.

Các giải pháp nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững cây cao su trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Thứ Sáu, 07/03/2014, 09:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Cây cao su được đưa vào trồng ở tỉnh ta từ tháng 8-1960 tại Nông trường Quốc doanh Việt Trung, từ năm 1961 tại Nông trường Quốc doanh Lệ Ninh.

Trải qua hơn 53 năm cùng với việc thử nghiệm trồng nhiều loại cây trồng khác nhau như lạc, ngô, khoai, sắn, mía, dứa, bạch đàn, keo lai và phát triển chăn nuôi với các đối tượng như bò, lợn, gà... đến nay vị trí cây cao su trên đất Quảng Bình đã được khẳng định. Hiệu quả kinh tế của cây cao su mang lại cho người dân đã được xác lập vị trí hàng đầu trong các loại cây trồng, kể cả cây công nghiệp dài ngày và các cơ cấu vật nuôi khác. Hiệu quả kinh tế của cây cao su sẽ còn gia tăng trong điều kiện công nghiệp ô tô, xe máy, công nghiệp sử dụng cao su và công nghiệp chế biến gỗ đang phát triển mạnh.

Tính đến tháng 9 năm 2013, diện tích cao su toàn tỉnh là 18.220ha, trong đó: diện tích kiến thiết cơ bản khoảng 9.120ha và diện tích kinh doanh là 9.100ha; diện tích cao su tiểu điền khoảng 10.285ha và cao su đại điền là 7.935ha. Năng suất trung bình đạt 1,1 tấn/ha (trong đó: năng suất cao su đại điền đạt khoảng 1,4 tấn/ha, năng suất cao su tiểu điền khoảng 0,8 tấn/ha). Tổng sản lượng cao su năm 2012 khoảng 10.010 tấn.

Cây cao su trên đất Quảng Bình phát triển mạnh trong những năm gần đây với  diện tích trồng mới hàng năm đạt hơn 1.000 ha/năm. Cây cao su đã góp phần giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội, gắn lợi ích kinh tế hộ với bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Đặc biệt trong những năm gần đây, cây cao su đã được khẳng định là “cây làm giàu” trên đất Quảng Bình.

Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn luôn quan tâm đến phát triển cây cao su trên đất Quảng Bình. Chính vì vậy, ngày 15-6-2011, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 1358/QĐ-UBND về việc quy hoạch tổng thể về phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 nhằm tạo cơ sở pháp lý phát triển cây cao su trên đất Quảng Bình. Quyết định này đã thể hiện sâu sắc về ý chí, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với việc phát triển cây cao su một cách bền vững trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên bên cạnh những tiềm năng và hiệu quả đem lại là rất lớn, thì vẫn còn tồn tại một số bất cập trong quá trình sản xuất và phát triển cây cao su, đặc biệt là cao su tiểu điền, đã góp phần cùng với nguyên nhân chủ yếu là thiên tai, đã gia tăng thiệt hại cây cao su trong thời gian qua.

Nhức nhối trước những thiệt hại vô cùng lớn của các doanh nghiệp và nhân dân do thiên tai gây ra đối với cây cao su trên đất Quảng Bình trong thời gian qua, Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã quan tâm sâu sắc và kịp thời giao Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Trường đại học Nông Lâm Huế đồng tổ chức hội thảo khoa học vào ngày 17-1-2014 nhằm đề xuất các giải pháp góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra đối với cây cao su trong  thời gian tới.

Qua khảo sát thực tiễn và kết quả hội thảo cho thấy: hiện nay, trong quá trình sản xuất, phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, đặc biệt nhất là trong cao su tiểu điền, một số quy trình kỹ thuật về trồng, canh tác, chăm sóc, bảo vệ, sử dụng phân bón, phòng trừ sâu bệnh và khai thác cây cao su vẫn còn một số tồn tại và bất cập do không tuân thủ quy định, quy trình, quy phạm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam ban hành hoặc chưa có quy định cụ thể để thực hiện phù hợp, thích ứng với đặc điểm địa hình địa mạo, điều kiện khí hậu ở Bắc Trung bộ nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng.

Trên cơ sở thực trạng sản xuất, phát triển cây cao su trong thời gian qua, hội thảo thống nhất để xuất một số giải pháp, cụ thể như sau:

1. Về cơ cấu bộ giống: Khuyến cáo chọn các dòng vô tính có khả năng kháng gió và chịu rét tốt như: RRIM 712, RRIM 600, RRIC 100, RRIC 121, GT 1, IAN 873, VNg 77-4. Tăng tỷ lệ sử dụng giống chịu rét tốt IAN 873 và VNg 77-4 trên địa bàn huyện Minh Hóa. Việc mua bán cây giống cao su phải có nguồn gốc rõ ràng về giống và chất lượng kèm theo kiểm định công nhận của cơ quan có thẩm quyền.

2. Về thời vụ trồng: Có thể trồng mới trong 2 vụ: từ 1-9 đến 15-10 (đối với stum trần, stum bầu hoặc cây bầu) và từ 1-2 đến 15-3 (đối với stum bầu hoặc cây bầu).

3. Hướng trồng: Đối với đất bằng: trồng theo hướng gió chính vào mùa mưa bão, chủ yếu theo hướng đông - tây hoặc theo hướng gió chính của tiểu vùng. Đối với đất dốc: Trồng theo đường đồng mức.

4. Hướng mắt ghép: Theo hướng tây nam (hướng gió tác động chủ yếu sau khi trồng)

5. Kích thước hố trồng: Dài x rộng x sâu tương ứng là: 60 x 60 x 70cm đến 70 x 70 x 80cm. Nơi trồng theo đường đồng mức: tâm hố đào cách taluy âm tối thiểu 1,0m.

6. Mật độ trồng: Trên đất bằng (dưới 5 độ) và đất ngập úng: với mật độ 555 cây/ha (khoảng cách 6 x 3m) đến 606 cây/ha (khoảng cách 5,5 x 3m). Trên đất dốc (> 5độ): với mật độ  666 cây/ha (khoảng cách 6 x 2,5m).

7. Phương thức trồng: Tùy điều kiện cụ thể để có thể trồng bằng stum trần (rễ cọc dài tối thiểu 50-60cm); stum bầu có 2-3 tầng lá ổn định, hay trồng bầu (cắt ngọn hoặc bầu có tầng lá). Mí dưới mắt ghép ngang với mặt đất. Đối với vùng đất dốc thì mí dưới mắt ghép ngang với mặt trên của taluy âm.

8. Đai chắn gió bão: Đai chắn gió bão có thể bằng gò đồi tự nhiên theo địa hình, địa mạo (nếu có); hoặc

Đai rừng chắn gió bão bằng cây trồng, rộng 10-12m, theo hướng vuông gốc với hướng hàng cây cao su (vuông góc với hướng gió chính) và được hình thành trước lúc hoặc đồng thời khi trồng mới cây cao su, có thể: bằng cây rừng tự nhiên xung quanh (nếu có); hoặc bằng chính cây cao su (nên chọn GT 1) khoảng cách 2 x 2m đến 2,5 x 2,5m đến 3 x 2,5m, bấm đọt các hàng thành 3 cấp độ để tạo thành 3 tầng cao thấp khác nhau. Có thể thực hiện hệ thống cọc chằng liên kết giữa các cây tạo thành khối liên kết ở khu vực đai rừng chắn gió bão. Đứng đầu hàng cây cao su trong vườn có thể trồng 3-5 cây giống GT 1. Các đai rừng chắn gió bão cách nhau khoảng 30-40 lần chiều cao đai rừng.

9. Trồng xen trong thời gian kiến thiết cơ bản: Trong thời gian kiến thiết cơ bản nên trồng xen các loại cây họ đậu, dưa, ngô, khoai lang, khoai môn, kê gừng (đối với đất bằng) để tăng hiệu quả kinh tế, cây đậu Kusdu hoặc cây lạc dại (đối với đất dốc) để tạo thảm phủ chống xói mòn. Không nên trồng sắn và các cây trồng có thể gây nhiễm nấm, sâu bệnh đối với cây cao su.

10. Tạo tán, tỉa cành:

- Tạo tán cây cao su trong giai đoạn kiến thiết cơ bản: Cắt chồi thực sinh, chồi ngang: Sau khi trồng phải cắt chồi thực sinh và chồi ngang kịp thời để chồi ghép phát triển tốt. Tạo tán ở độ cao từ 2,2-2,5m: Vào năm thứ 2, khi cây đủ độ cao từ 2,2-2,5m, tiến hành cắt ngọn (vị trí cắt nằm ở tầng lá trên cùng; và chừa lại 3 cành ở đỉnh đã cắt) để tạo tán; khoảng cách giữa các chồi tối thiểu từ 15cm và được phân bố đều các phía để tán lá mới cân đối, hạn chế gãy cành, gãy tán do gió. Chỉ tiến hành khi tầng lá trên cùng đã ổn định, không cắt ngọn tạo tán vào mùa đông.

- Tỉa cành, nhánh, hạ thấp tán vườn cao su kinh doanh: Trong quá trình kinh doanh, thực hiện tỉa cành, nhánh để tạo hình cân đối và hạ thấp tán vườn cây cao su để phòng chống gió bão.

11. Về khai thác mủ cây cao su:

Chỉ tiến hành khai thác khi có 70 % số cây trong vườn đạt 2 chỉ tiêu khai thác: Về độ dày vỏ đạt 6mm và bề vòng thân cây ghép đo ở độ cao 1m cách mặt đất đạt 50cm. Phương pháp cạo: Nên cạo mủ theo phương pháp S/2 d/3 (cạo nửa vòng thân cây, 3 ngày cạo 1 lần). Thời vụ cạo mủ: Mở miệng cạo vào tháng 3-4 và tháng 10-11 trong năm. Nghỉ cạo khi cao su bắt đầu rụng lá vào tháng 1-2 cho đến khi bắt đầu có lá nhú chân chim. Phương thức khai thác vừa phải, không nên lạm dụng chất kích thích ra mũ làm “vắt kiệt” cây cao su.

12. Các quy định về đất trồng, quy trình kỹ thuật về chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh và các quy trình, quy định khác:

Các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật đối với đất trồng cây cao su: được thực hiện theo đúng Thông tư số 58/2009/TT-BNNPTNT ngày 9-9-2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc trồng cao su trên đất lâm nghiệp.

Các quy trình kỹ thuật về chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh và các quy trình, quy định khác: được thực hiện theo quy trình kỹ thuật được quy định tại “Quy trình kỹ thuật cây cao su” do Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam ban hành năm 2012 và hướng dẫn của và Sở Nông nghiệp và Phát triển nNông thôn, trong đó có quan tâm: tăng cường tủ gốc cho cây trong thời gian 2-3 năm sau khi trồng bằng rơm rạ, cỏ, lá hoặc bằng màng PE; tăng cường công tác ép xanh và các hố tích mùn giữ ẩm; thực hiện thâm canh, bón phân và chế độ dinh dưỡng bảo đảm cho cây sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh; kết hợp bón hài hòa giữa phân hữu cơ và phân vô cơ; đối với phân vô cơ: nên giảm lượng đạm, tăng lượng lân và kali để giúp cây chắc khỏe, tăng sức đề kháng.

13. Kiến nghị:

- Chính phủ có chính sách: Cho khoanh nợ, giản nợ, xóa nợ và cho vay với lãi suất ưu đãi với thời gian từ 6-7 năm mới trả gốc và lãi để doanh nghiệp, hộ gia đình có điều kiện tiếp tục trồng mới và khắc phục lại diện tích cây cao su trên diện tích bị thiệt hại do cơn bão số 10 và hoàn lưu bão số 11 năm 2013, cho vay vốn ưu đãi đối với người trồng cây cao su; bảo hiểm đối với cây cao su.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Viện nghiên cứu cây cao su Việt Nam nghiên cứu lai tạo chọn giống và điều chỉnh quy trình kỹ thuật cây cao su phù hợp điều kiện Bắc Trung bộ nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng.

- UBND tỉnh có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vườn ươm giống cây cao su bảo đảm chất lượng, đúng chủng loại và phù hợp với điều kiện khí hậu Quảng Bình; khuyến khích phát triển mạng lưới kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh hại cây cao su.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về giống cây trồng trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng giống cây trồng nói chung và giống cây cao su nói riêng; tăng cường công tác quản lý bảo vệ thực vật và phòng trừ sâu bệnh hại cây cao su; thường xuyên kiểm tra và hướng dẫn thực hiện; tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn, chuyển giao toàn bộ các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các quy trình kỹ thuật cây cao su do Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam ban hành và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh; nghiên cứu kết quả hội thảo được trình bày tại văn bản này để cụ thể hóa chi tiết và hướng dẫn tổ chức thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh.

- Sở Khoa học và Công nghệ: Tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh theo đặt hàng của các cơ quan chức năng.

- UBND các huyện, thành phố: Có chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển cây cao su trên địa bàn; tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn, chuyển giao toàn bộ các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các quy trình kỹ thuật cây cao su do Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam ban hành và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn huyện, thành phố.

Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra đối với cây cao su trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Lý