.

Định hướng phát triển chăn nuôi từ lai tạo giống bò hướng thịt

Thứ Ba, 10/03/2015, 09:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Chăn nuôi bò là một nghề truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Nếu trước đây chăn nuôi bò phần lớn là để phục vụ sức kéo cho sản xuất thì nay đã dần chuyển sang hướng chăn nuôi bò lấy thịt. Việc lai tạo giống bò Brahman trắng, Droughtmaster với bò lai Zebu với mục đích tạo ra thế hệ con lai mới cho năng suất, chất lượng thịt cao đang mở ra hướng phát triển mới cho ngành chăn nuôi bò ở tỉnh ta.

Là một trong những địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi bò nhiều năm qua số lượng đàn bò ở tỉnh ta không ngừng tăng về số lượng. Tuy nhiên, với những giống bò truyền thống như bò vàng được nuôi chủ yếu ở nhiều địa phương vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt đang ngày một tăng.

Nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng giống bò hướng đến nhu cầu lấy thịt, năm 1995 tỉnh ta đã thực hiện chương trình cải tạo đàn bò với sự hỗ trợ của Dự án Cr 2561. Nhưng tại thời điểm này, do người dân vẫn chưa nhận thức hết giá trị kinh tế của bò lai nên hiệu quả của chương trình cải tạo đàn bò chưa cao. Số lượng bò lai tạo không nhiều. Đa số người dân vẫn chăn nuôi giống bò vàng truyền thống. Những năm gần đây, khi thấy được giá trị và hiệu quả mà bò lai mang lại thì việc cải tạo đàn bò bước đầu đã thu kết quả tốt, số lượng bò lai liên tục tăng. Tính đến năm 2013, toàn tỉnh đã lai tạo được trên 7.000 con/ năm, nâng tỷ lệ bò lai của tỉnh đạt khoảng 32%. Qua thực tiễn nuôi, theo đánh giá của những người chăn nuôi thì bò lai đưa lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Ở cùng một thời điểm nuôi, giá bò lai thường cao gấp 1,5 - 2 lần so với giống bò địa phương. Có những bò lai chỉ mới 6 tháng tuổi đã có giá từ 15 triệu đến 18 triệu đồng. Các giống bò lai tạo được đưa vào chăn nuôi chủ yếu là Sind, Sahiwall và hiện nay là bò Brahman đỏ.

Kiểm tra quá trình sinh trưởng của đàn bò thí nghiệm.
Kiểm tra quá trình sinh trưởng của đàn bò thí nghiệm.

Tuy nhiên, với số lượng bò lai chỉ chiếm 32% thì việc cung ứng nguồn thịt chất lượng cho thị trường trong tỉnh vẫn là một vấn đề khó. Thực tế, hiện nay, do nhu cầu tiêu thụ thịt bò tăng cao nên bình quân mỗi năm nước ta phải nhập một số lượng lớn bò thịt và thịt bò từ các nước về tiêu thụ, khoảng 40.000 con bò từ Úc với trọng lượng bình quân 500kg/con. Ngoài nhập bò từ Úc, nước ta còn nhập thêm số lượng lớn bò từ các nước Thái Lan, Myanma... Chỉ tính riêng tại tỉnh ta, bình quân mỗi tháng có trên 4.000 con trâu, bò được nhập về thông qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Các giống bò thịt được nhập về chủ yếu là bò Brahman trắng.

Để giảm bớt gánh nặng về nhập khẩu bò thịt thì việc phát triển chăn nuôi bò thịt ở tỉnh ta là điều rất cần thiết, vừa nâng cao chất lượng giống bò địa phương, từ đó cung cấp đầy đủ nhu cầu thực phẩm hiện nay. Tuy nhiên, để phát triển được ngành chăn nuôi bò thịt tốt đòi hỏi phải làm tốt công tác giống. Trước đây, nước ta đã nhập một số giống bò thịt cao sản có nguồn gốc ôn đới như Charolais, Limousin..., chủ yếu ở dạng tinh đông lạnh về cho lai với đàn bò địa phương, tạo ra con lai F1 nuôi thịt, nhưng hiệu quả mang lại không cao. Nguyên nhân là do những giống bò ôn đới này không thích nghi được với điều kiện thời tiết nóng ẩm của ta nên dễ mắc bệnh, nhất là bệnh nhiễm ve.

Từ những kinh nghiệm thực tế, và với những kết quả ban đầu mà chương trình cải tạo đàn bò của tỉnh đã thu được trong thời gian qua là tiền đề quan trọng cho việc lai tạo con lai phát triển theo hướng bò thịt.  Việc lựa chọn con giống lai tạo dựa trên cơ sở là những giống bò thịt có nguồn gốc nhiệt đới phù hợp với điều kiện thời tiết của địa phương. Các giống bò thịt có nguồn gốc nhiệt đới tuy năng suất không cao bằng giống bò chuyên thịt có nguồn gốc ôn đới nhưng lại thích nghi với điều kiện thời tiết ở nước ta và cũng phù hợp với khả năng đầu tư thâm canh còn hạn chế của người chăn nuôi. Bò Brahman và bò Droughtmaster được xác định là những giống bò phù hợp để lai tạo và chăn nuôi bò thịt ở tỉnh ta.

Giống bò Brahman là giống bò thịt nhiệt đới được tạo ra ở Mỹ bằng cách lai tạo từ các giống bò Zebu. Chúng có hai dòng là Brahman đỏ và trắng. Trong đó, bò Brahman đỏ có màu lông đẹp được người dân ở nước ta ưa chuộng nhưng tầm vóc nhỏ và năng suất thấp. Bò Brahman trắng có tầm vóc lớn, tăng trọng nhanh và năng suất thịt cao hơn. Giống bò này hiện đang nuôi phổ biến ở các nước nhiệt đới và là giống bò thịt chủ yếu của các nước có ngành chăn nuôi phát triển như Mỹ, Úc, Ấn Độ...

Các giống bò lai được lựa chọn để lai tạo đều có tầm vóc lớn, tăng trọng nhanh.
Các giống bò lai được lựa chọn để lai tạo đều có tầm vóc lớn, tăng trọng nhanh.

Giống bò Droughtmaster là giống bò được tạo ra ở Úc bằng cách cho lai tạo giữa giống bò chuyên thịt ôn đới Shorthorn của Anh và bò Brahman của Mỹ. Sự kết hợp này đã tạo cho bò Droughtmaster có nhiều ưu điểm nổi bật về năng suất và khả năng thích nghi cao, kháng ve tốt. Giống bò lai này hiện cũng được nuôi phổ biến ở Úc...  

Zebu là tên chung cho nhóm giống bò u có nguồn gốc Ấn Độ và Paskistan. Chúng có 30 giống khác nhau trong đó phổ biến là Sind, Sahiwall...đặc điểm ngoại hình nổi bật là u vai cao, yếm rốn phát triển. Do có nguồn gốc nhiệt đới nên ưu điểm là thích nghi tốt với điều kiện thời tiết nóng ẩm và kháng ve tốt.

Dựa trên cơ sở khảo nghiệm và tuyển chọn các giống bò hướng thịt vừa cho năng suất, chất lượng thịt cao vừa có khả năng thích nghi tốt với điều kiện địa phương, Trung tâm giống vật nuôi đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành thực hiện nghiên cứu khả năng sinh sản khi lai các giống bò đực hướng thịt Brahman trắng và Droughtman và bò cái lai Zebu (lựa chọn các bò cái nền lai Zebu F2 có 75% máu Zebu và 25% máu bò vàng Việt Nam). Mục đích của công tác nghiên cứu này nhằm tạo ra thế hệ con lai F1 nuôi thịt có nhiều ưu điểm về khả năng tăng trọng nhanh đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương. Việc lai tạo này sẽ tập trung theo dõi, đánh giá khả năng thích nghi và sức sản xuất của thế hệ con lai F1 được tạo ra từ những giống bò trên. Từ đó xác định con lai của các giống bò này có thể phát triển tốt và cho năng suất cao trong điều kiện như tỉnh ta hay không.

Có thể thấy, với việc lai tạo những giống bò có những ưu điểm vượt trội như Brahman, Droughtmaster và bò cái lai Zebu bước đầu đã góp một phần quan trọng vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học về giống và công tác giống bò, vào mối quan hệ giữa tiềm năng di truyền với điều kiện môi trường. Kết quả của quá trình lai tạo sẽ là cơ sở quan trọng cho việc xác định giống bò thịt, công thức lai tạo từ đó thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh ta.

Đ.Nguyệt