó, hệ thống của Ngân hàng CSXH huyện ngày càng được củng cố và phát triển, với các hội đoàn thể thực hiện ký ủy thác bán phần; tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện hợp đồng ủy nhiệm và mạng lưới điểm giao dịch cố định tại các xã.

Năm 2012, Ngân hàng đã tập trung nguồn vốn vay ưu đãi để người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là các chương trình kinh tế trọng điểm trên địa bàn như: phát triển chăn nuôi, trồng rừng kinh tế, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong các tổ chức đoàn thể, Hội Nông dân huyện là lực lượng nòng cốt (8.510 hội viên) trong sản xuất phát triển kinh tế. Trước đây đa số hội viên nông dân đều thiếu thốn, khó khăn về vốn đầu tư sản xuất. Nhưng từ khi Ngân hàng CSXH huyện Minh Hóa đi vào hoạt động ở địa phương, Hội đã nhanh chóng nắm bắt các văn bản về chỉ đạo và hướng dẫn của cấp trên, của Ngân hàng CSXH để tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, hội viên và nhân dân về quyền lợi, trách nhiệm và quy chế quy trình vay vốn. Đồng thời tổ chức ký hợp đồng liên tịch, tạo điều kiện cho 16 Hội Nông dân xã, thị trấn ký ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện bảo đảm cho hội viên vay vốn đầu tư phát triển sản xuất.

Đến nay, tổng dư nợ do Hội Nông dân huyện quản lý là 129.116 triệu đồng, với 5.996 hộ vay. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, nhiều hội viên nông dân đã có điều kiện đầu tư vào sản xuất với nhiều mô hình làm ăn rất hiệu quả như: kinh doanh dịch vụ thương mại, phát triển chăn nuôi, trồng rừng kinh tế,...

Điển hình như các hội viên: Đinh Thị Kim Tiến ở thị trấn Quy Đạt, Đinh Phương Đông ở xã Hóa Hợp, Đinh Xuân Khách ở xã Xuân Hóa, Đinh Minh Thành ở xã Hóa Tiến thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Và nhiều hộ gia đình nông dân khác cũng có thu nhập xấp xỉ 90 triệu đồng/năm. Đa số các hội viên nông dân khi vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, tích cực làm ăn để nộp lãi và tiền gốc đúng quy định.

Mô hình trồng tre lấy măng vừa giải quyết việc làm,  vừa tăng thu nhập cho bà con.
Mô hình trồng tre lấy măng vừa giải quyết việc làm, vừa tăng thu nhập cho bà con.

Một tổ chức khác trong thực hiện ủy thác và sử dụng vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện có hiệu quả là Hội LHPN huyện Minh Hóa. Với tổng số hội viên là 7.672 người sinh hoạt ở 134 chi hội cơ sở, Hội LHPN huyện Minh Hóa trong những năm qua đã phát huy vị trí vai trò của mình trong xây dựng “tổ ấm” cũng như đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế gia đình, từng bước nâng cao đời sống.

Nhất là từ khi có chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng CSXH, chị em phụ nữ từ thị trấn Quy Đạt đến những vùng đồng bào dân tộc thiểu số hẻo lánh vùng sâu vùng xa như Dân Hóa, Trọng Hóa đều được tham gia vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình. Đó là chị Cao Thị Xoan (dân tộc Chứt) ở bản Bãi Dinh đã mạnh dạn vay vốn trồng cao su, keo lai và chăn nuôi lợn; hội viên Phan Thị Hiền Lương ở thôn Minh Xuân, Xuân Hóa vay vốn trồng rừng và nuôi ong lấy mật, thu nhập 90 triệu đồng mỗi năm; các chị như Đinh Thị Kim Quế ở Ba Nương xã Xuân Hóa, Cao Thị Thu Thanh ở thôn Sy xã Hóa Phúc, Đinh Thị Tính ở Đặng Hóa xã Hóa Sơn và nhiều chị em khác cũng nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH đầu tư trồng rừng, chăn nuôi đã đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Từ ngồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, các hội viên Hội LHPN huyện Minh Hóa, đặc biệt là chị em phụ nữ dân tộc thiểu số đã mạnh dạn hơn trong cách nghĩ cách làm về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đồng thời tham gia hăng hái các hoạt động Hội và các hoạt động xã hội khác...

Bà Đinh Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Trước đây đời sống kinh tế của đa số chị em phụ nữ huyện Minh Hóa đều thiếu thốn, nên công tác tập hợp hội viên rất khó khăn. Nhưng trong những năm gần đây, nhờ có chính sách ưu đãi cho vay vốn với lãi suất thấp, nhiều phụ nữ đã có điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập ổn định nên đời sống của gia đình chị em được nâng cao. Nhờ đó, công tác tập hợp hội viên và thực hiện nhiều phong trào thi đua do Hội phát động đạt hiệu quả cao hơn.

Không chỉ Hội Nông dân, Hội LHPN mà Ngân hàng CSXH huyện Minh Hóa còn ký kết ủy thác cho vay với các tổ chức khác như Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục con đường học vấn.

Năm 2012, vốn vay của Ngân hàng CSXH đã đến tay các đối tượng với những cơ chế thuận lợi, thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi nên đã thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của người dân trong sản xuất phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Tính đến hết năm 2012, tổng nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện Minh Hóa đạt 190.343 triệu đồng, tăng so với đầu năm là 231 triệu đồng. Trong đó nguồn vốn cân đối từ Trung ương chuyển về 185.754 triệu đồng; nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù 4.419 triệu đồng; và nguồn vốn bổ sung từ ngân sách huyện là 170 triệu đồng.

Tổng doanh số cho vay tính đến hết năm 2012 là 25.094 triệu đồng, với 2.132 lượt hộ vay. Trong đó, cho vay hộ nghèo 10.408 triệu đồng, với 692 lượt hộ vay; cho vay học sinh, sinh viên 7.195 triệu đồng, với 990 lượt hộ vay; cho vay giải quyết việc làm 69 lượt hộ 1.107 triệu đồng. Theo đó dư nợ phân theo chương trình cho vay tính đến cuối năm 2012 là 226.454 triệu đồng, với 10.060 hộ dư nợ, so với đầu năm tăng 9.090 triệu đồng, so kế hoạch giao đạt 99,5%. Hiện tại toàn huyện có 293 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động rất hiệu quả.

Có thể nói, Ngân hàng CSXH huyện Minh Hóa đã khẳng định được vị trí, vai trò trong việc thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn (tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2012 là 43,84%, giảm 11%). Qua đó khẳng định nguồn vốn để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng đã thực sự đi vào cuộc sống được nhân dân đồng tình ủng hộ.

                                                          Minh Văn - Lê Phương






 

,
.
.
.