.

Một cửa điện tử liên thông: Bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính

Thứ Tư, 19/07/2017, 08:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 19-5-2016, UBND tỉnh đã có Công văn số 735/UBND-VX về việc đồng ý chủ trương triển khai giải pháp phần mềm hành chính công - một cửa điện tử liên thông theo đề xuất của Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT), triển khai áp dụng tại một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Từ đó đến nay, hiệu quả của công tác này đã được phát huy, mang lại sự hài lòng cho nhân dân.

Có mặt tại Trung tâm một cửa liên thông TP. Đồng Hới vào một ngày đầu tuần, chúng tôi nhìn thấy không khí làm việc khẩn trương, chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ nơi đây. Dù mới buổi sáng, tuy nhiên, số lượng người dân đến giao dịch tại đây khá đông đúc. Thế nhưng, điều khiến chúng tôi ấn tượng là mọi thủ tục đều được giải quyết nhanh chóng, từ việc lấy số thứ tự đến việc tra cứu tình trạng hồ sơ. Những khúc mắc của người dân khi đến giao dịch cũng được giải quyết thỏa đáng.

Ông Nguyễn Đức Thắng (Thuận Đức, TP. Đồng Hới) cho biết, mặc dù ở khá xa trung tâm thành phố và đây cũng không phải là lần đầu tiên ông đến làm việc tại Trung tâm một cửa liên thông, nhưng lần nào cũng không cần phải chờ đợi lâu, chỉ cần lấy số thứ tự, đợi đến giờ hẹn trả kết quả là mọi thủ tục đều đã được giải quyết nhanh chóng.

Để tạo điều kiện thuận lợi và giảm thời gian giải quyết công việc cho công dân và doanh nghiệp, trong những năm qua, TP. Đồng Hới luôn chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cải cách hành chính. Việc tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận Một cửa liên thông của thành phố đã được quan tâm thực hiện. Từ năm 2008 đến 2016, UBND thành phố triển khai thực hiện phần mềm một cửa liên thông do công ty EFY xây dựng.

Tuy nhiên, phần mềm này chỉ phần nào đáp ứng công việc tiếp nhận giải quyết các thủ tục, chưa kiểm soát được tình hình giải quyết hồ sơ quá hạn. Để khắc phục hạn chế này, năm 2016, UBND thành phố đã cho triển khai phần mềm một cửa điện tử liên thông của VNPT, tích hợp với định hướng xây dựng các hệ thống chính quyền điện tử, có nhiều tính năng mới, mang tính đột phá trong cải cách hành chính.

Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, số hồ sơ tồn đọng, hồ sơ quá hạn giảm đáng kể, thái độ phục vụ người dân có nhiều chuyển biến tích cực. Theo bà Lê Thị Thu Cúc, Chánh văn phòng HĐND - UBND TP. Đồng Hới, trong 6 tháng đầu năm 2017, Trung tâm một cửa liên thông thành phố đã tiếp nhận hơn 14.000 hồ sơ, trong đó, đã giải quyết xong hơn 11.000 hồ sơ. Các thủ tục hành chính được rà soát đơn giản, dễ hiểu, quy trình giải quyết công việc được điều chỉnh thực sự hợp lý, khoa học, công khai.

Cũng theo bà Cúc, việc xây dựng và triển khai phần mềm một cửa điện tử giữa thành phố với xã, phường đã góp phần nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ, hạn chế tối đa hồ sơ chậm trễ và tồn đọng, góp phần thay đổi nhận thức, lề lối làm việc của cán bộ công chức, viên chức.

Người dân đến giao dịch tại Trung tâm một cửa liên thông TP. Đồng Hới.
Người dân đến giao dịch tại Trung tâm một cửa liên thông TP. Đồng Hới.

Phần mềm một cửa điện tử liên thông là một ứng dụng tin học hóa các giao dịch giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan hành chính nhà nước và giữa các cơ quan hành chính nhà nước theo cơ chế “một cửa liên thông” để giải quyết các thủ tục hành chính.

Trước đây, nhiều huyện, thị xã, các ban, ngành cấp tỉnh cũng đã triển khai phần mềm một cửa, nhưng thực hiện riêng lẻ và không mang tính đồng bộ. Ngày 9-9-2015, UBND tỉnh đã có công văn số 1734/VPUBND-VX giao cho Sở TT-TT tham mưu giải pháp triển khai một cửa điện tử liên thông tại tỉnh Quảng Bình. Sở TT-TT đã tổ chức nghiên cứu, rà soát, đánh giá các giải pháp triển khai.

Trong đó, giải pháp triển khai phần mềm của Tập đoàn VNPT là giải pháp tối ưu, tận dụng, phát huy được hạ tầng đã đầu tư, công nghệ hiện đại, dễ dàng, thuận lợi trong việc phát triển, nâng cấp, hiệu chỉnh trong quá trình ứng dụng và tạo sự đồng bộ giữa cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Ngoài UBND phố Đồng Hới, có 6 cơ quan cấp sở đã triển khai phần mềm này gồm: kế hoạch và Đầu tư, TT-TT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý khu kinh tế, Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường. Chỉ tính riêng Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2017, đã giải quyết gần 1.300 bộ hồ sơ về lĩnh vực đăng ký kinh doanh, lĩnh vực đầu tư và đấu thầu...

Thực tế từ việc áp dụng mô hình này tại Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy việc thực hiện nhanh, gọn, hiệu quả các thủ tục đầu tư đã giúp các doanh nghiệp rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, nhanh chóng triển khai dự án vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Các văn bản pháp quy và biểu mẫu quy định về thành phần hồ sơ, mẫu đơn, mẫu tờ khai, trình tự, cách thức, thời gian, lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động nhà đầu tư và đăng ký kinh doanh, thẩm định dự án cũng được niêm yết minh bạch, khoa học.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Huế, Giám đốc Trung tâm CNTT và Truyền thông Quảng Bình, để phần mềm một cửa điện tử liên thông thực sự có hiệu quả tích cực, thời gian đầu, trung tâm đã cử cán bộ trực tiếp đến hướng dẫn, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong cài đặt sử dụng, vận hành.

Qua đó, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính của tổ chức, công dân đã được rút gọn, công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Cũng theo ông Huế, trong thời gian tới, phần mềm một cửa điện tử liên thông sẽ được nhân rộng và triển khai ở tất cả các cơ quan cấp sở, các huyện, thị xã trên toàn tỉnh, đồng thời, việc ứng dụng phầm mềm này cũng sẽ được triển khai, đẩy mạnh đồng bộ đến cấp xã, phường.

Những nỗ lực ấy sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn nhu cầu người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây cũng chính là động lực hướng đến một nền hành chính nhà nước văn minh, hiện đại.

Diệu Hương