.

Bến Tiêm chiến khu xưa

Thứ Năm, 08/09/2016, 07:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vùng đất Bến Tiêm (thuộc xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) đã được chọn làm chiến khu của huyện Quảng Ninh và tỉnh Quảng Bình. Trong suốt thời gian tồn tại, chiến khu Bến Tiêm đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình phát triển của huyện và của tỉnh: là nơi tổ chức đại hội lần thứ hai, thứ ba của Đảng bộ huyện Quảng Ninh, đại hội lần thứ ba của Đảng bộ tỉnh Quảng Bình.

Bến Tiêm cũng là điểm xuất phát của nhiều tuyến đường quan trọng trong những năm kháng chiến chống Pháp, trong đó có tuyến đường chính từ Bến Tiêm qua dốc U Bò, vượt các đỉnh Ba Rền, Bồng Lai, Cổ Giang, lên Troóc rồi ra Cao Mại (Tuyên Hóa, tuyến vận tải đường sông từ Đò Vàng - Minh Cầm - Phong Nha- Xuân Dục đến Bến Tiêm. Đây là những tuyến đường giao liên quan trọng, góp phần to lớn trong việc bảo đảm giao thông liên lạc, vận chuyển hàng hóa ra các chiến trường, nhất là từ sau năm 1950, Quảng Bình có thêm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa cho Liên khu V.

Năm 1947, thực dân Pháp quay trở lại đánh chiếm Quảng Bình giữa lúc quân và dân Quảng Bình đang bộn bề giữa muôn vàn khó khăn: chính quyền cách mạng vừa mới được thiết lập, quân đội non trẻ, vũ khí thiếu thốn. Trong khi đó, quân Pháp đông, lại đầy đủ vũ khí, hung hãn, tàn bạo và xảo quyệt vô cùng.

Vì vậy, chỉ một thời gian ngắn sau khi chiếm được Quảng Bình, thực dân Pháp đã khiến cho người dân Quảng Bình lâm vào cảnh thiếu đói, cực khổ trăm bề. Mưu đồ của chúng là đè bẹp mọi sự kháng cự của nhân dân để thực hiện ý đồ chia cắt chiến trường của cả nước ở vào nơi hẹp nhất.

Bên dòng Long Đại. Ảnh: P.V
Bên dòng Long Đại. Ảnh: P.V

Với ý đồ đó, sau khi chiếm được tỉnh lỵ Quảng Bình, thực dân Pháp ngay lập tức mở rộng địa bàn chiếm đóng ra các huyện. Nhận thấy Quảng Ninh là địa bàn chiến lược quan trọng, là vành đai bao vây ba phía của tỉnh lỵ - nơi đóng chốt các cơ quan đầu não của chúng, ngay từ đầu cuộc chiến, thực dân Pháp đã quyết tâm chiếm đóng vùng này để nhanh chóng giữ đất, giành dân, xây dựng tuyến phòng thủ an toàn, vững chắc sau lưng Đồng Hới, quan trọng nữa là để cắt đứt tuyến liên lạc Bắc Nam. Số quân mà địch huy động đến vùng Quảng Ninh và Đồng Hới lên đến gần 800 tên, chiếm gần một nửa số quân địch trong tỉnh.

Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, địch đã chiếm đóng và lập đồn bốt, đóng quân tại các vị trí quan trọng ở Quảng Ninh. Mục đích của chúng là gây sự hoang mang, uy hiếp tinh thần dân chúng của vùng tả ngạn sông Kiến Giang. Ở các xã miền núi, địch tập trung càn quét, khủng bố bình định để dồn lực lượng của ta lên núi. Ở đồng bằng, chúng đóng quân, xây dựng đồn bốt để quản lí những vùng tạm chiếm.

Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các huyện trong tỉnh có kế hoạch để đối phó với địch. Huyện ủy Quảng Ninh đã tổ chức cho nhân dân tập trung khai phá nương rẫy ở làng Mô (xã Trường Sơn) xây dựng căn cứ lâu dài. Vùng đất này khá an toàn do xa trung tâm huyện lỵ, đường sá đi lại khó khăn.

Đặc biệt,  đồng bào Vân Kiều ở đây luôn tin tưởng vào Đảng, vào Bác Hồ, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vẫn nhiệt tình tham gia kháng chiến. Hơn nữa, xây dựng căn cứ kháng chiến ở đây sẽ phá tan âm mưu lập chính quyền tay sai, làm chủ miền rừng núi phía Tây, làm bàn đạp để từ đó tấn công bình định về hướng đồng bằng của thực dân Pháp.

Cùng với việc xây dựng chiến khu, Tỉnh ủy Quảng Bình cũng đã quyết định mở các tuyến đường giao thông để bảo đảm cho việc vận chuyển, tiếp tế giữa các vùng trong tỉnh, đặc biệt là tiếp tế cho các chiến trường. Tuyến đường chính được xuất phát từ Bến Tiêm qua dốc U Bò, Ba Rền, Bồng Lai, Cổ Giang, lên Troóc rồi ra Cao Mại (Tuyên Hóa). Tuyến vận tải đường sông đi theo hướng  từ Đò Vàng - Minh Cầm - Phong Nha - Xuân Dục đến Bến Tiêm.

Nhờ có những tuyến đường này mà việc bảo đảm giao thông liên lạc, vận chuyển hàng hóa được thông suốt trong những năm kháng chiến. Hàng vạn tấn hàng hóa không chỉ cung cấp cho nhân dân hậu phương mà còn cung ứng kịp thời cho nhân dân tiền phương, không chỉ mặt trận Bình Trị Thiên mà còn vươn tới các chiến trường khác, nhất là từ sau năm 1950, Quảng Bình còn có thêm nhiệm vụ vận tải hàng hóa cho Liên khu V.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chiến khu bến Tiêm không chỉ là nơi đóng quân của các cơ quan đầu não của huyện Quảng Ninh mà còn là nơi đóng quân của nhiều đơn vị chủ chốt của tỉnh. Đó là sau Đại hội lần thứ hai Đảng bộ tỉnh Quảng Bình tại Kim Bảng - Minh Hóa (2-1949), thực hiện khẩu hiệu: “Miền Nam mạnh là Quảng Bình mạnh” do Đại hội đề ra, tỉnh Quảng Bình đã quyết định chuyển chiến khu của tỉnh từ Tuyên Hóa vào Quảng Ninh để trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến.

Tại Bến Tiêm, Huyện ủy Quảng Ninh đã tổ chức đại hội lần thứ ba để bàn bạc những vấn đề cần kíp trước mắt, lên kế hoạch triển khai các bước cụ thể theo chủ trương chỉ đạo của Tỉnh ủy, trong đó chuẩn bị chu đáo cho việc phát động phong trào “Quảng Bình quật khởi” của huyện.

Từ thắng lợi của phong trào “Quảng Bình quật khởi”, tỉnh Quảng Bình tiếp tục phát động đợt thi đua “20 ngày đánh mạnh” để trên đà chiến thắng, tiếp tục tấn công tiêu diệt địch, bảo vệ căn cứa địa cho phong trào kháng chiến của toàn tỉnh. Thắng lợi của quân và dân Quảng Ninh nói riêng, nhân dân Quảng Bình nói chung có ý nghĩa to lớn trong việc đập tan ý đồ “chia cắt” và “rào chiến khu” của địch, thay đổi cục diện trên chiến trường, tạo đà cho cuộc kháng chiến của toàn tỉnh vững bước đi lên.

Bị thất bại liên tiếp, địch điên cuồng huy động thêm nhiều đội quân ứng chiến để đánh phá căn cứ Bến Tiêm nhằm phá hoại lực lượng dự trữ của ta. Tuy nhiên, nhờ có sự chuẩn bị, cất giấu kỹ càng nên ta vẫn bảo vệ được hàng hóa.

Cuối năm 1951, để đánh giá kết quả sau các đợt phát động của cuộc kháng chiến cũng như dồn sức, chuẩn bị cho các đợt tổng công kích, đánh những đòn quyết định để giành thắng lợi cuối cùng, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã tổ chức đại hội lần thứ ba tại chiến khu Bến Tiêm. Đây là sự kiện chính trị có tác động tích cực đến phong trào kháng chiến trên toàn tỉnh.

Từ sau đại hội này, phong trào thi đua “Giết giặc lập công, phối hợp với chiến trường chính” đã trở thành phong trào chính, các lực lượng của ta hoạt động mạnh và đều khắp, lập thành tích liên tiếp, làm cho thực dân Pháp bị tổn thất nặng. Trên đà thắng lợi, ta liên tục mở các đợt truy kích, tiêu diệt địch trên khắp các chiến trường.

Trên khắp toàn tỉnh đã tổ chức hàng chục trận chống càn có hiệu quả, tiêu diệt hơn 800 tên địch, thu nhiều vũ khí quân trang. Thắng lợi không chỉ ngăn chặn, đẩy lùi bước tiến của địch, hỗ trợ chiến trường chính Bắc bộ và Trung hạ Lào mà còn là nguồn cổ vũ động viên nhân dân hăng hái kháng chiến.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược sau hơn 8 năm trường kỳ gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt đã kết thúc. Sau chiến tranh, các đơn vị lần lượt rút khỏi chiến khu. Bến Tiêm- căn cứ địa cách mạng trong suốt thời gian dài của tỉnh, của huyện đã làm tròn sứ mệnh cao cả của mình.

Ngày nay, chiến khu Bến Tiêm không chỉ là điểm di tích ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử có giá trị mà nơi đây có thể được coi là một địa điểm kỳ thú hấp dẫn du khách khi đến với Quảng Ninh. Khoảng hơn một giờ đồng hồ ngồi trên thuyền, thư thái thả hồn mình giữa thiên nhiên, du khách sẽ đến Bến Tiêm. Giữa một  bên là núi, một bên là dòng Long Đại trong xanh, rồi thác Tam Lu với những cột thác cao, nước tung trắng xóa, du khách sẽ có một ngày được trải nghiệm nhiều điều thú vị khi đến nơi đây. 

Hải Yến