.

Nuôi thử nghiệm giống cá lăng chấm ở Tuyên Hóa

Thứ Ba, 08/09/2015, 09:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Nằm trong danh sách giống cá có nguy cơ tuyệt chủng, cá lăng chấm là giống cá đặc sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao. Sau khi nuôi thử nghiệm thành công tại hộ gia đình ở thị trấn Nông trường Việt Trung. Hiện nay, cá lăng chấm đang tiếp tục được đưa vào nuôi thử nghiệm ở vùng đất Tuyên Hóa với hy vọng sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế cho các hộ dân nơi đây.

Hiện nay, ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh ta, nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, thực tế, số lượng ao nuôi và lồng nuôi ngày càng nhiều nhưng hiệu quả kinh tế chưa thật sự cao. nguyên nhân là do, người dân vẫn đầu tư nuôi những giống cá truyền thống, giá trị kinh tế thấp. Để từng bước đa dạng hóa đối tượng nuôi, dần thay thế những giống cá nuôi truyền thống hiệu quả kinh tế thấp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa đã xây dựng mô hình “Nuôi cá lăng chấm thương phẩm trên địa bàn huyện Tuyên Hóa”.

Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra mô hình nuôi cá lăng chấm ở Tuyên Hóa.
Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra mô hình nuôi cá lăng chấm ở Tuyên Hóa.

Cá lăng chấm là giống cá đặc sản nước ngọt, có giá trị kinh tế cao được các tỉnh miền núi phía Bắc nuôi thành công. Trong những năm gần đây, cá lăng chấm được nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm tại các tỉnh Nam Định, Bắc Giang, Hoà Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc... Năm 2011, Trung tâm Khuyến Nông - Khuyến ngư tỉnh đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá lăng chấm trong ao đất ở hộ ông Bùi Viết Phương, trú tại thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch. Tuy là giống cá mới được đưa vào nuôi nhưng với giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế của nó, mô hình cá lăng chấm đã mang lại hiệu quả rất cao cho hộ gia đình anh Phương.

Nhận thấy tiềm năng kinh tế của loại cá này, tháng 6-2014, sau khi xây dựng mô hình, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa đã tiến hành tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi cá lăng chấm cho các hộ gia đình ở 2 thôn Châu Hóa và Sơn Hóa để nuôi thử nghiệm cá lăng chấm.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cá lăng được nuôi trong lồng thì lồng phải đạt những tiêu chí kỹ thuật như: phải được làm bằng khung gỗ hoặc khung sắt. Độ sâu mực nước trong lồng phải đạt 2m. Lồng phải dùng bó tre hoặc thùng phuy làm phao để giảm độ chao lắc của lồng. Đặt lồng ở nơi có nước chảy vừa phải, không quá mạnh. Đối với ao nuôi bờ ao có thể là bờ đất hoặc được xây kè kiên cố bằng gạch hoặc bê tông. Ao có cống cấp và cống thoát chủ động. Ao được xây dựng tại những nơi có nguồn nước cấp chủ động, tốt nhất là gần các hồ chứa thủy nông có nguồn nước chảy qua quanh năm thuận tiện để thay nước.

Việc nuôi thử nghiệm được tiến hành bằng hai phương pháp, nuôi trong lồng và nuôi ao đất. Mục đích là nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của cá trong môi trường nuôi mới. Trên cơ sở đó để có sự so sánh hiệu quả kinh tế giữa nuôi lồng và nuôi ao đất và xem phương pháp nào phù hợp nhất với điều kiện của địa phương.

Có thể nói đưa giống cá lăng chấm vào nuôi thử nghiệm trong lồng và trong ao đất ở Tuyên Hóa là hình thức nuôi dưỡng và bảo tồn giống cá đặc sản nước ngọt nhằm tránh tình trạng các giống cá đặc sản và quý hiếm khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng. Mô hình thành công là tiền đề tạo ra hướng nuôi mới giúp cho người dân tiết kiệm chi phí trong quá trình nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sản phẩm đặc sản đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Đ.N