Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền Tổ quốc

Cập nhật lúc 15:13, Thứ Hai, 17/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Là một tỉnh có bờ biển dài và vùng đặc quyền kinh tế trên biển rộng lớn đến 20.000 km2, có vịnh nước sâu Hòn La kín gió, Quảng Bình có rất nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Cùng với phát triển kinh tế biển, công tác  bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ vững an ninh trật tự trên vùng biển, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để khai thác có hiệu quả nguồn lợi là hướng đi chủ đạo để Quảng Bình sớm trở thành một địa phương có kinh tế biển phát triển.

Mặc dầu nguồn lực kinh tế còn hạn chế nhưng mỗi năm tỉnh ta cũng dành một số kinh phí  đáng kể để lập quy hoạch và đầu tư hạ tầng các vùng ven biển mà trọng tâm là khu vực Hòn La. Từ đó một loạt dự án được mời gọi đầu tư vào vùng ven biển. Một dấu mốc quan trọng đối với tỉnh ta là tháng 6-2008, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập khu kinh tế Hòn La với quy mô gần 10.000 ha. Cùng với cảng Hòn La, khu kinh tế Hòn La được xem là động lực để tỉnh ta phát triển kinh tế biển.

Khu kinh tế Hòn La được quy hoạch thành khu kinh tế tổng hợp với các ngành chủ chốt là công nghiệp phụ trợ, sản xuất điện năng, đóng tàu biển, tàu đánh cá, công nghiệp xi măng, sản xuất thủy tinh cùng với các ngành công nghiệp bổ trợ khác, dịch vụ cảng biển Hòn La, phát triển khu du lịch Vũng Chùa- Đảo Yến, khu đô thị và một số ngành kinh tế khác... Xây dựng và kinh doanh khu phi thuế quan gắn với việc đầu tư khai thác có hiệu quả cảng Hòn La để cùng với quốc lộ 1A, 12A, cửa khẩu Cha Lo, Cầu Treo, Lao Bảo tạo thành cửa ngõ quan trọng thông ra biển Đông của nam Lào, đông bắc Thái Lan và tiểu vùng sông Mê Kông.

Không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây có nhiều nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đến tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các vùng ven biển tỉnh ta. Trong đó có Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam với một loạt dự án lớn đầu tư tại khu vực Hòn La.  Một dự án mang tầm cỡ quốc gia là dự án Trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch với công suất 2.400 MW (2 giai đoạn) đang được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam gấp rút triển khai. Chỉ tính riêng giai đoạn 1 với công suất lắp máy 1.200 MW, khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp cho ngân sách tỉnh 1.000 tỷ đồng mỗi năm...

Một lợi thế về biển đang được người dân tỉnh ta phát huy là đầu tư tàu thuyền công suất lớn để đánh bắt xa bờ, đưa sản lượng hải sản đánh bắt trên biển tăng bình quân từ 7-8% mỗi năm. Đến nay số lượng tàu thuyền khai thác trên biển có trên 5700 chiếc, trong đó tàu có công suất máy 90 CV trở lên khoảng 350 chiếc. Trong năm 2010 và 9 tháng đầu năm 2011, toàn tỉnh đóng mới 83 tàu có công suất lớn, trong đó có 19 chiếc công suất trên 90CV và cải hoán, tu sửa trên 400 tàu các loại phục vụ đánh bắt xa bờ.

Càng ra biển lớn càng gặp phải “sóng to”. Đó là sự cạnh tranh khốc liệt của các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước trên lĩnh vực vận tải hàng hóa, thương mại, dịch vụ quốc tế và cả ngư trường đánh bắt xa bờ. Cạnh Hòn La của tỉnh ta có cảng nước sâu Vũng Áng (Hà Tĩnh) đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và thu hút đầu tư. Điều này cảnh báo với đội ngũ quản lý kinh tế tỉnh ta rằng nếu không nắm bắt cơ hội, thiếu nhanh nhạy, chậm đổi mới và cải cách thủ tục hành chính thì con đường tiến ra biển lớn của tỉnh ta càng thêm xa xôi. Riêng lĩnh vực đánh bắt hải sản cần phải đi bằng “hai chân” là phát triển đánh bắt kết hợp với chế biến xuất khẩu. Nếu như chúng ta chậm đổi mới công nghệ chế biến, ít quan tâm tìm kiếm thị trường xuất khẩu hải sản như hiện nay thì hiệu quả kinh tế từ biển mang lại cho ngư dân tỉnh ta sẽ không cao.

Cảng Hòn La (Quảng Đông, Quảng Trạch) đang phát huy hiệu quả. Ảnh: Tr. Thái
Cảng Hòn La (Quảng Đông, Quảng Trạch) đang phát huy hiệu quả. Ảnh: Tr. Thái

Trong những năm qua, nhờ có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng và sự tham gia tích cực của bà con ngư dân nên tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn trên vùng biển tỉnh ta cơ bản giữ vững ổn định, hiệu quả kinh tế từng bước được nâng cao, công tác bảo vệ, hỗ trợ ngư dân, dự báo, cảnh báo thiên tai và cứu hộ, cứu nạn trên biển ngày càng được chú trọng.

Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội trên biển Đông nói chung và vùng biển tỉnh Quảng Bình nói riêng đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp, các hoạt động tranh chấp vi phạm chủ quyền, các hoạt động buôn lậu, chấn cướp, tranh chấp ngư trường, sử dụng trái phép vật liệu nổ để khai thác hải sản… ngày càng gia tăng, trong khi đó ý thức của một số ngư dân hoạt động trên biển còn hạn chế; đồng thời nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị về chiến lược kinh tế biển và công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự trên biển chưa đầy đủ. Việc tổ chức và phối hợp các lực lượng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong bảo đảm chủ quyền, an ninh trật tự vùng biển.

Để bảo vệ vững chắc vùng biển của ta,  lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh cần tăng cường tuần tra, quản lý bảo vệ vùng biển theo phạm vi được phân công. Cảnh sát biển và các ngành, các địa phương đấu tranh phòng, chống tàu thuyền nước ngoài xâm phạm, các loại tội phạm; giữ gìn an ninh trật tự vùng biển, đảo, cứu hộ cứu nạn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cảng biển, cửa sông, quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra vào, kịp thời phát hiện đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, phối hợp quản lý tàu, thuyền tại các bến neo đậu.

Chính quyền các cấp cần triển khai thực hiện Pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, các quy định của pháp luật về việc cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản đến tận người dân. Các cơ quan chức năng tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động nghề cá. Các địa phương cần quan tâm nghiên cứu, xây dựng phát triển các mô hình kinh tế biển cho nhân dân địa bàn ven biển, kết hợp củng cố quốc phòng, an ninh. 

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về biển, đảo; các biện pháp phát triển kinh tế biển, đảo, làm tốt công tác quy hoạch,  bảo đảm cho sự phát triển kinh tế biển, đảo một cách chủ động; cần có cơ chế phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh, trong khu vực để bảo vệ biển đảo...

                                                                                                   Tr. Thái

,
.
.
.