.

Thực trạng chất lượng của các công trình nước sinh hoạt ở nông thôn

Thứ Ba, 08/09/2015, 09:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng của các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã phê duyệt đề tài “Đánh giá tổng hợp chất lượng nước và đề xuất giải pháp xử lý nước tại các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình” do Trung tâm kỹ thuật đo lường thử nghiệm tỉnh chủ trì thực hiện.

Theo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, số lượng các công trình cấp nước tập trung trong thời gian thực hiện chương trình đã tăng lên đáng kể. Cuối năm 2013 toàn tỉnh có 69 công trình cấp nước nhưng đến tháng 5-2015 đã có 103 công trình. Sự tăng lên của những công trình cấp nước này đã góp phần cải thiện điều kiện sống của cộng đồng dân cư nông thôn. Tuy nhiên, tính bền vững trong quá trình hoạt động của các công trình trên địa bàn tỉnh vẫn chưa cao. Số lượng và chất lượng nước cung cấp từ nhiều công trình cấp nước chưa bảo đảm, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người sử dụng.

Kết quả kiểm tra chất lượng nước tại các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn lấy mẫu từ năm 2012 đến 2014 cho thấy số lượng công trình đạt theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN 02:2009/BYT) về chất lượng nước sinh hoạt là rất ít. Cụ thể, năm 2012, kiểm tra chất lượng nước tại 25 công trình cấp nước tập trung nông thôn chỉ có 2 công trình đạt quy chuẩn. Năm 2013, kiểm tra chất lượng nước tại 33 công trình, chỉ có 7 công trình đạt quy chuẩn. Năm 2014, kiểm tra chất lượng nước tại 30 công trình, chỉ có 11 công trình đạt quy chuẩn.

Nguyên nhân là do công tác duy tu, bảo dưỡng định kỳ đối với những công trình này chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến nhiều công trình bị xuống cấp, tỷ lệ thất thoát nước cao. Thêm vào đó, công tác quản lý tại các công trình hiện còn nhiều bất cập, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của ban, tổ quản lý vận hành chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu về quy trình, công nghệ xử lý nước. Do vậy, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của công trình và chất lượng nước cấp cho người dân.

Nhiều người dân vẫn đang sử dụng nguồn nước chưa bảo đảm chất lượng.
Nhiều người dân vẫn đang sử dụng nguồn nước chưa bảo đảm chất lượng.

Hiện nay, các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh sử dụng hai nguồn nước chính là nước mặt (sông, suối, hồ..) và nước dưới đất (giếng khoan). Trong đó chủ yếu là sử dụng nước mặt. Nguồn nước mặt thay đổi theo mùa do vậy hiện tượng thiếu nước và mùa khô vẫn diễn ra tại các công trình cấp nước ở miền núi sử dụng nước khe suối đầu nguồn. Các công trình chủ yếu có công suất khai thác trung bình (300-500m3/ngày đêm), quy mô cấp nước cho các khu dân cư tập trung liên thôn, liên xã. Địa bàn phân phối tương đối rộng so với quy mô công trình. Vì vậy, hiệu quả hoạt động của các công trình chưa cao, tỷ lệ thất thoát nước trên đường ống tương đối lớn.

Về công nghệ xử lý đã có một số công trình đầu tư hệ thống xử lý tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, nhiều công trình không vận hành đúng quy trình, bỏ qua một số công đoạn xử lý như keo tụ, khử trùng nước như công trình nước sinh hoạt ở xã Quảng Tiên được đầu tư công nghệ xử lý nước mặt theo quy trình bể lắng- bể lọc- khử trùng- bể chứa nước sạch. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình vận hành, công trình không tuân theo quy trình bỏ qua công đoạn khử trùng. Nguyên nhân do quy trình vận hành phức tạp, phải bổ sung hóa chất, trong khi đó thiếu kinh phí nên đã không áp dụng công đoạn khử trùng. Đây là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nước cấp cho người dân.

Đối với các công trình cấp nước tự chảy ở miền núi, do các điều kiện hạ tầng không thể áp dụng các các công nghệ xử lý đầy đủ nên chất lượng nước cấp phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nước. Qua khảo sát, phần lớn các đơn vị quản lý, chính quyền địa phương hay tổ chức dân lập như hợp tác xã vẫn chưa thực sự quan tâm đến công tác kiểm tra chất lượng nước của công trình.

Các công trình được định kỳ kiểm tra 6 tháng một lần hay 1 năm một lần là do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh kết hợp với Trung tâm y tế dự phòng tỉnh lấy mẫu kiểm tra theo Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Riêng đối với các công trình do doanh nghiệp quản lý như Công ty cổ phần cấp nước Quảng Bình và tổ chức hành chính nhà nước như Ban quản lý các dự án xây dựng huyện Quảng Ninh thì công tác kiểm tra chất lượng nước được quan tâm và thực hiện theo định kỳ 3 tháng một lần đúng quy định.

Nhìn chung, nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh có chất lượng phù hợp cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên chất lượng nước vào mùa mưa thường có độ đục và các thành phần vi sinh cao nên đã ảnh hưởng đến quá trình xử lý nước tại các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Hầu hết các công trình xử lý nước bằng phương pháp cơ học (lắng, lọc), chưa quan tâm nhiều đến việc sử dụng các loại hóa chất trợ lắng, khử trùng nên có rất nhiều công trình không xử lý nước bảo đảm tiêu chuẩn.

Qua phân tích chất lượng nguồn nước cho thấy, nguồn nước tại hầu hết các công trình đang bị nhiễm các chỉ tiêu vi sinh, đặc biệt là E.coli và một số chất như Fe, PH... Kết quả này có thể nhận định các nguồn nước dưới đất đang bị nhiễm bẩn bởi các chất thải hữu cơ, phân thải phát sinh xung quanh khu vực công trình. Để sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt, thành phần E.coli trong nước phải được xử lý hoàn toàn, do vậy nguồn nước phải được khử trùng thích hợp.

Với đề tài “Đánh giá tổng hợp chất lượng nước và đề xuất giải pháp xử lý nước tại các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”, đã phần nào phản ánh thực trạng của các công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh ta. Đây là đề tài khoa học quan trọng giúp các cơ quan quản lý nắm được tính hình khai thác, sử dụng và chất lượng nước của các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh từ đó lựa chọn được giải pháp quản lý và kỹ thuật để cung cấp nước sinh hoạt đạt chất lượng, mang lại hiệu quả và bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân.

P.V